Đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà quản lý tại Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 (Đề án) do Bộ Công thương tổ chức sáng 12/8 tại Hà Nội.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đánh giá, sau 6 năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội phục vụ đời sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Cuộc vận động đã đi vào thực tiễn và làm thay đổi tâm lý, thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Hàng Việt đến nay đã chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi cũng đạt mức từ 60% trở lên, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các mặt hàng có thế mạnh củaViệt Nam .
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hoành, thị trường trong nước chính là bệ đỡ cho các DN sản xuất, phân phối, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hàng Việt vào thị trường nội địa theo đề án vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai chương trình. Đặc biệt, hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, bên cạnh đó là những bất cập liên quan đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái… Đó là những điểm nghẽn cần giải tỏa trong thời gian tới.