Kinh tế

Thị trường lúa gạo biến động: Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

An Bình 22/03/2024 15:41

Hơn 1 tháng qua, thị trường trong nước đã ghi nhận biến động liên tiếp về giá lúa. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, việc tăng giảm giá lúa như hiện nay là hoàn toàn bình thường, đúng theo quy luật cung - cầu của thị trường.

anhbaitren(2).jpg
Nông dân mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: T.Long.

Doanh nghiệp cần tranh thủ giá tốt

Thời gian qua, giá lúa vụ Đông Xuân mặc dù có giảm so với nửa cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận trong ngày 21/3 duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm hiện ở mức 597 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.

Thời điểm này các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo vẫn đang theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo trong nước để tập trung mua vào phục vụ các đơn hàng xuất khẩu sắp tới. Đại diện Công ty TNHH Phước Thành II (Long An) cho biết: “Hiện DN đang dồn sức mua lúa gạo hàng hóa để dự trữ, chờ thời điểm giá cao để bán ra. Lúa vụ Đông Xuân có chất lượng rất cao, nếu DN làm tốt công tác bảo quản sau thu hoạch thì có thể trữ tầm 3 - 4 tháng trước khi đưa ra xuất khẩu”.

Cũng theo đại diện DN này, khoảng thời gian này DN cũng có những thuận lợi về vốn vay và tài chính khi lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho DN tập trung nguồn lực đẩy mạnh thu mua lúa.

Mặc dù giá gạo xuất khẩu vẫn trong xu hướng giảm, song các chuyên gia cho rằng, DN có tiềm lực tài chính nên mua vào để tranh thủ giá tốt. Theo lý giải của các chuyên gia, cân đối cung cầu gạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, người bán vẫn nắm thế chủ động, bởi hiện tại cầu vẫn nhiều hơn cung.

Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn; Indonesia khoảng 3,6 triệu tấn.

Đối với nhà xuất khẩu, Ấn Độ hiện tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo, còn Thái Lan gần đây dự báo rằng sẽ giảm sản lượng xuất khẩu trong năm nay vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tăng quy mô, liên kết hợp tác

Nhiều chuyên gia nhận định, giá lúa, gạo lên xuống tiếp tục tái diễn, cùng với đó là nhiều yếu tố khách quan của thị trường, như giá cước tàu biển tăng 300% so với cuối năm 2023 do căng thẳng khu vực Biển Đỏ, tỷ giá biến động… đã và đang tác động trực tiếp tới việc kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bối cảnh này đặt cả DN và người trồng lúa phải tính toán để làm sao cùng có lãi, bởi khi tham gia xuất khẩu thì tất cả đều phải tuân theo quy luật của thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà DN cũng phải có lãi.

Do đó, nông dân cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa, liên kết hợp tác sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và hình thành các hợp tác xã. Đồng thời cũng cần liên kết hợp tác với DN để hình thành chuỗi giá trị, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân, hợp tác xã và liên kết dọc giữa nông dân, hợp tác xã với DN.

Khuyến nghị giải pháp, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để liên kết thành công, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp DN tiếp cận vốn. Việc này vừa giúp DN thu mua lúa gạo cho nông dân, vừa tạo cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, góp phần tăng lợi nhuận.

Về vấn đề này, Chính phủ đã có Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Song để triển khai thực hiện đề án hiệu quả, các tỉnh cần khuyến khích DN ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, để thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024, các DN cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng gạo. Theo thống kê, năm 2023, gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm hơn 75% cơ cấu gạo xuất khẩu, chứng tỏ gạo Việt Nam đang có thay đổi rõ rệt theo hướng bền vững, chất lượng cao. Về thị trường xuất khẩu, năm 2024, Indonesia, Philippines vẫn là thị trường chính và có tiềm năng tăng cao, thị trường châu Phi tương đối ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lúa gạo biến động: Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO