Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, có gần 560.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH, gần gấp đôi so với thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN.
Tỉ lệ cạnh tranh cao, nhiều giáo viên dự đoán, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh tổ hợp KHXH sẽ nhỉnh hơn năm trước.
55,53% thí sinh chọn bài thi KHXH
Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GDĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo Bộ GDĐT, trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi đối với tất cả các đối tượng thí sinh.
Số liệu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GDĐT tính đến thời điểm 17h ngày 13/5 (thời gian kết thúc hạn đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến) cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011 thí sinh. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93,32%); số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6,68%).
Phân tích số liệu đăng ký dự thi cụ thể, tổng số thí sinh tự do là 58.797 (chiếm 5,87%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 103.374 (chiếm 10,33%);
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh: 38.108 (chiếm 3,81%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85,87%).
Đáng chú ý, tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH là 555.813 (chiếm 55,53%), gần gấp đôi so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN (319.676 thí sinh, chiếm 31,94%).
Nhiều học sinh lựa chọn bài thi KHXH cho biết, sở dĩ các em chọn thi khối KHXH là bởi những môn Sử, Địa lý, Giáo dục công dân trong tổ hợp bài thi này sẽ dễ thở hơn so với tổ hợp các môn tự nhiên.
Em Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, ôn thi khối KHXH đỡ nhọc sức ôn luyện hơn. Với những câu hỏi thuộc môn Giáo dục công dân, nếu thí sinh ôn tập kỹ thì sẽ “cứu” cho cả bài thi tổ hợp môn KHXH.
Trong khi đó, theo em Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bài thi tổ hợp môn KHTH gồm các môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi thí sinh phải tính toán nhiều hơn. Nếu học sinh không ôn luyện từ lớp 10 thì khó có thể làm được. Mục tiêu hướng đến là đỗ tốt nghiệp THPT nên Nhung chọn thi tổ hợp môn KHXH cho an toàn, tăng khả năng đỗ tốt nghiệp.
Luyện nhiều đề để ghi nhớ kiến thức
Không riêng năm 2022 mà trong 4 năm gần đây, tổ hợp KHXH thu hút được sự lựa chọn của nhiều sĩ tử, chiếm phần lớn trong tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy, khối ngành KHXH có hơn 29.000 chỉ tiêu nhưng có đến 247.000 nguyện vọng đăng ký.
Tỉ lệ cạnh tranh cao, nhiều giáo viên dự đoán, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh tổ hợp KHXH năm nay sẽ nhỉnh hơn năm trước. Để đạt được số điểm cao nhất, thầy Nguyễn Hồ Thủy, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho rằng, học sinh cần xây dựng chiến lược ôn tập hợp lý.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK, thầy Thủy đưa ra lời khuyên: “Học sinh nên ôn tập sát theo cấu trúc minh họa của Bộ GDĐT, làm quen với các dạng đề và luyện đề, từ cơ bản đến nâng cao”.
Với môn Địa lý, cô Trần Hồng Hà, giáo viên Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho hay, học sinh cần sử dụng thành thạo Atlat địa lý vì số lượng câu hỏi nhiều và rất dễ lấy điểm. Để sử dụng hiệu quả, học sinh cần kết hợp kỹ năng quan sát, nhận xét, phân tích những nội dung có trong Atlat.
Bên cạnh đó, chương trình Địa lý lớp 12 gồm 4 chủ đề: Tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Theo cô Hà, thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững nội dung cốt lõi và vấn đề quan trọng của mỗi chủ đề. Đặc biệt, thiết lập từ khóa cho những nội dung khó để dễ nhớ, dễ học.
Năm nay các trường đại học giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các thí sinh, nhất là các thí sinh ở vùng nông thôn, vùng khó khăn lo lắng vì sợ không thể cạnh tranh với các thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định hầu hết các cơ sở đào tạo đại học năm nay vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng nó chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn. Trong tương lai có thể các cơ sở sẽ có những điều chỉnh có thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của mỗi trường nhưng năm nay thì cơ bản vẫn giữ ổn định.