Nhằm phục vụ mùa lễ hội Xuân năm 2023, xe điện bốn bánh được thí điểm để vận chuyển khách vào khu di tích chùa Hương. Đáng nói dù UBND TP phê duyệt, đơn vị được đưa vào thí điểm 50 xe điện bốn bánh, song doanh nghiệp đã đưa vào 110 xe để luân phiên phục vụ hành khách…
Liệu du khách có đang bị làm khó?
UBND Thành phố Hà Nội nhận được Văn bản số 127/SGTVT-QLVT ngày 11/01/2023 của Sở GTVT về việc kết quả khảo sát hiện trạng lộ trình xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh Chùa Hương.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho triển khai thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyện hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Toàn bộ số xe thí điểm được giao cho Công ty Chùa Hương Xanh thực hiện.
Trong phương án được duyệt, xe điện sẽ đón hành khách tại ba điểm cách bến Yến từ 1,7 km - 3 km. Tại các điểm đón này hình thành bốn bãi trông giữ phương tiện. Tất cả các xe khách, xe du lịch, xe cá nhân của du khách buộc phải gửi tại đây, hành khách hoặc đi xe điện, hoặc đi bộ vào khu di tích.
Anh Nguyễn Hoàng Công (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay: “Do phải gửi xe từ rất xa nên chúng tôi phải di chuyển bằng xe điện bốn bánh. Xe điện khá thuận tiện, nhưng phải chờ gần nửa tiếng thì mới có xe do lượng khách rất đông”.
Theo anh Công, do gia đình chuẩn bị đồ lễ từ ở nhà, với có trẻ em đi cùng nên rất nhiều đồ. Mà lượng khách đi xe điện rất đông nên anh thấy bất tiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc đi lễ chùa phải gửi xe rất xa nên việc đi bộ sẽ rất khó khăn.
Nhiều du khách cũng tỏ ra băn khoăn khi phải gửi xe ô tô tại các bãi xe do UBND xã Hương Sơn quản lý thì mới có thể đi bộ hoặc đi xe điện vào.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay để đảm bảo trật tự, đường vào khu du tích đã được phân luồng từ xa với ba tuyến xe điện và một tuyến đường đi bộ. Du khách nếu không muốn đi xe điện, chờ đợi lâu có thể đi bộ. Tuy nhiên, từ điểm đón của xe điện vào bến Yến gần nhất cũng 1,7 km, khiến du khách rất khó lựa chọn, hầu như đều buộc phải sử dụng xe điện bất chấp những bất tiện gặp phải.
Tăng thêm 60 chiếc xe điện chở khách
Ông Lê Tiến Thanh, Phó Giám đốc điều hành Công ty Chùa Hương Xanh cho biết, theo phương án đã được UBND TP phê duyệt, đơn vị được đưa vào thí điểm 50 xe điện bốn bánh, chở khách với giá vé 10.000 đồng/người. Nhưng do nhu cầu lớn nên đơn vị đã tăng cường thành 80 xe.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển lại cho hay, hiện doanh nghiệp đã đưa vào 110 xe để luân phiên phục vụ hành khách.
Số lượng xe thí điểm tăng hơn gấp đôi chưa có sự chấp thuận hay góp ý nào từ phía Sở GTVT hoặc UBND TP Hà Nội. Ông Nguyễn Bá Hiển chưa cung cấp được bất cứ văn bảo nào chấp thuận cho Công ty Chùa Hương Xanh tăng thêm 60 xe điện bốn bánh chở khách.
Theo chuyên gia Vũ Hoàng Chung, để thí điểm được xe điện bốn bánh chở khách ở bất cứ khu du lịch nào, các cơ quan chức năng đều phải tính toán vô cùng kỹ lưỡng bởi khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông.
“UBND TP Hà Nội chỉ cho phép thí điểm 50 xe điện bốn bánh nhưng doanh nghiệp cố tình tăng hơn gấp đôi số lượng xe mà chưa thông qua các cơ quan chuyên môn đánh giá thẩm định là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, số lượng xe đông cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân trong khu vực bởi không chỉ có di tích thắng cảnh mà nơi đây tập trung khá đông đúc dân cư”, Chuyên gia Vũ Hoàng Chung nhận định.
Đặc biệt, chính ông Lê Tiến Thanh cũng thừa nhận, do cập rập, chưa kịp chuẩn bị chu đáo nên hoạt động của xe điện bốn bánh tại chùa Hương vẫn còn một số vấn đề như lộ trình đón trả khách chưa cố định, khách muốn xuống đâu, xe dừng ở đó. Có lúc xe buộc phải chở quá số người định do khách đi theo đoàn, muốn đi cùng nhau.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh ký cam kết đảm bảo các quy định về bến bãi, trật tự ATGT đối với xe điện bốn bánh. Nếu xảy ra sự cố, gây mất an toàn với 60 xe tăng cường chưa được cập nhật, báo cáo lên Sở GTVT, UBND TP Hà Nội, liệu có đủ căn cứ để truy trách nhiệm của doanh nghiệp?