Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lấy ý kiến. Trong đó, vấn đề nhận được nhiều quan tâm là có đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc hay không. Dù chọn phương án nào thì các ý kiến đều thống nhất rằng muốn hiệu quả trong dạy - học lịch sử nên bắt đầu từ sự yêu thích.
Nhiều quan điểm trái chiều
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GDĐT do Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) tổ chức mới đây, vấn đề lựa chọn môn thi cho phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Bộ GDĐT đã đưa ra 2 lựa chọn để các đại biểu bình chọn. Phương án 1 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học. Phương án 2 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.
Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng, những năm gần đây, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội rất cao, có tỉnh tỷ lệ này tới 70-80%. Chẳng hạn Hải Phòng có đến 2/3 chọn bài thi khoa học xã hội. Nếu môn sử là môn thi bắt buộc thì sự mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn xã hội và tổ hợp các môn tự nhiên của học sinh sẽ ngày càng tăng lên.
Tương tự, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng khẳng định nếu Lịch sử thành môn thi bắt buộc thì thiệt thòi với những học sinh chọn học tổ hợp khoa học tự nhiên bậc THPT. Điều này có thể càng khiến gia tăng số lượng học sinh chọn học khối xã hội so với hiện nay và các nhà trường sẽ khó để đảm bảo việc dạy và học với đội ngũ nhân lực đang có.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị cũng bày tỏ băn khoăn, khi Lịch sử vừa trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT mà ngay sau đó lại thành môn thi bắt buộc thì có nên không? Bà Hương đề xuất cần phải có thêm khảo sát, phân tích của các chuyên gia.
Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này tại Hội thảo quốc gia môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu giảng dạy do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vừa qua, ông Hồ Như Hiển - giáo viên lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng: “Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng không đưa vào nội dung thi, giáo viên sẽ không hào hứng, học sinh sẽ học đối phó. Như vậy, chất lượng môn học sẽ không được nâng lên”.
Đây cũng từng là lo lắng của nhiều giáo viên và chuyên gia cũng như dư luận khi muốn nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông. Nhưng do đây là môn tự chọn như thiết kế ban đầu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ khó để học sinh chọn học. Chính vì vậy, sau rất nhiều cân nhắc, bàn bạc, góp ý và tiếp thu góp ý, Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc ở cấp THPT. Đến nay, vấn đề này lại một lần nữa đặt ra với những ý kiến phản biện nhau ngay trong chính đội ngũ nhà giáo, giữa các chuyên gia và những người quan tâm đến lịch sử, đến giáo dục.
Sự yêu thích không đến từ bắt buộc
Thực tế, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử những năm gần đây đã có những điều chỉnh đáng kể so với trước đây. Như năm 2023, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong 683,447 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, mức điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5,75 điểm. Số thí sinh có điểm dưới 1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0,006%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170,237 (chiếm tỷ lệ 24.91%). Năm 2022, mức điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Lịch sử từ năm này đã cải thiện vị trí, bứt phá không còn là môn “đội sổ” như thời gian trước.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng và là niềm vui của thầy cô và học sinh trong dạy - học sử nói riêng. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc ra đề thi môn này đã có những điều chỉnh theo hướng phù hợp với năng lực học tập, nhận thức về lịch sử của học sinh hơn nên điểm số cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, xét theo tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên chỉ chiếm 31,52% còn lại hơn 55% thí sinh tham gia thi tốt nghiệp chọn bài thi Khoa học Xã hội cho thấy nỗi sợ học môn sử như nhiều ý kiến lo lắng trước đây là không chính xác.
Cần đổi mới dạy và học môn Lịch sử là trăn trở của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Thành viên ban phát triển chương trình môn Lịch sử. Ông cho rằng, đội ngũ giáo viên phải hiểu được sự khác nhau giữa “học về” và “học để”; và thực hiện “học để” nhằm đạt kết quả đầu ra. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới theo định hướng phát triển năng lực. Giáo viên cần vận dụng dạy học linh hoạt tuỳ theo tình hình cụ thể (về trường lớp, đối tượng học sinh) trên cơ sở cần đảm bảo những yêu cầu cần đạt tối thiểu trong chương trình.