Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số học sinh đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tăng 5% so với năm 2015. Tại nhiều địa phương trên cả nước, có hơn 50% số học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong khi đó, số lượng thí sinh chọn thi môn Ngoại ngữ ở một số tỉnh thành thấp dưới 10%.
Ảnh minh hoạ.
Tín hiệu vui?
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi năm nay có 800.000 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi trong đó có 292.000 trường hợp thi chỉ để xét tốt nghiệp. Số liệu này năm 2015 là 871.000 học sinh lớp 12 và 279.001 trường hợp thi chỉ để xét tốt nghiệp. Như vậy, dù số học sinh lớp 12 giảm hơn 71.000 thí sinh nhưng tỷ lệ đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp lại tăng.
Tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, số lượng thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp tăng cao so với năm 2015. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, 69,1% học sinh thi chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, cao hơn tỷ lệ 55% của năm 2015. Tại Quảng Ninh, 8.477/ 14.444 thí sinh chỉ đăng ký dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm 58,7%, cao hơn 10,9% so với năm 2015. Tại Thái Nguyên, tỷ lệ này là 39%, cao hơn năm trước trên 10%.
Một số địa phương khác có tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp cao như Lai Châu là 2.078 thí sinh, chiếm 61,4%; Điện Biên là 2.955 thí sinh, chiếm 52%; Ninh Bình là 3.550 thí sinh, chiếm 37,8%.
Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho biết, sang năm thứ hai thực hiện kỳ thi 3 chung, nhiều thí sinh đã tự biết lượng sức mình khi đăng ký dự thi ở các cụm thi do địa phương chủ trì chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Đồng thời, các nhà trường cũng đã chú trọng hơn đến công tác tư vấn tuyển sinh để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh đặt câu hỏi: Có phải 292.000 trường hợp thi chỉ để xét tốt nghiệp của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ không học ĐH, CĐ? Bởi thực tế hiện nay, có tới hơn 50% các trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ 3 năm THPT với điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Cánh cổng vào trường ĐH, CĐ quá dễ dàng khiến cho nhiều học sinh lượng sức mình, chỉ đăng ký thi tại các cụm thi địa phương, sau đó nộp hồ sơ vào ĐH mà không cần lo đến mất ăn, mất ngủ, túc trực mạng 24/24h chỉ để cập nhật số lượng thí sinh đăng ký vào trường thay đổi ra sao như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Không bàn đến chuyện công bằng hay không, vấn đề là những cử nhân tương lai này sau khi ra trường sẽ đi đâu, về đâu hay lại tiếp tục gia nhập đội quân 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở nước ta hiện nay?
Vẫn ít thí sinh thi Ngoại ngữ
Theo báo cáo của nhiều địa phương, năm nay ngoại ngữ là môn có ít thí sinh đăng ký thi nhất chứ không phải môn Lịch sử. Cụ thể, tại Bến Tre, số học sinh đăng ký dự thi môn ngoại ngữ là 3,9%. Tại Lào Cai, Kon Tum, tỷ lệ này lần lượt là 10,2% và 10,9%. Nếu tính chung cho cả học sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, tại Đắk Lắk và Gia Lai, tỷ lệ này là 17,8% và 15,6%.
Tình trạng thí sinh thờ ơ với môn thi ngoại ngữ không phải riêng năm nay mà trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, có đến 1/3 cụm thi địa phương (chỉ dành cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT) có tỉ lệ thí sinh thi ngoại ngữ thấp dưới 50%.
Quy định học sinh các vùng khó khăn không đủ điều kiện học Ngoại ngữ được phép chọn một môn thi bất kì trong 8 môn thi được quy định để thay thế, không cần phải xin phép và được Sở GD&ĐT chấp thuận như trước đây của Bộ GD&ĐT là phù hợp trong hoàn cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc học sinh thờ ơ với môn Ngoại ngữ cũng phần nào phản ánh tình trạng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay. Học sinh “sợ” ngoại ngữ và khi không bị bắt buộc thì hầu như rất ít học sinh chọn thi Ngoại ngữ.
Làm sao để đa số học sinh nói “có”, thay vì nói “không” với ngoại ngữ như hiện nay, PGS.TS Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, quan trọng nhất là gia đình và nhà trường quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học cho người học. Bởi học ngoại ngữ là một quá trình gian khổ đòi hỏi nhiều thời gian và việc học trên lớp không bao giờ đủ do nhiều hạn chế như sĩ số đông, thời lượng có hạn, tài liệu học không phù hợp…
Riêng đối với học sinh ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng núi cao, cần đổi mới mạnh mẽ trong việc dạy và học môn Ngoại ngữ mới hi vọng đạt được mục tiêu “biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như mục tiêu của của Đề án quốc gia “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.