Kinh tế

Thị trường giá cả: Kịch bản nào cho năm 2025?

T.Hằng 30/12/2024 09:57

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều yếu tố tác động lên mặt bằng giá trong nước năm 2025, trong đó có ảnh hưởng của biến động giá thế giới.

ảnh trên
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Quang Vinh.

Cùng với đó bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp; tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm... Do vậy cần xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Chủ động điều hành giá dịp lễ, Tết

Dịp lễ, Tết cuối năm là cao điểm mua sắm của người dân nên công tác bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn được các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp (DN) quan tâm.

Ghi nhận thông tin từ thị trường, nhìn chung nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát. Các mặt hàng đồ khô, bánh kẹo phong phú nhiều lựa chọn với các mức giá khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, những tháng cuối năm 2024, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát, trong đó, giá một số mặt hàng có biến động như: giá thịt lợn giảm nhẹ, giá LPG trong nước tăng và giá xăng dầu biến động giảm theo diễn biến của thế giới.

Ứng phó với diễn biến giá cả thị trường, các địa phương và các cơ quan chức năng cũng như DN đang triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo kiểm soát giá cả, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong dịp lễ tết Nguyên đán 2025.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân thường tăng mạnh, đặc biệt trong các dịp lễ Tết. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm Tết cho người dân, ngay từ sớm, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

“Sở Công thương đã phối hợp với các DN chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng lượng hàng hóa lớn, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân trong những ngày cao điểm của Tết. Dự kiến có khoảng 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa sẽ tham gia cung ứng hàng hóa phục vụ Tết” – ông Hiệp cho biết.

Tại TPHCM, các cơ quan chức năng cũng đã làm việc với các DN lớn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng như thực hiện từ sớm các chương trình bình ổn giá...

Phía các DN cho biết, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào. Theo đó, Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm Bonjour, với chuỗi siêu thị Bonjour Mart đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa. Theo bà Rossie Lê - Chủ tịch HĐQT của Bonjour, công ty đã chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài và nhà vườn trong nước để đảm bảo nguồn cung cũng như cam kết không tăng giá đột ngột nhằm đảm bảo giá cả hợp lý cho người tiêu dùng trong suốt dịp lễ Tết.

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Ngày 12/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 158 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, công tác điều quản lý, điều hành giá trong năm 2025 dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn.

Bởi bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp, xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm...

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong năm 2025, Cục Quản lý giá tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời chú trọng công tác quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và chính phủ đề ra; tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Đơn vị cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Cục Quản lý giá cũng cho biết, sẽ triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá và thẩm định giá trong năm 2025...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường giá cả: Kịch bản nào cho năm 2025?