Hôm nay (8/7) gần 1 triệu sĩ tử bước sang ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Một kỳ thi giữa lúc dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, ngày thi đầu tiên nhìn chung đã diễn ra an toàn. Thí sinh và nhà trường yên tâm, vì đã nhận được sự quan tâm hết sức chu đáo của toàn xã hội.
Đề thi vừa sức, không lắt léo
Môn thi đầu tiên năm nay là Ngữ văn được thí sinh và giáo viên nhận định là quen thuộc, không gây khó khăn cho các sĩ tử trong bối cảnh ngừng đến trường, phải học online suốt 2 tháng cuối kỳ thi.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GDĐT công bố. Cấu trúc quen thuộc với phần đọc hiểu gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu là câu hỏi nhận biết về một khía cạnh của nội dung văn bản có thể được điểm tối đa, câu sau là 1 câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh.
Ở phần II, Làm văn (7,0 điểm), cô Tuyết cho rằng, đề giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). Trong đó, “sống cống hiến” là một vấn đề quen thuộc trong cả cuộc sống và văn chương nên cũng không làm khó thí sinh.
Câu Nghị luận văn học là đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh là tác phẩm trong chương trình học nên thí sinh sẽ không bỡ ngỡ. Vấn đề được bàn là “vẻ đẹp nữ tính” trong thơ Xuân Quỳnh là một nét đặc sắc rất phù hợp với đoạn thơ và bài thơ.
Chia sẻ quan điểm này, cô Nguyễn Thanh Nhàn (giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Biên Hòa - Hà Nam) cho rằng học sinh có thể dễ dàng ghi điểm ở phần đọc hiểu văn bản. Ở phần làm văn câu 1 (2,0 điểm) khá hay và ý nghĩa khi đề cập đến hành trình từ sông ra biển của nước và liên hệ tới những bài học về lẽ sống của con người. Cô Nhàn nhận định đề có tính chất gợi mở cao. Học sinh có thể viết được những đoạn văn rất giàu cảm xúc thể hiện rõ suy nghĩ của cá nhân các em về lẽ sống. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ ở mức 6,5 đến 7 điểm.
Với môn Toán, thí sinh Trần Đức Thanh (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đánh giá, đề thi chính thức có phần dễ hơn đề minh hoạ. Đề có 50 câu, trong đó câu 1-30 tương đối dễ. Các câu hỏi tăng độ khó dần từ 35 trở đi và đạt đỉnh ở 5 câu hỏi cuối. Thanh dự kiến sẽ đạt được 8-9 điểm.
Nhận định về đề thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các giáo viên Tổ Toán – Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tham khảo (31/3/2021) và tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ GDĐT đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.
Nhìn chung, đề thi bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp và tình hình ôn tập trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường đại học cũng có thể sẽ phải cân nhắc, bối rối khi sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển chọn thí sinh. Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 7 điểm. Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8,9 sẽ tương đối nhiều, điểm 10 cũng sẽ không hiếm.
Đảm bảo an toàn mọi mặt
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong ngày thi đầu tiên, các điểm thi tuân thủ rất tốt quy định phòng chống dịch bệnh Covid- 19. Cách cổng điểm thi 50m, phụ huynh và các phương tiện dừng lại để thí sinh di chuyển vào phòng thi. 100% thí sinh, phụ huynh, người tham gia công tác làm thi đều đeo khẩu trang.
Tại cổng điểm thi Trường THCS Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), sinh viên tình nguyện đứng giãn cách, liên tục nhắc nhở thí sinh đi theo lối đã định sẵn, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, sát khuẩn cho thí sinh. Qua khu vực cổng điểm thi, các nhân viên y tế túc trực để đo thân nhiệt cho thí sinh nhằm phát hiện những thí sinh có biểu hiện bất thường về thân nhiệt, sức khỏe.
Do vị trí nằm trong khu đô thị nên lực lượng công an đã túc trực từ sớm để phân luồng, tránh ùn tắc cục bộ trước cổng điểm thi. Với những phụ huynh đứng quanh cổng, lực lượng trật tự đã nhắc nhở phụ huynh không tụ tập, đứng ở cổng trường vì không đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch. Nghe giải thích, các phụ huynh đều rời khỏi điểm thi, trả lại sự thông thoáng cho khu vực này.
Ghi nhận tại Hà Nội, trong các phòng thi đều không sử dụng điều hòa. Các điểm thi đã được vệ sinh môi trường trong khuôn viên và xung quanh điểm thi, phòng thi bảo đảm an toàn, sạch sẽ; tạo không gian thông thoáng, bảo đảm giãn cách chỗ ngồi cho thí sinh.
Theo Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo thi quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, một điểm sáng tạo của các hội đồng coi thi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là sử dụng các chấm tròn dán trên mặt bàn để ghi số báo danh và đánh dấu chỗ ngồi của thí sinh, giúp thực hiện giãn cách trong phòng thi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tại điểm thi Trường THPT Võ Chí Công, TP Đà Nẵng, các thí sinh mặc bộ đồ bảo hộ từ hôm học quy chế thi. Nhiều thí sinh cho biết ban đầu cũng hơi nóng nhưng dần cũng quen và hiểu đây là việc làm cần thiết để bảo đảm an toàn cho mình và những người xung quanh.
Hoãn thi vào… ngày thi
Là một kỳ thi đặc biệt, những “sự cố” đặc biệt xảy ra năm nay cũng không hiếm. Tại Bắc Giang, vào sáng 7/7, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh này điều chỉnh, không tổ chức điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 trong các ngày 7 và 8/7 do có ca dương tính với Covid-19. 472 thí sinh ở điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 (Bắc Giang) phải dừng dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, chuyển sang thi đợt 2 và đi cách ly do phát hiện thí sinh F0. Trước đó, một thí sinh người xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bị nghi dương tính virus SARS-CoV-2 khi đến làm thủ tục tại điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 ngày 6/7.
Cũng bất ngờ nhận thông tin hoãn thi vào ngày đầu tiên tổ chức kỳ thi đợt 1 là hai điểm thi của tỉnh Phú Yên, gồm Trường THCS Trần Hưng Đạo, phường Phú Lâm (TPTuy Hoà) và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hoà). Hơn 600 thí sinh tại hai điểm thi này sẽ thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Nguyên nhân là trong quá trình xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, Sở Y tế tỉnh Phú Yên thông báo có yếu tố nghi ngờ về dịch tễ tại 2 điểm thi này. Hiện tại, do số lượng nghi ngờ nhiều do lấy mẫu gộp và có nhiều mẫu gộp bị nghi ngờ nên Ban chỉ đạo thi quyết định dừng thi để đảm bảo an toàn tại hai điểm thi này.
Một thí sinh người Huế đăng ký thi tại điểm thi Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) do không kịp trở lại thành phố để dự thi đã được xem xét, tạo điều kiện để chuyển địa điểm thi về Huế. Giấy báo thi và điểm thi của thí sinh này được sửa cấp tốc trước ngày làm thủ tục thi chiều 6/7 sau khi kiểm tra rất kỹ về các thủ tục như xét nghiệm Covid-19, điều kiện hoàn thành cách ly...
Đội mưa đến điểm thi
Trong ngày 7/7, nhiều địa phương xuất hiện mưa vào đúng thời điểm thí sinh đến điểm thi và lúc kết thúc buổi thi. Tại Hà Nội, kết thúc bài thi môn Toán, nhiều thí sinh đội mưa trở về trong sự quan tâm, chờ đợi của bố mẹ. Chị Nguyễn Lan Anh (quận Hà Đông) cho biết, năm nay con gái đầu lòng thi tốt nghiệp THPT nên để động viên tinh thần con, chị xin nghỉ làm 2 ngày để đưa đón con. Vì thời gian thi ngắn nên trong khi con vào thi, chị ngồi chờ ở gần đấy thay vì về nhà do quãng đường cũng khá xa, gần 8km.
“Sáng con thi Văn rất tốt, làm kín 3 tờ giấy nên tôi rất mừng. Môn Toán tuy không phải là thế mạnh của con nhưng vì khối xét tuyển đại học của con không bao gồm môn này nên tôi động viên con cố hết sức là được, không cần quá căng thẳng”, chị Lan Anh chia sẻ với phóng viên Đại Đoàn Kết khi ngồi chờ con tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).
Tại Kon Tum, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn 3 huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) xảy ra mưa lớn khiến hàng ngàn thí sinh phải đội mưa đến điểm thi. Do đã lên phương án dự phòng từ trước nên tại cổng trường, các tình nguyện viên đã chuẩn bị sẵn những chiếc dù lớn để che cho thí sinh. Dẫu vậy, thí sinh vẫn có ý thức phải giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi.
Tại Nghệ An, nhiều thí sinh ướt sũng khi bước vào phòng thi do cơn mưa buổi đầu giờ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm từ chiều 7/7. Dự báo đến hết ngày 8/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Vì vậy, các thí sinh và người thân, giáo viên… cần đặc biệt chú ý trong quá trình di chuyển đến điểm thi. Các điểm thi cũng cần có phương án dự phòng các tình huống do mưa bão xảy ra.
Sáng 7/7, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kiểm tra công tác thi tại hai điểm thi: Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình và Trường THPT Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Hòa Bình).
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nên có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, cần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng, khách quan, công bằng; đồng thời làm tốt công phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất… Nhất là cần bảo đảm an toàn sức khỏe cho thí sinh và lực lượng tham gia phục vụ thi. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cần chỉ đạo các lực lượng liên ngành, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ và các phần việc của mình, quyết tâm tổ chức kỳ thi thành công trên mọi phương diện.