Thi hành Luật Trợ giúp pháp lý: Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng đối tượng

Lan Hương 18/06/2015 14:36

Sau 8 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) cả nước đã có gần 1 triệu người được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí. Đặc biệt nhờ triển khai Luật, công tác TGPL trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân góp phần đảm bảo, tạo bình đẳng về pháp luật cho người dân. Tuy nhiên công tác TGPL hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập từ các quy định của Luật như: khái niệm TGPL không còn phù hợp, chưa có chính sách hỗ trợ để thực hiện xã hội hóa công tác TGPL…

Nhờ có Luật TGPL gần 1 triệu người yếu thế đã được trợ giúp pháp lý miễn phí

Cần mở rộng thêm đối tượng được hưởng thụ

Tại Hội nghị Tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL do Bộ Tư pháp tổ chức trong hai ngày 16 và 17-6 báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, sau 8 năm thực hiện, Luật TGPL và trên 40 văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành Trung ương đã tạo hành lang pháp lý tương đối cụ thể để công tác TGPL phát triển trong thực tiễn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai Luật.
Đáng chú ý, để triển khai thi hành Luật TGPL, hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 199 chi nhánh ở cấp huyện và liên huyện, 5.343 câu lạc bộ TGPL. Nhờ đó, sau 8 năm triển khai cả nước đã thực hiện TGPL miễn phí được hơn 940 nghìn vụ việc cho gần 988 nghìn đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội…

Đánh giá về công tác TGPL, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, hiệu quả của công tác TGPL đem lại rất lớn, nhờ việc triển khai này rất nhiều người dân nghèo đã tiếp cận được với chính sách và được bảo đảm quyền của mình. Cũng chính vì ưu điểm này mà nhu cầu cần được TGPL rất lớn. “Cần mở rộng đối tượng được TGPL thêm hộ cận nghèo, các đối tượng sắp mãn hạn tù vào Luật TGPL. Đây là hai nhóm đối tượng rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội”-Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại diện Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, từ khi tổ chức TGPL ra đời đến nay, mỗi khi người nghèo, người yếu thế gặp rắc rối, vướng mắc về pháp luật họ đã có người TGPL cùng đồng hành, nương tựa. Tuy nhiên việc hạn chế đối tượng được TGPL đã vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm đối tượng. “Trong quá trình hoạt động, Trung tâm TGPL nhà nước nhận thấy có những đối tượng khác cũng rất cần TGPL và họ xứng đáng để được TGPL. Tuy nhiên, họ lại không được quy định trong hệ thống pháp luật về TGPL, đó là hộ cận nghèo, hộ tái nghèo; người trên 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi; người dân tộc thiểu số cư trú ở địa bàn khác ngoài vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” – đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Kiên Giang phản ánh.

Đẩy mạnh xã hội hóa TGPL

Tại hội nghị, cùng với việc mở rộng đối tượng, nhiều đại biểu cũng cho rằng TGPL không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của nhà nước, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng tổ chức đối với thành viên của mình và của từng công dân khi tham gia hoặc được hưởng TGPL, chính vì vậy rất cần sự vào cuộc của xã hội. Tuy nhiên, công tác này dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Điển hình như toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới có 02/12 Công ty Luật, 18/48 Văn phòng Luật sư đăng ký tham gia TGPL.

Theo ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, sau 8 năm thực hiện Luật TGPL nhu cầu phát sinh tăng qua từng năm rất lớn, trong khi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước có giới hạn thì việc thúc đẩy, huy động sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức, cá nhân là cần thiết. “Cần có sự ủng hộ, tham gia của toàn xã hội để các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận được với công lý, góp phần tạo lập công bằng xã hội” – Ông Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó theo ông Khôi, để khắc phục vấn đề trên phải sớm nghiên cứu thay đổi quan niệm về công tác TGPL. Theo đó, cùng với việc mở rộng đối tượng được TGPL phải tính đến việc thu một phần chi phí trên cơ sở phân loại đối tượng, theo mức độ ưu tiên và theo mức thu nhập hàng tháng tương tự như một số nước phát triển đã thực hiện. Gắn với đó là việc đổi mới cơ chế hoạt động của các Trung tâm TGPL nhà nước sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi hành Luật Trợ giúp pháp lý: Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng đối tượng