Trong 352.000 chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2017, có tới 110.000 thí sinh được xác định trúng tuyển đã không đến nhập học. Thí sinh đi đâu là một câu hỏi lớn đang đặt ra.
Ảnh minh họa.
Cần tăng cường công tác hướng nghiệp
Đây là câu chuyện không mới khi cũng tầm này năm ngoái, lãnh đạo nhiều trường ĐH đã phải thốt lên không biết các thí sinh đã đi đâu khi rõ ràng nguồn tuyển dư thừa, thậm chí các trường cũng tính toán gọi dư so với chỉ tiêu nhưng cuối cùng thiếu vẫn hoàn thiếu.
Thống kê của Bộ GD&ĐT sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển năm nay, có khoảng 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).
Nhưng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết đây chỉ là tính toán về mặt số liệu, trên thực tế, nếu thí sinh bỏ học, đi nước ngoài, chuyển sang học nghề… thì các trường vẫn phải tuyển bổ sung. Trên thực tế, điều này đã xảy ra với gần 1/3 số thí sinh trúng tuyển không nhập học.
Cụ thể, nhiều trường top đầu cũng thông báo tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu. Thậm chí, có những trường điểm trúng tuyển năm nay xuống thấp hơn nhiều năm, chỉ bằng hoặc trên mức điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố một ít như ĐH Thủy lợi cũng xét tuyển bổ sung gần 1.000 sinh viên cho các mã ngành đào tạo do chỉ khoảng 78% số thí sinh trúng tuyển nhập học. Thống kê sơ bộ cho thấy nhiều em đỗ từ nguyện vọng (NV) 3 trở đi đã không nhập học.
Tương tự, lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng cũng cho rằng việc thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học là do không tha thiết với NV đăng ký ban đầu. Việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh thay đổi NV sau khi thi THPT Quốc gia là chính sách nhân văn nhưng mặt khác cũng kéo theo việc nhiều thí sinh chọn trường theo điểm số đạt được chứ không phải vì sở thích. Chính vì vậy, khi biết tin đỗ, các em lại không hứng thú.
“Nhà trường đã trực tiếp gọi điện cho một số thí sinh thì được biết các em đã trúng tuyển vào hệ cao đẳng, trung cấp của một số trường như công an, quân đội… nên không mặn mà với học ĐH”- đại diện nhà trường cho hay.
Nhìn nhận câu chuyện này, một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu như các trường có thuyết phục được thí sinh đăng ký nhập học thì rất có thể đến năm sau các em cũng bỏ học do không yêu thích. Nếu như có sự tư vấn kỹ càng hơn từ khâu hướng nghiệp thì chắc chắn tình trạng này sẽ giảm bớt được phần nào.
Đây cũng là vấn đề này đã được nhắc đến từ nhiều năm nay song vẫn không giải quyết được triệt để. Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét lại việc cho đăng ký không giới hạn NV từ các năm sau khiến các em đăng ký tràn lan nhưng cuối cùng lại không nhập học.
Học phí cao vẫn có nguy cơ thất nghiệp?
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đã nâng mức học phí lên cao theo đúng lộ trình được Chính phủ phê duyệt. Theo đại diện trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, mặc dù được phê duyệt đối với chương trình đại trà năm học 2017 - 2018 là 17 triệu đồng/sinh viên/năm học nhưng nhà trường sẽ không thu mức tối đa được chính phủ cho phép mà căn cứ vào điều kiện thực tế của trường có nhiều học sinh nghèo để tăng học phí.
Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thực hiện tăng học phí lên bình quân là 14,4 triệu đồng năm/sinh viên. Cụ thể, mức học phí được tính theo tín chỉ, chia theo 4 mức, từ 240.000 đồng/tín chỉ đến 320.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này tăng từ 55.000-135.000 đồng/tín chỉ so với năm trước (từ 30-70%). Theo lộ trình được trường công bố, mức học phí tính trên mỗi tín chỉ vào các năm sau sẽ tăng thêm 40.000 đồng so với năm trước.
Đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức thu học phí năm học 2017-2018 không thay đổi so với năm trước. Cụ thể, mức học phí của trường sẽ có 3 mức 12 triệu đồng – 14,5 triệu đồng và 17 triệu đồng tùy theo từng nhóm ngành.
Tuy nhiên, theo đại diện trường một số nhóm ngành “hot”, có tính xã hội hóa cao sẽ được bổ sung thêm vào nhóm ngành có mức học phí cao là 17 triệu đồng/năm.
Trong số nhiều trường tăng học phí, có trường đã công khai mức học phí dự kiến ngay từ đầu năm, nhưng một số trường vẫn “quên” điều này, chỉ đến khi thí sinh đăng ký xong NV hoặc nhập học mới biết được trường đã tự chủ, có mức học phí cao hơn so với mặt bằng chung.
Có những thí sinh bày tỏ băn khoăn khi quyết định có đăng ký theo học ĐH hay không dù trúng tuyển. Bởi lẽ, nếu như là những ngành chắc chắn cơ hội việc làm rộng mở với mức lương cao thì chắc chắn người học sẽ bớt đắn đo khi phải trả một khoản học phí có khi cao gấp 3 lần so với chính trường đó, trước khi tự chủ.
Nhưng thực tế, ai đảm bảo được học phí tăng thì tăng chất lượng giáo dục? Con số hàng nghìn cử nhân thất nghiệp được thống kê khiến cho người học không khỏi lo lắng.
Trò chuyện của một số cán bộ tuyển sinh với các thí sinh không nhập học cho thấy mặc dù không nhập học ĐH nhưng nhiều em vẫn chọn các trường CĐ, TC có cơ hội việc làm sau khi ra trường tốt để bớt đi gánh nặng 4, 5 năm học ĐH mà tốt nghiệp chưa chắc đã xin được việc. Thậm chí có việc rồi cũng không đủ nuôi sống bản thân trong 4,5 năm đầu như một so sánh về việc lương cử nhân sư phạm ra trường không bằng thu nhập của một người lái xe ôm!
Về phía nhà trường, PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, sớm hay muộn thì 100% các trường ĐH sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới. Hiện nay, trường nào tự chủ trước thì học phí cao trong khi trường chưa tự chủ thì học phí thấp. Các trường sẽ tham gia cạnh tranh bằng chất lượng để tồn tại và hút thí sinh.
Ngược lại, người học cũng nên nhìn nhận đây là một đầu tư cho tương lai, cần ý thức được điều này để khi chấp nhận bỏ tiền đầu tư, phải chọn đúng lĩnh vực, ngành nghề thay vì suy nghĩ cảm tính, miễn học ĐH là được, không quan trọng ngành nào, trường nào. Sau đó, học tập, rèn luyện cho xứng đáng với số tiền bỏ ra để không lãng phí.