Hiện đang là thời điểm thi hết học kỳ I của học sinh các cấp. Tại Hà Nội, nhiều trường đang tổ chức kỳ thi cho học sinh lớp 12 với nhiều thay đổi theo hướng phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Trong đó, môn Toán được dư luận quan tâm hơn cả vì đây là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Việc thi trắc nghiệm khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.
Chưa quen với trắc nghiệm khách quan
Theo ghi nhận của phóng viên, từ những ngày đầu tháng 12 nhiều trường THPT ở Hà Nội đã tổ chức thi hết học kỳ I cho học sinh lớp 12. Cụ thể, Trường Lương Thế Vinh đã tổ chức cho học sinh lớp 12 làm bài kiểm tra hết học kỳ I các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh theo hình thức chia phòng còn các môn khác kiểm tra tại từng lớp. Trong đó, môn Toán và Tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn, môn Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Cô Văn Thuỳ Dương (Hiệu phó Trường Lương Thế Vinh) cho biết, ngay từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định thi trắc nghiệm khách quan môn Toán nhà trường đã thay đổi cách dạy và học, trong đó tập trung cho các em làm quen với hình thức này để chuẩn bị một cách tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Cụ thể, với môn Toán thi ngày 9/12, nhà trường đã tự ra đề và theo đánh giá của giáo viên và học sinh, đề tương đối khó. Kết quả các em làm bài có thấp hơn mặt bằng chung các năm với trên 89,9% điểm trên trung bình, chỉ khoảng 10% các em đạt điểm khá giỏi. Ngoài nguyên nhân do lực học các em chưa tốt còn có lý do là chưa quen với hình thức thi mới.
Đối với Trường THPT Anhxtanh Hà Nội, nhà trường thực hiện thi trắc nghiệm đối với môn Toán theo hình thức trong đề thi chỉ đưa ra câu hỏi mà không đưa ra 4 đáp án đúng gần giống nhau, học sinh sẽ phải tự giải đề thi và tìm ra đáp án đúng điền vào phiếu trả lời câu hỏi. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội giải thích: “Cách ra đề như vậy để học sinh tìm ra đáp án chính xác và nhà trường cũng biết các em đang hổng ở kiến thức nào để kịp thời bổ sung. Sang đến học kỳ II nhà trường sẽ thực hiện ra đề thi trắc nghiệm giống như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT”.
Trong khi đó, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội tổ chức thi hết học kỳ I lớp 12 bắt đầu từ ngày 14/12 với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các ngày sau thi các môn còn lại. Ở ngày thi đầu, môn Toán được cấu trúc theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 50 câu hỏi làm trong thời gian 90’. “Ngoài một số câu hỏi có thể dùng máy tính để bấm ra kết quả thì hầu hết các câu hỏi khác đòi hỏi phải tính toán theo hình thức tự luận một cách cẩn thận mới mong tìm ra được đáp án đúng. Với sức của em, thường chỉ làm kịp 30-35 câu một cách cẩn thận, còn các câu khác em tính nhanh cho kịp thời gian nên không chắc có được kết quả đúng” – em Ngọc Anh - học sinh lớp 12D2 cho biết.
Nhà trường bối rối, phụ huynh - học sinh lo lắng
Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội từ đầu tháng 11, ở kỳ kiểm tra hết học kỳ I đối với học sinh lớp 12 sẽ bao gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Theo đó, các trường THPT phải chuẩn bị bộ đề kiểm tra học kỳ theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Tuy nhiên, đến ngày 29/11, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường chủ động tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ các môn trong chương trình, không tổ chức kiểm tra theo 5 bài thi như kế hoạch đã định trước.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn ký ngày 29/11, trong đó yêu cầu các Sở GD&ĐT đảm bảo kết hợp hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ).
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh cho biết: Lúc đầu Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo sở sẽ thực hiện xây dựng bộ đề kiểm tra học kỳ I và các trường sẽ kiểm tra theo đề thi của sở. Tuy nhiên, sau một thời gian Sở GD&ĐT Hà Nội lại thông báo các trường tự xây dựng đề thi cho đợt kiểm tra học kỳ khiến cho nhiều giáo viên lo lắng. Bởi công tác ra đề thi trắc nghiệm rất khó, giáo viên nhà trường phải mất nhiều thời gian mới có thể xây dựng được một đề thi. Bên cạnh đó, hiện học sinh đang học sách để thi tự luận giờ lại chuyển sang thi trắc nghiệm nên giữa sách giáo khoa và đề thi không tương thích với nhau.
“Kết quả thi vừa rồi cũng đã cho thấy những bất cập trong việc học và thi theo hình thức mới một cách gấp gáp. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là Bộ GD&ĐT đã quy định như vậy thì chúng ta càng cho học sinh làm quen sớm càng tốt. Từ giờ đến kỳ thi chính thức nhà trường và học sinh còn nhiều cơ hội để luyện tập”- cô giáo Văn Thuỳ Dương cho biết.
Một phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát, (Gia Lâm- Hà Nội) lo lắng vì kỳ thi hết học kỳ I là để đánh giá quá trình học tập của học sinh với từng môn học, theo chuẩn kiến thức kỹ năng nên khi theo hình thức mới, các con chưa quen, sợ không phản ánh chính xác học lực của con. Và kết quả này cũng được lấy để tính vào kết quả học tập của học sinh, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT nên có thể bất lợi cho con nếu làm bài không tốt. “Mong Sở GD&ĐT và các trường cân nhắc và các biện pháp nếu kết quả của các con quá thấp so với lực học trên lớp” – phụ huynh này đề xuất.