Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất lên 0,25% chấm dứt 7 năm duy trì lãi suất thấp ở mức kỷ lục 0%. Quyết định này tác động đến thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày 17/12, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá trong thời gian vừa qua tăng lên, thậm chí 2 ngày vừa qua tăng lên kịch trần chủ yếu là do diễn biến tâm lý, bởi rõ ràng trên thị trường nhu cầu mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến.
Các chính sách tài chính tiền tệ nên linh hoạt và chủ động.
Rạng sáng 17/12 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên thêm 0,25 điểm phần trăm, từ mức 0% - 0,25% lên 0,25% - 0,5%.
Động thái của Fed cũng đã được dự báo và phản ánh vào tỷ giá trên thị trường Việt Nam khá bình tĩnh, không biến động mạnh.
Tại ngân hàng Ngoại thương, Vietcombank niêm yết giá USD mức 22.517 - 22.547 VND/USD (mua vào - bán ra). Tương tự, BIDV cũng niêm yết giá USD mua vào - bán ra ở mức 22.517 – 22.547 VND/USD. Trước đó vài ngày, tỷ giá đã liên tục chạm trần.
Trong ngày 17/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng bình luận, tỷ giá tăng lên kịch trần là do diễn biến tâm lý dưới tác động của việc giảm giá liên tục của đồng nhân dân tệ và việc Fed tăng lãi suất đồng USD.
Vàng tăng 100.000 đồng/lượng Ngày 17/12, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch vàng SJC ở mức 33,02 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,08 triệu đồng/lượng (bán ra). Trên thị trường châu Á, giá vàng hôm nay tiếp tục đi xuống và hiện đang xoay quanh mức 1.069 USD/ounce, tính theo quy đổi mức giá trên tương đương mức 29 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trong nước 4 triệu đồng/lượng. |
Bà Nguyễn Thị Hồng đánh giá: Cung cầu qua theo dõi trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, mặc dù tăng kịch trần, nhưng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp không có gì đột biến. '
Chỉ có sáng 17/12, tỷ giá có vẻ cũng tăng lên nhưng đến trưa đã giảm, giao dịch mua bán lại diễn ra bình thường. Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân được tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Quyết định nâng lãi suất đồng USD của Fed gần như đã được thể hiện trong diễn biến tăng tỷ giá từ cuối năm 2014, đầu 2015 và đã được phản ánh trong kỳ vọng của thị trường. Hơn nữa, tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn ngắn hạn chiếm thị phần ít, còn lại chủ yếu là dòng vốn trung dài hạn vì thế nhìn chung tác động thực sự của Fed không phải là ngay lập tức mà sẽ tác động từ từ.
Lãnh đạo NHNN cũng tái khẳng định, phương châm của cơ quan điều hành xuyên suốt thời gian qua và sắp tới là kết hợp tỷ giá và lãi suất nâng cao lợi tức nắm giữ của VND, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả.
Trong khi đó TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính) nói, thị trường đã có sự chuẩn bị cho phương án Fed tăng lãi suất thì tỷ giá sẽ không biến động nhiều và khu vực sản xuất sẽ không bị “sốc”.
Khi Fed tăng lãi suất, chi phí tài trợ thương mại cho hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ ít bị thay đổi, kinh tế Việt Nam vì thế được nhìn nhận có thể không bị ảnh hưởng mạnh.
Nhưng cũng không thể chủ quan với thị trường nhất là vào thời điểm cuối năm. Những tác động từ quyết định của Fed đến nền kinh tế nội địa trong trung và dài hạn vẫn xuất hiện. Áp lực của tỷ giá trong thời gian tới là có. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sau 8 năm duy trì lãi suất 0% đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ mỗi lần 0,25% trong năm 2016 cho đến khi lãi suất USD đạt mức 1%. Tại cùng một thời điểm mà xảy ra nhiều biến cố như Fed tăng lãi suất, Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ thế giới, giá dầu tiếp tục giảm… giá vàng, USD và giá các ngoại tệ đều có thể ảnh hưởng. Các chính sách tài chính tiền tệ vì vậy nên linh hoạt và chủ động.
Theo GS. TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn 5 năm qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian này, tỷ giá biến động và chịu nhiều sức ép, dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức thấp. Nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản, quản trị yếu kém, nợ xấu gia tăng ở mức báo động, an toàn hệ thống đáng lo ngại, kỷ luật - kỷ cương thị trường bị phá vỡ. Và NHNN là người trực tiếp đưa ra ra nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều dễ nhìn thấy nhất.
Thế nhưng, cũng theo nhìn nhận của các chuyên gia thị trường tài chính, chỉ số chứng khoán của nhiều nước thay đổi. Khi USD càng mạnh lên thì nhiều người tìm đến các thị trường đầu tư vào những tài sản được định giá trên đồng USD. Ở nội địa, các giải pháp chống đô la hóa cần phải đưa ra đúng lúc, kịp thời. Riêng với cơ quan quản lý NHNN cần phải có quyết sách mạnh mẽ.
Ngày 17-12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế”, giới chuyên gia khẳng định, nếu như thời điểm này những năm trước NHNN vô cùng vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, thì mấy năm gần đây cơ quan này không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, thị trường. Đồng thời, tính cạnh tranh, quản trị tại các ngân hàng đã tốt hơn. |