Ngày 9/9 là hạn cuối cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gửi ý kiến về Bộ GDĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018).
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), Bộ sẽ tổng hợp, phân tích để đề xuất phương án hợp lý báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi công bố chính thức dự kiến vào quý IV năm nay.
Phạm Anh Kiên (học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Bá Quát, Hà Nội) cho biết, em và các bạn là lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới nên có phần lo lắng vì không biết đề thi, cách thức tổ chức có gì thay đổi hay không. Hiện giáo viên vẫn dạy theo bài học của sách giáo khoa nhưng không rõ với các bộ sách khác thì sao. Vì vậy, em mong muốn sẽ thi 5 môn thay vì 6 môn bởi sẽ giảm tải áp lực cho em và các bạn. Với cá nhân em dự định sẽ thi khối ngành kỹ thuật nên dự kiến sẽ thi hai môn tự chọn là Hóa học và Vật lý đã khá nặng. Nếu thêm môn Lịch sử không phải là sở trường, có phần thiệt thòi so với các bạn dự kiến thi khối C.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho biết, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện hành, phương án thi năm 2025 dù có thi môn Lịch sử hay không thì học sinh vẫn được lựa chọn thi 2 trong 4 môn đã chọn học ở bậc phổ thông nên sẽ giúp giảm bớt được gánh nặng cho học sinh. Các em có thể phát huy được điểm mạnh của mình trong các môn học sở trường và giải tỏa được áp lực phải thi những môn học mà học sinh cảm thấy không tự tin.
Tuy nhiên, điều băn khoăn của bà Trang và nhiều đồng nghiệp đó là nội dung câu hỏi thi, đề thi được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực cụ thể là như thế nào? Vì vậy, bà Trang kiến nghị cần những đợt tập huấn bài bản, chính thống về nội dung này từ các chuyên gia, các chuyên viên của Bộ GDĐT và Sở GDĐT Hải Phòng ở từng môn cụ thể, trên cơ sở đó để tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh trong thời gian tới.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 bắt đầu đưa vào triển khai ở cấp THPT từ năm học 2022 - 2023 và năm 2025 lứa học sinh THPT đầu tiên tốt nghiệp. Với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT, ông Thảo bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn thí sinh lựa chọn học ở THPT. Theo đó, phù hợp với tuyên bố chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018 đồng thời cơ bản ổn định so với phương án thi hiện nay. Học sinh và phụ huynh đều mong muốn ổn định cách thức kiểm tra, đánh giá người học.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục phổ thông nhận định, thi tốt nghiệp THPT hiện hành hay sau này đều phải đánh giá được năng lực học sinh, dù là môn học bắt buộc hay môn học lựa chọn. Khi chương trình học thay đổi, mục tiêu thay đổi thì phải có sự đổi mới trong cách ra đề thi là tất yếu. Trong đó, nên điều chỉnh theo hai hướng nhằm giảm kỳ thi và giảm áp lực cho học sinh, xã hội. Có thể thi tốt nghiệp theo phương thức đánh giá năng lực. Hiện nay các nước thuộc khu vực châu Á thường thi theo truyền thống. Còn các nước ở Tây Âu, họ có cách thi giống nhau, chú trọng đánh giá sự phát triển bản thân cá nhân học sinh.
“Áp lực với người học xuất phát từ cách thi, cách thức tổ chức dạy học của các trường. Việc này cần giải quyết tận gốc” - ông Ân đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT mới thì cấu trúc đề thi, thang đánh giá (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) phải ở mức độ vừa phải. Đến năm 2028, khi có lứa học sinh học đầu tiên học theo chương trình mới từ bậc THCS mới nên tăng dần mức độ với các phần thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đến năm 2030, khi có học sinh tiếp cận chương trình mới từ bậc tiểu học thì chúng ta càng nâng mức thang đánh giá này.