Thi tốt nghiệp THPT:  Đề thi tổ hợp vừa sức, đảm bảo phân hóa thí sinh

M.Q. 04/09/2020 18:58

Ngày 4/9, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 bước vào các phần thi tổ hợp (buổi sáng) và tiếng Anh (buổi chiều).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Theo nhận định của các giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, các môn thi tổ hợp KHTN là vừa sức, bám sát tinh giản theo kế hoạch của Bộ GDĐT, đồng thời vẫn đảm bảo được độ phân hóa thí sinh đảm bảo xét tuyển ĐH- CĐ. Với các môn thuộc tổ hợp KHXH, đề thi môn Lịch sử theo đánh giá của thí sinh là “khó ăn điểm”.

Môn Vật lý: Dự kiến đỉnh phổ điểm 7,5 – 8 điểm

Nhận xét chung về đề thi Vật lý, tổ giáo viên luyện thi hệ thống HOCMAI cho biết: Đề có cấu trúc và độ khó tương đương với đề đợt 1, bám sát công văn tinh giản và đề thi tham khảo đợt 2. Dự kiến đỉnh của phổ điểm vẫn ở ngưỡng khoảng 7,5-8 điểm, tương đương với kết quả thi đợt 1.

Về nội dung đề thi, có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, không xuất hiện câu hỏi có sự liên quan giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12. Ở các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12, số lượng câu hỏi của học kì 1 vẫn là 23 câu, số lượng câu hỏi học kì 2 là 13 câu. Số lượng câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 vẫn giữ nguyên 4 câu, chủ yếu thuộc cấp độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng.

Về độ khó của đề, 70% câu hỏi của đề thi (chiếm 28/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, trong đó có 2 câu thuộc chương trình Vật lí lớp 11. Các câu hỏi còn lại phủ đều 7 chuyên đề của Vật lí 12. 30% câu hỏi của đề thi (chiểm 12 câu/40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao, trong đó có 2 câu hỏi thuộc chương trình Vật lí lớp 11, 10 câu thuộc chương trình học kì I Vật lí lớp 12, phủ đều 3 chuyên đề: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều.

Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào 3 chuyên đề quen thuộc trong chương trình học kì I của Vật lí 12 là: Dao động cơ (1 câu), Sóng cơ và sóng âm (1 câu), Điện xoay chiều (2 câu)

Môn Hóa học: Dự kiến phổ điểm ở mức 7 - 7,5

Nhận định cho thấy, đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GDĐT công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi. Mặc dù số lượng câu hỏi vận dụng cao không giảm nhưng giảm nhẹ về mức độ khó của các câu hỏi này so với đề đợt 1. Dự kiến đỉnh của phổ điểm ở mức 7-7,5.

Phần lớn câu hỏi trong đề thi vẫn thuộc kiến thức của Học kì I lớp 12 và đáp ứng mục tiêu phân hóa học sinh với 70%-75% câu hỏi nhận biết thông hiểu, còn lại là các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao có độ khó trải đều các mức điểm: 8, 9, 10.

Trong đề thi có 15% câu hỏi (chiếm 6/40 câu) thuộc mức độ vận dụng thuộc các chuyên đề: este-litpit, tổng hợp kiến thức hóa học vô cơ, tổng hợp kiến thức hóa học hữu cơ. 10% câu hỏi (chiếm 4/40 câu) thuộc mức độ vận dụng cao thuộc các chuyên đề: este-litpit, tổng hợp kiến thức hóa học vô cơ.

Điểm đặc biệt là không có câu hỏi thuộc phần kiến thức liên quan đến peptit trong phần câu hỏi vận dụng cao. Các câu hỏi thuộc phần kiến thức này đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh và trải đều các mức điểm 8, 9, 10.

Trong đề có 4 câu hỏi cực khó, các câu hỏi này chủ yếu thuộc kiến thức học kì I của lớp 12; có chứa câu hỏi thuộc phần thực hành thí nghiệm tương tự như đề tham khảo lần 2 nhưng giảm nhẹ về độ khó so với các câu vận dụng cao của đề đợt 1. Một điểm đặc biệt nữa trong đề thi lần này là có một câu hỏi cực khó về phần thực hành thí nghiệm và câu này thuộc kiến thức lớp 11.

Môn Sinh học: 25% câu hỏi phân hóa

Đề thi được nhận định tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi. Đề có cấu trúc và độ khó tương đương với đề đợt 1. Dự kiến đỉnh của phổ điểm vẫn ở ngưỡng khoảng 5-6 điểm, tương đương với kết quả thi đợt 1.

Nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc lớp 12 (85%) và chủ yếu vẫn thuộc kiến thức của Học kì I; 15% tổng số câu hỏi thuộc lớp 11. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông tin mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Về độ khó, có 75% số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Những câu hỏi nhận biết, thông hiểu vẫn rơi vào các chuyên đề Cơ chế biến dị và di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền quần thể, Tiến hóa của lớp 12 và 2 chuyên đề lớp 11. Những câu hỏi đếm số đáp án đúng là những câu gây nhiễu cao, thuộc cấp độ Vận dụng - Vận dụng cao và thuộc chủ yếu vào các chuyên đề Cơ chế biến dị và di truyền, Quy luật di truyền, Di truyền người của lớp 12.

Tổ hợp xã hội vừa sức

Nhiều thí sinh cho biết đề thi tổ hợp xã hội vừa sức, toàn bộ kiến thức đều đã được ôn luyện tại trường. Nếu nắm vững kiến thức xã hội thì thí sinh vẫn có thể đạt được điểm 7, điểm 8. Trong đó, môn Lịch Sử là môn khó ăn điểm nhất.

Đề thi tiếng Anh: Đạt điểm 7 không khó

Theo nhận định của tổ Tiếng Anh – Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhìn chung, đề thi môn Tiếng Anh năm 2020 đợt 2 đảm bảo bám sát mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp và có độ phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Cấu trúc và độ khó của đề cũng tương tự như đề thi đợt 1. Nội dung các câu hỏi đều là các dạng câu hỏi và ngữ liệu quen thuộc.

Về nội dung đề thi: Đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung và đề thi tham khảo lần 2 mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố.

Các câu hỏi vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trải dài từ học kỳ 1 đến học kỳ 2, với các đơn vị kiến thức trọng tâm mà học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn luyện như: Phát âm: phát âm đuôi -s và phát âm của nguyên âm; Trọng âm: 2 âm tiết và 3 âm tiết, khá đơn giản, các từ quen thuộc; Hoàn thành câu; Từ đồng nghĩa - trái nghĩa; Chức năng giao tiếp; Câu đồng nghĩa kiểm tra kiến thức về: so sánh, động từ khuyết thiếu và lối nói gián tiếp; Nối câu: kiểm tra kiến thức về đảo ngữ và câu điều kiện; Sửa lỗi sai: hòa hợp chủ vị, cấu trúc song hành và lỗi sai về cách sử dụng từ và Điền từ; Đọc hiểu với các chủ đề quen thuộc, không xuất hiện dạng câu hỏi mới.

Về độ khó của đề thi: 70% thuộc các câu hỏi nhận biết-thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm chắc các kiến thức ngữ pháp cơ bản và có kỹ năng làm bài ở mức khá cũng có thể đạt điểm 7. Các dạng bài nằm trong vùng điểm này thường rơi vào các dạng: Phát âm, trọng âm, tìm lỗi sai, hoàn thành câu, chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, nối câu, tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa. 30% câu hỏi trong đề thi ở mức độ vận dụng - vận dụng cao thường nằm ở dạng bài đọc hiểu và những câu hỏi về từ vựng. Dĩ nhiên các câu hỏi khó sẽ không tập trung ở 1 dạng bài, mà xuất hiện rải rác trong từng dạng bài của đề thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT:  Đề thi tổ hợp vừa sức, đảm bảo phân hóa thí sinh