Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã khép lại, nhưng dư âm về câu chuyện tranh thật- tranh giả vẫn khiến dư luận không khỏi nghi ngại. Tuy nhiên, theo nhiều họa sĩ và giới quản lý mỹ thuật… thì sự việc trên cũng chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi vấn nạn “tranh thật, tranh giả” vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
Thị trường Mỹ thuật Việt Nam đang rơi vào nghịch cảnh
“vàng thau lẫn lộn”. (Ảnh minh họa).
Năng lực thẩm định còn hạn chế
Họa sĩ Vi Kiến Thành đã bày tỏ quan điểm: Sau vụ việc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” có rất nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm, sửa đổi và xem xét lại. Trước mắt, để điều chỉnh sao cho phù hợp chúng ta cần phải đưa ra được những giải pháp. Ở đây, vấn đề cấp phép cho một triển lãm tổ chức tại các bảo tàng thực ra từ lâu nay về quy định của pháp luật thì chúng ta đã làm rất chặt chẽ. Trong đó, cấp phép mỹ thuật và cấp phép nhiếp ảnh là giống nhau. Mọi người phải hiểu cấp phép là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các tác giả, bảo vệ sự hợp pháp của chính tác phẩm đã được sáng tác ra. Tuy nhiên, đám đông hiện nay mắc cái tư duy nhắc đến cấp phép là nghĩ ngay đến việc làm khó nhau, do đó chúng ta nên hiểu cho đúng bản chất của vấn đề.
Thế nhưng, nhìn ở góc này độ cũng có thể thấy về mặt quản lí cấp phép hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Ở đây có thể có sự lúng túng, chưa đủ năng lực của những nhà kiểm định đã vô tình mang các tác phẩm “giả” công khai ra toàn xã hội. Trước đây chỉ nghe có nạn tranh thật tranh giả thế kia, hãng này hãng kia vấp phải... giờ thì nó diễn ra ngay trong đất nước chúng ta.
Theo ông Vi Kiến Thành, sau vụ việc trên trước mắt chúng ta cần phải triển khai hai việc. Thứ nhất là cần phải tiến hành việc thu thuế đối với các họa sĩ, nhà sưu tập, những người tham gia trực tiếp vào quá trình mua bán tác phẩm. Họa sĩ nào không trực tiếp tham gia việc mua bạn sẽ thông qua gallery tiêu thụ để lo vấn đề về thuế. Còn họa sĩ nào trực tiếp bán tranh sẽ phải nộp thuế và có hóa đơn đỏ. Hóa đơn đỏ không phải là vấn đề đã nộp thuế hay chưa mà còn là bằng chứng minh bạch, công khai chứng minh giao dịch này sẽ diễn ra. Từ đó, giao dịch cũng sẽ minh bạch về giá tiền và sau này những người mua tác phẩm của họa sĩ đó họ coi hóa đơn đỏ như dấu tích, chứng cứ... Có thể xem hóa đơn đó như giấy tờ gốc cho lịch sử tác phẩm. Và với những vụ việc như vừa qua, thì việc thu thuế sẽ là đầu mối để tìm ra người đầu tiên có tranh này, bán tranh. Cách làm này hoàn toàn đúng pháp luật...
Việc thứ hai cần phải làm nhanh là thành lập ngay các trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật ở 3 miền. Hiện nay Việt Nam đã có 3 bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Những bảo tàng này nên có 3 trung tâm đấu giá và giám định mỹ thuật để minh bạch và công khai hóa các tác phẩm mỹ thuật mua bán giao dịch về mỹ thuật.
Phát hiện tranh giả không khó
Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, hiện thị trường mỹ thuật Việt Nam vấn nạn chép tranh, nhái tranh, mạo danh (vẽ xong ký tên vào) không còn là chuyện mới. Thậm chí, có tình trạng nhiều họa sĩ còn nói vui là “nhiều tác giả chết rồi tác phẩm nhiều hơn cả lúc đang còn sống”.
Vấn đề, mạo danh thế giới cũng đã xảy ra nhiều. Thậm chí việc mạo danh tranh của các danh họa thế giới với cách sáng tác theo cùng phong cách, nội dung hiện cũng không dễ để phát hiện ra. Ở nước ta hiện nay, phát hiện mạo danh là không khó. Bởi thế hệ chúng tôi quen biết và có nhiều các tác giả chỉ nhìn nhận biết ở phong cách bút pháp chữ ký đã nhận ra rồi. Bên cạnh đó, chúng ta còn có sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ. Chúng tôi dám khẳng định điều này bởi nhiều tác phẩm mạo danh thường rất ngô nghê ngay cả trong việc chép. Bản thân nghệ sĩ lớn thì các mảng màu, nét bút bình thường nhìn tưởng đơn giản nhưng chép lại rất khó. Nhưng thực tế hiện nay điều mà những người làm mỹ thuật lo lắng nhất là với những bất cập này đang làm giảm uy tín tranh Việt Nam và những người mua phải tranh giả ngại tranh Việt Nam, đó là điều nguy hiểm nhất.