“Năm 2015 là năm bản lề, bước ngoặt của thị trường lao động. Đây là những tín hiệu đáng mừng với thị trường lao động Việt Nam khi mà cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời” – TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên về thị trường lao động Việt Nam tới đây.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương.
PV: Theo bà tới đây thị trường lao động có xu hướng gì đặc biệt không?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Về cung lao động: Quý III-2015, lực lượng lao động (LLLĐ) ước đạt 54,31 triệu người (chiếm 76,01% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên). Quý 4-2015 LLLĐ ước đạt 54,43 triệu người (chiếm 76,11% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên); cơ cấu LLLĐ thành thị tăng nhẹ, chiếm 30,5%.
Giả định không có nhiều biến động về mô hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2015, hệ số co giãn việc làm theo tăng trưởng kinh tế vẫn giữ ở mức 0,3 - 0,36, dự báo LLLĐ có việc làm quý III đạt 52,9 triệu người (tăng 0,81% so với quý II), quý 4 đạt 53,1 triệu người (tăng 0,34% so với quý III). Riêng khối doanh nghiệp, dự báo nhu cầu tuyển dụng cả năm 2015 sẽ tăng thêm 360 nghìn người (tăng 3,27%) so với năm 2014, đưa tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp đạt 12,32 triệu người, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số có việc làm vào cuối năm 2015 sẽ đạt 40%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm nhẹ, còn 2,38% vào quý IV-2015.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vai trò điều tiết của thị trường như thế nào, thưa bà?
- Hiện nay mô hình đào tạo nhân lực của chúng ta chưa thực sự phù hợp với mô hình về lao động có chuyên môn kỹ thuật của thị trường lao động. Tức là chúng ta là một nước kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp thì về nguyên tắc, tỷ lệ công nhân kỹ thuật bậc trung, trình độ lao động bậc trung đến sơ cấp phải chiếm tỷ lệ cao hơn đại học. Tôi không nói chúng ta thiếu toàn bộ lao động có chuyên môn kỹ thuật rồi lại cho thấy 3/4 số học sinh lại tập trung vào giáo dục đại học, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, giáo dục đại học thời gian đào tạo dài hơn giáo dục nghề nghiệp gây tốn kém hơn.
Vậy theo bà, chúng ta cần có giải pháp gì?
- Bản thân kinh tế thị trường có sự điều tiết rất tốt vấn đề này. Một khi cầu có thì cung sẽ đáp ứng được. Nhưng trước hết chúng ta cần nâng cao nhận thức về các ngành nghề trong thị trường lao động. Mục tiêu của một người được đào tạo trình độ đại học muốn có việc làm tốt thì phải tìm phân khúc thị trường lao động hiện nay đang cần. Cái thứ hai về mặt chính sách rất là quan trọng, vì hiện nay chúng ta đã đi được những bước rất quan trọng. Ví dụ như chúng ta đã tạo ra được liên thông giữa các cấp trình độ, như vậy một em học sinh học xong lớp 12 không nhất thiết phải vào ngay bậc đại học. Có thể học ĐH chậm sau một chút khi nhìn thấy tín hiệu thị trường lao động với tiền lương nhóm trung cấp đã khá hơn thì họ học trung cấp trước đã.
Thứ ba nữa là trong phân luồng, ví dụ như cơ cấu thị trường lao động hiện nay chỉ yêu cầu 20% là lao động có trình độ đại học trở lên, như vậy, trong tuyển sinh cũng chỉ cần phân luồng, tối đa cũng chỉ 40% phân luồng vào giáo dục đại học, còn lại phải 60% là giáo dục nghề nghiệp. Có nghĩa là phải định lại điểm sàn ĐH, không phải chỉ 12 điểm sàn, nếu lấy 12 điểm sàn thì không còn chỗ nào cho giáo dục nghề nghiệp cả. Chúng ta chỉ cần 40% vào đại học thì chúng ta có thể chỉ dừng lại ở mức điểm sàn lớn hơn , có thể phải là 17-18 điểm.
Thưa bà, hơn một tháng nữa thì cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời, vậy thị trường lao động sắp tới có xu hướng gì đặc biệt?
- Theo tôi, năm 2015 là năm bản lề, bước ngoặt của thị trường lao động. Khả năng thị trường lao động sẽ có sự thay đổi về chất lượng hơn là sự mở rộng về quy mô và đó mới là điều kiện để tăng năng suất lao động.
Trân trọng cảm ơn bà!