Chỉ còn ít ngày nữa hơn 1 triệu thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo các thầy cô, giai đoạn này học sinh cần cân bằng học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị tâm lý quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả làm bài thi.
Bình tĩnh ôn tập
Lê Hà Vân (học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội) cho biết, em đã kết thúc việc học thêm ở trường và các trung tâm từ cuối tuần trước. Trong tuần cuối cùng này, Vân tự mình xem lại các kiến thức mà thầy cô đã dặn trong suốt quá trình học và ôn tập. Bên cạnh đó, em cũng xem lại và làm lại những bài đã làm và bị sai, được thầy cô sửa lỗi để tránh lại mất điểm ở những phần này.
“Em đăng ký xét tuyển vào đại học với khối B00 nhưng cũng không chủ quan với môn Văn cũng như Ngoại ngữ. Em phân bổ thời gian vừa phải cho mỗi môn vì mong muốn sau 12 năm đèn sách, kỳ thi cuối cùng trong đời học sinh là những kỷ niệm đẹp chứ không chỉ là qua môn, tránh điểm liệt” – Vân nói và cho biết em cũng không quá căng thẳng với kỳ thi do đã đỗ 2 trường đại học theo phương thức xét tuyển sớm bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn sẽ nỗ lực vì nguyện vọng số 1 của em là vào Trường ĐH Y Hà Nội thì vẫn căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có được kết quả trúng tuyển đại học sớm để giảm áp lực. Trần Trung Cường (Trường THPT Thường Tín, Hà Nội) cho biết, với lực học trung bình khá, em đang băn khoăn nên xét tuyển vào trường đại học hay đi học cao đẳng. “Điểm kiểm tra các bài thi thử của em giai đoạn cuối không ổn định nên em cũng khá lo lắng thi sẽ không đạt kết quả tốt. Thời gian này em đang tập trung để rèn kỹ năng cũng như các mẹo tính toán cho nhanh để có thêm thời gian làm các bài khó” - Cường nói và cho rằng trong thời gian học online vì dịch bệnh, em đã bị hổng kiến thức khá nhiều nên việc bù đắp sau này khá vất vả.
Ổn định tâm lý, nắm vững kiến thức cơ bản
Theo cô giáo Lê Huyền Thanh - giáo viên Trường THPT Lý Tử Tấn (Hà Nội), ở thời điểm này, kiến thức học sinh đã học hết rồi. Các em nên tổng hợp, hệ thống lại các kiến thức đã học và kiểm tra lại các dạng bài, các phần chưa nắm vững. “Quan trọng là giữ cho mình tinh thần ổn định vì nhiều em khi đi thi hay bị mất bình tĩnh và rơi vào trạng thái sợ mà không nhớ được kiến thức. Các em ổn định được tâm lý thì chỉ vận dụng các kiến thức đã được học, ôn luyện để áp dụng vào làm bài. Vì đề thi cho học sinh toàn quốc, không phân biệt vùng miền nên nhìn chung sẽ không quá khó với kiến thức trong sách giáo khoa, các em cứ bình tĩnh, thả lỏng tâm lý để làm bài tốt nhất trong khả năng của mình” - cô Thanh nói.
Lưu ý về những phần dễ mất điểm với thí sinh ở môn Hóa, cô Thanh cho rằng học sinh cần lưu ý tên và công thức các loại quặng sắt, các loại phân bón, các loại thạch cao, lưu ý thứ tự các phản ứng xảy ra. Đối với các câu hỏi dạng đếm là các câu hỏi tổng hợp nên thí sinh cần đặc biệt lưu ý, đôi khi các em còn chủ quan cả về phần tên gọi mà không ghi đúng phần công thức hóa học… Khi làm các bài toán Hóa học phải chú ý cân bằng. Tùy thuộc vào khả năng của từng học sinh mà các em nên tiếp tục luyện đề hay chú trọng ôn các dạng bài còn chưa vững. Tuy nhiên, các em vẫn nên dành thời gian để giải đề, vừa không quên kiến thức, vừa luyện tốc độ phòng thi. Mặt khác, cần làm mở rộng các dạng bài còn yếu để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.
Còn cô giáo Hoàng Dinh (Trường THPT Khoa học Giáo dục, Hà Nội) lưu ý, với môn Toán, thời gian này chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi, thí sinh không nên tập trung nhồi nhét các kiến thức nâng cao. Thay vào đó, cần chú ý các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, cần đọc kĩ vở ghi (có cả lý thuyết và dạng bài tập) mà các thầy cô đã dạy để không mất điểm một cách lãng phí. Dành thời gian hợp lý để luyện đề, thí sinh nên ghi lại những lỗi sai mình đã gặp để rút kinh nghiệm cho lần sau. Đề phòng tính toán sai, những phút cuối của buổi thi cần dành để kiểm tra lại một lượt tất cả những phần đã làm để đảm bảo không có sai sót trong tính toán, trình bày…