Coober Pedy là một thị trấn nằm ở phía Nam Australia, cách thành phố Adelaide 850 km về phía Bắc, đặc biệt được mệnh danh là “thủ phủ ngọc mắt mèo” của nước này. Thành phố cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách khi đa phần người dân trong vùng sống dưới lòng đất.
Một cửa hiệu sách dưới lòng đất ở thị trấn Cooper Pedy. (Nguồn: AP).
Trên mặt đất, Cooper Pedy nhìn trông chả khác gì một vùng hoang mạc không có sự sống. Nối với tuyến đường Stuart Ranges, thị trấn này chỉ có vài ngôi nhà mọc lên, một vài khu nhà trọ và nhà hàng, một trạm cảnh sát, một trường học và một bệnh viện nằm cách xa về phía Bắc.
Tuy nhiên, khung cảnh đơn sơ đó chỉ là một nửa của thị trấn này, phần còn lại của cuộc sống nơi đây lại nằm dưới lòng đất, sâu trong các hang động rộng lớn cùng một hệ thống đường hầm được gọi là “hầm trú ẩn”, nơi mà đa phần người dân thị trấn xây dựng nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, quán bar, nhà thờ và nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Coober Pedy được xây dựng từ năm 1915 sau khi một cậu bé 14 tuổi tình cờ phát hiện ra một mỏ ngọc mắt mèo lớn khi đang đi cắm trại cùng nhóm tìm vàng của cha cậu. Chỉ trong vài năm, hàng trăm người đã đổ về đây để thăm dò mỏ ngọc này. Tuy nhiên, những người đi tìm kiếm loại đá quý giá ấy cũng sớm nhận ra rằng cuộc sống dưới lòng đất, dưới các hầm mỏ, rất khắc nghiệt với họ.
Vào mùa hè, nhiệt độ ở Cooper Pedy thường vượt quá 40 độ C. Trong những ngày nóng nực này, độ ẩm của không khí không bao giờ vượt qua 20%, trong khi bầu trời lúc nào cũng quang mây, khiến mặt trời rọi thẳng xuống đầu họ.
Để tránh khỏi nhiệt độ nóng bức ban ngày của thị trấn này, người dân nơi đây bắt đầu có ý tưởng dọn xuống lòng đất để ở. Những ngôi nhà đầu tiên của Cooper Pedy được xây dựng trong các hang động nhân tạo mà những người đào ngọc mắt mèo để lại. Những ngôi nhà hiện đại hơn thì phải xây dựng bằng cách đào sâu về phía các sườn đồi. Những ngôi nhà này sang trọng không khác gì một ngôi biệt thự bình thường, có đầy đủ phòng khách, bếp, tủ đứng, quầy bar nhỏ, cột nhà…
Phía cửa vào của các ngôi nhà dưới lòng đất này thường là một cái hố nằm ngay cạnh đường chính, và các phòng của nhà thường hướng đến phần đồi. Tất cả các phòng đều được lắp đặt các ống thông hơi dẫn lên trên để giữ được nhiệt độ mát mẻ bên dưới. Phong cách sống “có một không hai” này lần đầu tiên được các binh sỹ từng tham gia Thế chiến I thực hiện, khi công việc đào hầm trú ẩn không còn lạ lẫm đối với họ.
Một điểm đặc biệt khác là thị trấn này có tới 250.000 hầm lò các loại cùng các biển hiệu để cảnh báo du khách đến thăm về sự nguy hiểm khi đi lại mà không nhìn dưới chân. Những biển hiệu cảnh báo này nổi tiếng đến nỗi chúng còn được in lên áo phông, cốc cà phê, cờ, túi xách và rất nhiều vật dụng mà du khách có thể mua làm quà tặng ở nơi đây.
Coober Pedy trước đây từng được biết đến dưới cái tên mỏ ngọc mắt mèo Stuart Range. Cái tên này được đặt theo tên của John McDouall Stuart, người châu Âu đầu tiên khai hoang khu vực này hồi năm 1858. Vào năm 1920, thị trấn được đổi tên thành Cooper Pedy, một phiên bản tiếng Anh của từ bản địa “Kupa Piti”, có nghĩa là “cái hố của người da trắng”.
Ngày nay, Cooper Pedy là mỏ khai thác ngọc mắt mèo chất lượng cao hàng đầu của Australia và cũng là nguồn cung ngọc mắt mèo trắng chủ yếu của thế giới. Thị trấn này có trên 70 mỏ khai thác ngọc mắt mèo và là khu vực khai khoáng đá quý lớn nhất trên thế giới.
Cooper Pedy hiện cũng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm thú. Thị trấn này thậm chí còn có cả một sân golf chỉ chơi vào ban đêm để tránh cái nóng của ban ngày. Người chơi golf sẽ được sử dụng những quả bóng phát sáng.
Các nhà hàng, câu lạc bộ đêm và đồ ăn ở Cooper Pedy cũng là một nguồn cảm hứng cho nhiều du khách. Rất ít người dân ở đây là người Australia, trong khi số còn lại đến từ hơn 45 quốc gia khác nhau, điều khiến cho Cooper Pedy trở thành một trong số những cộng đồng đa văn hóa nhất ở nước này.
Hiện nay, vì nhiều lý do mà thị trấn này vẫn tiếp tục thu hút rất nhiều người đến từ khu vực Đông Âu và khu vực quanh biển Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy… đến định cư. Dân số của Cooper Pedy đạt khoảng 3.500 người, và 60% trong số đó sinh sống dưới lòng đất.