Đối với trình tự thủ tục công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cần hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục, trình tự, để cho việc xét, đề nghị phải thực chất, thực sự là mong muốn của người dân, cộng đồng dân cư tránh tình trạng hình thức, chạy theo thành tích.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc họp.
Chiều 14/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ban Phong trào và một số ban đơn vị liên quan của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Văn phòng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, cùng một số chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Góp ý vào dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng một số nội dung của dự thảo Nghị định đã khắc phục được hạn chế tuy nhiên nhiều nội dung chưa bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra như tiêu chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa quá rộng và nặng về định tính. Bên cạnh đó quy trình thủ tục công nhận còn rườm rà, việc xét tặng danh hiệu này thực tế còn không lôi cuốn, tạo động lực thúc đẩy thi đua.
Ông Trần Văn Sinh đề nghị Chính phủ không nên ban hành Nghị định này. Theo đại diện Ban Phong trào, trong khi chờ Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi các danh hiệu văn hóa cho phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng và Hiến pháp 2013, trước mắt về thủ tục, trình tự công nhận và khen thưởng gia đình văn hóa, hàng năm khu dân cư thực hiện bình xét, lập danh sách và đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt danh sách công nhận gia đình văn hóa.
Đồng thời, ở khu dân cư lựa chọn không quá 5% hoặc 7% gia đình tiêu biểu đề nghị UBND xã và các cấp khen thưởng. Gia đình tiêu biểu được khen thưởng gồm các gia đình văn hóa tiêu biểu và một số ít hộ chưa được công nhận văn hóa nhưng có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trên các mặt phát triển kinh tế, hiến đất xây dựng nông thôn mới...
Hàng năm cấp xã lựa chọn không quá 20% trên tổng số khu dân cư trên địa bàn để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) khuyến nghị Mặt trận, các bộ, ngành liên quan phải cùng nhau bàn bạc thống nhất để tìm ra những văn bản có tình, có lý nhất để văn hóa phải thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo ông Chức, trong khi chưa sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng có thể căn cứ Nghị định 91 của Chính phủ quy định và giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quy định và hướng dẫn tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa để tổng kết, đánh giá hiệu quả của 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", từ đó mở một cánh cổng văn hóa mới, xây dựng văn hóa trong thời đại 4.0.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung tham vấn đó là đề nghị hướng sáp nhập các ban chỉ đạo có liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh thành một Ban chỉ đạo chung để thống nhất việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư.
Quang cảnh buổi họp.
Căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại thông báo số 110 ngày 20/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Trần Văn Sinh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các bộ, cơ quan liên quan rà soát các Ban chỉ đạo và trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng sáp nhập các ban chỉ đạo có liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh thành một Ban chỉ đạo chung để thống nhất trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Theo đó thống nhất từ Trung ương đến cấp xã nên có 1 Ban chỉ đạo chung các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, Chủ tịch UBND các cấp là Trưởng ban Chỉ đạo cùng cấp; Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, thành viên là đại diện lãnh đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan trực tiếp.
Ở khu dân cư có 1 ban vận động chung cho các phong trào, cuộc vận động do Ban Công tác Mặt trận chủ trì trên cơ sở thống nhất các Ban vận động hiện có.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, việc công nhận gia đình văn hóa phải đạt mục đích biểu dương, tôn vinh được các cá nhân có đóng góp thực sự vào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Việc xét duyệt gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa phải thực sự đơn giản, tránh trùng lắp để khen thưởng đúng người, đúng việc và thực sự khuyến khích được phong trào thi đua ở cơ sở. Cùng với đó, cần phải nghiên cứu, rà soát các ban chỉ đạo, sát nhập các Ban Chỉ đạo để thống nhất việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi thi đua.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng việc đánh giá phải thực chất, tiêu chí công nhận phải rõ ràng và mang tính khái quát cao. Đối với những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể phải do khu dân cư, xã phường căn cứ điều kiện thực tế từ đó chi tiết, bình chọn đề nghị xét công nhận danh hiệu cho các gia đình, khu dân cư tiêu biểu.
Đối với trình tự thủ tục công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa cần hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục, trình tự, để cho việc xét, đề nghị phải thực chất, thực sự là mong muốn của người dân, cộng đồng dân cư tránh tình trạng hình thức, chạy theo thành tích.
Tiếp thu những ý kiến tham vấn, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau cuộc họp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện hồ sơ dự thảo trình Chính phủ từ đó hình thức văn bản phù hợp hướng dẫn việc thực phong trào ở cơ sở theo hướng thiết thực, hướng về cộng đồng dân cư tránh tình trạng văn bản mới được ban hành đã bị dư luận xã hội phản ứng, không có hiệu lực.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Trung ương cần tiến hành tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ đó tiếp tục nghiên cứu các danh hiệu, đơn giản hơn nữa các thủ tục để công tác thi đua khen thưởng thực sự đi vào lòng dân, để mỗi người dân, khu dân cư đều thấy vinh dự tự hào khi đón nhận những danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.