Những ngày gần đây, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng khiến cho mặt hàng thịt lợn thương phẩm trên thị trường có dấu hiệu chững lại so với thời gian trước đây. Trong khi đó, giá mặt hàng này lại không có dấu hiệu giảm.
Người tiêu dùng tìm mua thịt lợn ở siêu thị.
Do ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh trên đàn lợn đang diễn biến khá phức tạp trong thời gian gần đây, sức mua mặt hàng thịt lợn trên một số thị trường đã bắt đầu lắng xuống so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Sức mua giảm
Hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM khẳng định, sức mua thịt lợn giảm hẳn. Tại chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp) mỗi tiểu thương một tâm trạng khác nhau. Người đứng đuổi ruồi, có người chậm rãi ăn sáng, người thì đứng nhìn các bà nội trợ đi qua đi lại và không quên mời chào nhưng không ai ghé sạp thịt lợn. Tiểu thương Nguyễn Văn Hải luôn tay đuổi ruồi bằng một cái cây quấn bịch ni lông, miệng than phiền: “Mấy bữa nay hàng thịt lợn ế ẩm hẳn. Các bà nội trợ chuyển sang mặt hàng thịt bò. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện, song người tiêu dùng có phần e ngại”.
Tiểu thương Lê Thị Mai (chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh) thì chia sẻ: “Khi chưa xuất hiện thông tin dịch bệnh, một buổi sáng tôi bán nhanh cũng được hơn 70 kg. Giờ một buổi bán 50 kg mà trầy trật”. Không chỉ tiểu thương các chợ lẻ than thở, nhiều chủ sạp thịt lợn trên các tuyến đường của thành cũng méo mặt với sức mua. Đại diện chủ sạp lợn trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9) cho rằng, người tiêu dùng đang e dè với thịt lợn nên sức mức giảm rõ rệt.
“Trước khi trung bình một ngày tôi bán 2 con lợn, thậm chí là hơn vì vừa bán lẻ vừa bỏ mối cho các quán. Những ngày gần đây tôi giảm lượng hàng xuống, khoảng 1con/ngày. Vậy mà có hôm bán đến 19h mới hết hàng” – tiểu thương này cho hay.
Trái ngược với sự trầm lắng của mặt hàng thịt lợn tại chợ truyền thống, sạp bán lẻ dọc trên các tuyến đường, hệ thống siêu thị có phần đắt khách hơn. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, trung bình một ngày đơn vị tiêu thụ khoảng 60 tấn thịt lợn, ngày cao điểm cuối tuần tiêu thụ khoảng 70 - 80 tấn. Điểm phân phối thực phẩm tươi sống của Vissan tại Co.op mart Cống Quỳnh (quận 1) cũng cho hay, với hàng trăm kg thịt lợn bán từ đầu ngày, cuối ngày chỉ còn khoảng chục kg thịt ba rọi rút xương, ba rọi thường, sườn non, thịt đùi, xương đuôi.
Chị Nga, nhân viên bán hàng cho rằng: “Sức mua tại quầy hàng vẫn ổn định. Mỗi ngày, hệ thống nhập hơn 12 loại thịt với hơn 300kg nhưng tất cả lượng thịt bán ra đều hết, không tồn kho”.
Giá không giảm
Nhìn chung, sức mua mặt hàng thịt lợn trên thị trường đang trầm lắng hơn, tuy nhiên giá cả mặt hàng này vẫn ở mức cao. Đơn cử, thịt lợn đùi dao động từ 100.000 – 110.000 đồng/kg, ba rọi có giá 120.000 – 130.000 đồng/kg (tùy loại), sườn non 170.000 đồng/kg,…
Tiểu thương các chợ cho biết, so với trước đó khoảng 1 tuần, giá thịt lợn hiện nay có tăng lên từ 5.000 – 7.000 đồng/kg mỗi loại. Giải thích về giá mặt hàng thịt lợn tăng, tiểu thương trên địa bàn thành phố khẳng định, dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Nhằm tránh lợn bệnh “tuồn” vào TP HCM, thành phố chỉ đạo không cho nhập lợn từ phía Bắc vào. Đây cũng chính là lý do giá thịt lợn tăng cao. Bên cạnh lý do nêu trên, tiểu thương các chợ còn cho rằng, đa phần lợn lấy từ các trại có phòng, chống và kiểm dịch tốt nên giá cao hơn.
Theo thống kê của các sở ngành, TP HCM là một trong những địa phương tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi ngày thành tiêu thụ trên dưới 10.000 con lợn, tương đương khoảng 800 tấn thịt/ngày. Thế nhưng, số lượng lợn tự nuôi tại thành phố chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu, phần còn lại thành phố nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang,…
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM, dù thành phố chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng vẫn lo ngại việc vận chuyển lợn của phía Bắc vào các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, sau đó hợp thức hóa nguồn gốc thông qua các vựa kinh doanh lợn sống hoặc giết mổ rồi đưa về thành phố tiêu thụ.
Chia sẻ băn khoăn của lãnh đạo thành phố, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng, thành phố có 12 lò mổ tập trung nên cũng dễ kiểm soát lợn nhiễm bệnh hơn. Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng, bà Lan khuyến cáo: “Cùng với thành phố chống dịch hiệu quả, theo tôi người dân nên chọn mua thịt lợn ở những điểm bán được cấp phép, không nên mua thịt lợn trôi nổi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe”.