Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số chuyên gia giáo dục đề xuất cắt giảm chương trình hoặc một số môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2020. Liên quan đến đề xuất trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho hay: Kỳ thi sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
Thí sinh Hà Nội dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Quang Vinh.
Cố gắng có đề thi tham khảo trong thời gian sớm nhất
Ông Mai Văn Trinh cho biết việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020. Bộ GDĐT đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020; đồng thời sẵn sàng tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình.
Dự kiến, quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố trong tháng 3. Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Những điều chỉnh của quy chế thi năm nay chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy, các thí sinh yên tâm, tập trung học, ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.
Liên quan tới việc giảm bớt môn thi, bài thi, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết: kỳ thi quốc gia phải thực hiện theo quy chế. Trong giai đoạn này, do dịch bệnh, các trường phải nghỉ học trong một thời gian, Bộ sẽ nghiên cứu để giảm tải nội dung thi phù hợp với tình hình thực tiễn. Về số lượng bài thi, môn thi vẫn phải thực hiện theo Thông tư đã ban hành. Hiện nay, Bộ đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước 15/7 và lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến ngày 11/8. Với khoảng thời gian quy định như vậy cùng tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, Bộ hi vọng, hết tháng 3 hoặc sang tuần đầu của tháng 4, học sinh có thể đi học trở lại thì quỹ thời gian đảm bảo cho học sinh có thời gian học tập, ôn tập để chuẩn bị thi. Cùng với đó, Bộ cũng đang có hướng dẫn để các nhà trường có thể dạy học qua internet và trên truyền hình.
Theo ông Thành, việc học trực tuyến và trên truyền hình sẽ không thực hiện được ở tất cả các nhà trường, với điều kiện giống nhau, có nơi thuận lợi, nơi khó khăn. Trước tình hình này, Bộ đang nghiên cứu, tính toán để xây dựng đề thi tham khảo cho năm nay trong tình huống đặc biệt. Trên cơ sở đó, các thầy cô giáo và học sinh có thể chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho kỳ thi. Bộ sẽ cố gắng để công bố đề thi tham khảo trong thời gian sớm nhất.
Xung quanh ý kiến của một số chuyên gia về việc chỉ nên tổ chức xét tuyển THPT, ông Thành cho rằng: Mọi quyết định cần phải thực hiện theo luật.
Dự kiến, quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố trong tháng 3. Ảnh: Quang Vinh.
Lịch tuyển sinh sẽ lùi lại khoảng 1 tháng
Hiện nhiều băn khoăn đang được đặt ra: Dời lịch thi THPT quốc gia, lịch tuyển sinh ĐH,CĐ sẽ ảnh hưởng ra sao?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường không bị động. Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.
Theo đó, vì lịch thi THPTquốc gia dời qua tháng 8 nên các thủ tục từ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển đợt 1 cũng lùi lại khoảng 1 tháng. Như vậy về cơ bản, việc thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm nay trễ hơn năm 2019 khoảng 1 tháng. Vì thời điểm kết thúc xét tuyển ĐH là hết tháng 12 nên dù thời gian bắt đầu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và công bố điểm chuẩn của các trường có thể sẽ bắt đầu từ tháng 9 (thay vì tháng 8 như mọi năm) cũng không ảnh hưởng lớn đến thí sinh. Vẫn còn khoảng 3 tháng để các trường xét tuyển bổ sung. Đó là chưa kể nhiều trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ tự đầu tháng 3. Không ít trường chỉ xét học bạ 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 lớp 12.
Bà Phụng cũng cho hay, năm nay Bộ GDĐT sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh của trình độ ĐH vào cùng một quy chế, bao gồm cả chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2, chất lượng cao, liên kết đào tạo… để cả hệ thống có tính ổn định, dễ tra cứu, dễ sử dụng và trên cùng một mặt bằng pháp luật. Cùng với đó, quy chế lần này quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ với các trường, đặc biệt là trường tự tổ chức tuyển sinh, thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực… Qua đó nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH.
Dự kiến, quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố trong tháng 3. Bộ GDĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Những điều chỉnh của quy chế thi năm nay chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm công việc thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy, các thí sinh có thể yên tâm, tập trung học, ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.