Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố quy định thí sinh có thể thi 2 bài Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH), điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp. Nhiều ý kiến lo ngại nếu nhà trường và các bậc phụ huynh không làm tốt công tác định hướng, hướng dẫn cho các thí sinh thì có thể khiến các em học dàn trải nhiều môn, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Ảnh minh họa.
Em Nguyễn Thu An (lớp 12D2, THPT Phủ Lý A, Hà Nam) cho biết, khi được thầy cô thông báo năm nay sẽ thi các môn theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Văn), em cản thấy rất lo lắng vì chưa quen với cách học mới. Mặc dù dành rất nhiều thời gian ôn tập môn học này nhưng em vẫn không tự tin với lực học của mình.
Nay chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, đòi hỏi việc tính toán phải nhanh, tốc độ vài phút một câu hỏi khiến em càng lo lắng hơn. Đến thời điểm này, nhờ được thầy cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ, bản thân cũng định hướng được cách ôn tập phù hợp với yêu cầu của kỳ thi nên có phần bớt lo lắng hơn.
Bên cạnh đó, Thu An cũng bày tỏ băn khoăn ở dự thảo lần 2 không nhắc đến việc cộng tổng điểm năm lớp 12 vào xét tốt nghiệp. Nếu được cộng điểm tổng này sẽ thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.
Với việc có thể được lựa chọn 2 bài thi KHTN và KHXH, cơ hội để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ rộng mở hơn. Nhưng học cả 9 môn thì chắc chắn sẽ không hiệu quả. Đây cũng là lo lắng của nhiều thí sinh và phụ huynh, thầy cô giáo khác.
Bởi với việc xây dựng tổ hợp môn với nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm, cách học khá mới mẻ, học sinh phải làm quen và ôn tập theo kiểu mới. Để bắt nhịp với cách thi mới này, với em các lực học khá giỏi có thể không quá khó nhưng với nhiều học sinh khác là một vấn đề.
Những phần thường được quan niệm là “dễ kiếm điểm” trước đây, chẳng hạn với môn toán là khảo sát đồ thị hàm số… nay cũng không chỉ chiếm một số điểm rất ít trong toàn bộ bài thi. Thí sinh có lực học trung bình dưới sức ép của thời gian chắc chắn sẽ phải khoanh bừa nhiều câu thay vì tính toán cẩn trọng.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Quy chế thi là tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa tạo điều kiện để phát huy năng lực, thế mạnh của từng thí sinh, vừa thực hiện được yêu cầu tránh học tủ, học lệch. Với quy chế này, học sinh có quyền lựa chọn theo năng lực của mình.
Trước đây thí sinh có thể thi cả khối A và B vì chỉ cần luyện thêm môn lý hoặc môn sinh là đủ. Xét dưới góc độ thi một bài tổ hợp, về thuận lợi, thí sinh chuyên tâm vào tổ hợp môn đã chọn nên cơ hội làm tốt bài thi sẽ cao hơn. Còn nhà trường dễ dàng tổ chức ôn thi cho các em theo định hướng môn đã chọn.
Mặc dù rất hiếm học sinh lựa chọn hết các môn vì không đủ thời gian, năng lực, nhưng Bộ vẫn đưa ra phương án mở để tạo điều kiện tối đa cho các em.
Trước lo lắng về sự quá tải do phải học nhiều môn, ông Bình cho biết, khi chọn môn thi, hầu hết các trường đều tư vấn cho học sinh, do vậy sẽ không có chuyện quá tải, dàn trải trong học và ôn tập. Khi Quy chế thi có quyết định chính thức, trường sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký ôn theo môn thi.
Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý do tập trung cho các môn thi, nhiều học sinh dễ bỏ qua các môn không thuộc tổ hợp môn đã chọn, dẫn đến kết quả các môn học này không cao.
Điều này ảnh hưởng đến điểm trung bình môn học cả năm của các em, cũng đồng nghĩa với điểm xét tốt nghiệp của các em bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều trường xét học bạ để vào ĐH, CĐ nên các em cần lưu ý để tránh quá nghiêng về bên nào.