Thị trường lao động việc làm phục hồi chậm

Lê Bảo 07/04/2023 07:11

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo tình hình lao động việc làm quý I/2023, do Tổng cục Thống kê tổ chức, ngày 6/4.

Quý I/2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều lĩnh vực vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng. Nguồn: VTV.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I vừa qua, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng gần 89.000 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng trên 113.000 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người, tăng gần 121.000 người so với quý trước và tăng trên 386.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là khoảng 885.000 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm hơn 443.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi là khoảng 1,5 triệu người, giảm gần 35.000 người so với quý trước và giảm trên 65.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) dù số người có việc làm trên toàn quốc tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên lại có sự sụt giảm tại một số địa phương: TPHCM giảm 0,4%, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%.

Đáng chú ý, theo ông Nam, tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Báo cáo nhanh từ các địa phương gửi về Tổng cục Thống kê cho thấy số lao động nghỉ, giãn việc của các DN trên cả nước trong quý I năm nay gần 294.000 người. Trong đó người lao động thuộc các DN FDI chiếm 83,8%.

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ. Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc lĩnh vực này là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, quý I năm nay cũng chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thị trường lao động quý I/2023 có xu hướng tốt hơn. Nguyên nhân chủ yếu của sự cải thiện nói trên là do kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng dương, một số ngành sử dụng nhiều lao động như nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, du lịch hoặc vận tải đang có cơ hội về thị trường tiêu thụ cũng như phục hồi về nhu cầu trên diện rộng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã lắng xuống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như bình thường trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động việc làm phục hồi chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO