Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ: Tiếp tục đột phá

Lục Bình 07/08/2015 08:10

Đối với thí sinh ngoài quy hoạch, thuộc nguồn ngoài Bộ không có điều kiện về mặt lý luận cao cấp hay trình độ về quản lý nhà nước, sẽ được “nợ” tiêu chuẩn, trong trường hợp khi được bổ nhiệm sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết.

Nhiều bộ, ngành, địa phương thông qua thi tuyển cạnh tranh đã lựa chọn được đúng người để giao việc.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý để Bộ Tư pháp triển khai thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015 theo Đề án của Bộ Tư pháp.

Nhiều quy định thoáng

Bộ Tư pháp cho biết, năm 2015 có 4 vị trí thi tuyển, trong đó có 3 vị trí cấp trưởng và 1 vị trí cấp phó, gồm: Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Học viện Tư pháp và Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Mục đích của việc tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp là nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; thu hút, lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo cấp vụ của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các đơn vị nói riêng, góp phần hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp nói chung.

Bà Phan Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp sẽ có một số điểm mới so với quy trình bổ nhiệm truyền thống. Theo đó, với tuyển dụng, bổ nhiệm 1 vị trí, số người dự tuyển phải có số dư ít nhất là một so với các vị trí cần tuyển mới tổ chức thi tuyển. Việc ứng thí hẳn sẽ có nhiều thí sinh tham gia bởi Bộ Tư pháp đã công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, các phương tiện thông tin đại chúng, có công văn gửi các đơn vị trong Bộ, trong ngành về chủ trương và các yêu cầu, điều kiện tổ chức thi tuyển để khuyến khích thu hút sự tham gia của cán bộ, công chức trong và ngoài ngành, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong thi tuyển. Có lẽ vì vậy đã thu hút được nhiều thí sinh dự thi. Tính tới tháng 6, Hội đồng Thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp năm 2015 đã nhận được tổng cộng 10 hồ sơ đăng ký dự thi vào 4 vị trí thi tuyển lãnh đạo cấp vụ.

Điểm mới nữa trong tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ theo bà Hà đó là sẽ không bó hẹp đối tượng tham gia thi tuyển phải nằm trong nguồn quy hoạch như một số bộ, ngành, địa phương khác, Bộ Tư pháp đã mở rộng với cả những người ngoài quy hoạch ở trong và ngoài ngành, người lao động trong các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, pháp chế các bộ, ngành để mở rộng đối tượng tham gia, thu hút những cán bộ có năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Thậm chí, đối với nguồn ngoài quy hoạch, nguồn ngoài Bộ không có điều kiện về mặt lý luận cao cấp hay trình độ về quản lý nhà nước, sẽ được “nợ” tiêu chuẩn, trong trường hợp khi được bổ nhiệm sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn đó - bà Phan Thị Hồng Hà cho biết.

Để tránh sự thiếu khách quan trong cách chấm điểm của Hội đồng tuyển dụng, điểm chấm của Hội đồng sẽ là điểm chung của các thành viên. Nếu chênh lệch của thành viên nào trên 10% so với điểm trung bình phải có sự xem xét điều chỉnh lại, nếu không điều chỉnh lại, vẫn chênh lệch như vậy sẽ loại những điểm đó để đảm bảo không có sự thiên vị, không khách quan trong việc đánh giá các thí sinh dự tuyển – bà Hà nói.

Phòng chống tiêu cực trong bổ nhiệm lãnh đạo

Trả lời câu hỏi có nên mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn để thu hút người tài hơn nữa, nhất là đối với những cán bộ trẻ có năng lực nhưng lại thiếu một số điều kiện về chính trị… thông qua thi tuyển cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Điều này tùy thuộc vào cấp ủy nơi thi tuyển. Nếu cấp ủy đồng ý thì bất cứ ai cũng tham gia thi tuyển được chứ không hạn chế người này người kia.

Theo ông Tuấn, việc đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua kỳ thi còn tạo ra cơ hội như nhau đối với mọi người, không kể tuổi trẻ hoặc đã có tuổi, miễn là có đủ phẩm chất và năng lực. Những người đã làm việc lâu năm trong cơ quan, có kinh nghiệm công tác, cũng có cơ hội để thể hiện tài năng của mình bên cạnh những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thêm nội dung, hình thức thi như thế nào để có thể “đo lường” chính xác phẩm chất, năng lực lãnh đạo quản lý của người dự tuyển. Nếu chỉ trình bày chương trình hành động thôi thì có lẽ cũng chưa thể đánh giá được toàn diện các tố chất của người đó. Vì vậy, cần bổ sung thêm cả cơ chế đào thải, miễn nhiệm đối với những người đã được bổ nhiệm nhưng không đáp ứng yêu cầu ở vị trí lãnh đạo, quản lý.

“Tôi tin tưởng rằng, thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý sẽ góp phần lựa chọn được những người xứng đáng, có đức, có tài bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong nền công vụ, phòng chống được tiêu cực mà dư luận lo ngại lâu nay về “chạy chức chạy quyền”, hay “sống lâu lên lão làng” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ: Tiếp tục đột phá