Dù trải qua một tuần lễ đầy biến động với giá chênh cao kỷ lục so với giá vàng thế giới nhưng sức mua trong nước lại ảm đạm. Tuy nhiên, vượt qua “bão” Covid-19, nhiều chuyên gia dự đoán thị trường vàng trong thời gian còn lại của năm 2021 “khá sáng sủa”.
Đẩy rủi ro cho người mua vàng
Giá vàng thế giới hồi phục trở lại trong bối cảnh những lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã thúc đẩy một số nhà đầu tư mua vào, nhưng đà tăng của thị trường vàng đang bị giới hạn bởi đồng USD vững chắc.
Trước đó lùi lại mốc thời gian ngày 9/8 giá vàng thế giới giao dịch ở 1.742 USD/ounce, ngày 6/8 giá vàng giảm sâu về mốc 1.683 USD/ounce - là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Nhìn chung, giá vàng thế giới tuần qua đầy biến động.
Tuy vậy, giá vàng SJC tại thị trường trong nước không có biến động quá lớn. Cụ thể, tính đến 9h sáng ngày 14/8, giá vàng SJC tăng mạnh tại TP HCM giao dịch mua - bán quanh mức 56,4 - 57,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch trong khoảng 56,4 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội ở mức 56,15 - 57,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Tương tự, tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,4 - 57,4 triệu đồng/lượng.
Trước đó ngày 13/8, giá vàng SJC niêm yết quanh mốc 56,4 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại thời điểm 9h sáng ngày 13/8.
Điểm nhấn của thị trường vàng trong nước trong tuần qua chính là giá vàng có thời điểm chênh cao với giá vàng thế giới đến 9 triệu đồng. Mức chênh lệch được nhìn nhận là chưa từng có trong lịch sử. Với mức chênh lệch này, hễ ai có nhu cầu mua vàng cũng phải cân nhắc.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Việc đẩy chênh lệch mua vào - bán ra quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp.
Tuy nhiên điều đáng bàn là các giao dịch về vàng có thể được nhìn nhận là “buồn như chợ chiều”. Khi mà dịch Covid-19 cùng với biến thể Delta có mức độ lây lan kinh khủng đã khiến cho các thành phố, các điạ phương thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16, 16+, doanh nghiệp vàng cũng phải chuyển phương thức kinh doanh từ trực tiếp sang online.
Song quan trọng hơn, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân giảm dần, nguồn tích luỹ bị co hẹp thì sức mua trên thị trường vàng sẽ dần đóng băng, sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước.
Được biết hiện nay một số công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn trong nước đã đưa ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi từ mô hình bán lẻ truyền thống sang kiểu mới, kết hợp đa phương tiện nhằm cải thiện giao dịch, nhưng nhìn chung, vẫn rất ít người mua - bán.
Neo cao để giữ giá
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), nói với bối cảnh giãn cách hiện nay, hệ thống mua bán vàng trên cả nước gần như tê liệt. Tại thị trường TP HCM nhiều tháng nay các cửa hàng đóng cửa. Tại Hà Nội, hiện trạng cũng tương tự.
Chính vì vậy, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, giá vàng trong nước hiện nay được neo cao là để giữ giá, còn thực chất không có giao dịch. Thị trường vàng vật chất trong bối cảnh Covid-19 đóng băng.
Theo phân tích chung đưa ra giá vàng thực ra luôn nhạy cảm với các động thái kinh tế. Thời gian tới vàng có thể gặp khó khăn khi ngân hàng trung ương Mỹ tìm cách thắt chặt các chính sách tiền tệ và và áp lực bán vẫn còn sẽ làm tăng nguy cơ trượt giá của kim loại quý này.
Nhưng ở chiều ngược lại, vàng và các kim loại quý khác thường được coi là thị trường trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Vì thế, trong ngắn hạn giá vàng có thể trồi sụt nhưng triển vọng thị trường vàng trong thời gian còn lại của năm 2021 được đánh giá là khá sáng sủa, nhờ nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng.
Ở góc nhìn khác, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, mức độ lạm phát tại Mỹ hiện tại là lớn nhất kể từ năm 2008, ở mức báo động 5%. Tuy nhiên, dữ liệu này không có khả năng kích hoạt phản ứng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nên sẽ hỗ trợ cho tài sản không sinh lời như vàng. Dẫu vậy, USD mạnh đã kìm hãm đà tăng của kim loại quý này.
Trong khi đó một số chuyên gia phân tích, giá vàng cần được theo dõi chặt chẽ từ nhiều vùng dữ liệu liên quan. Theo dữ liệu kinh tế của Mỹ đưa ra cho thấy lạm phát PPI trong lĩnh vưc sản xuất tăng cao hơn dự đoán và trợ cấp thất nghiệp trong tuần giảm. Do vậy giá vàng có nhiều khả năng sẽ tăng rồi lại rơi vào một đợt điều chỉnh giảm.
Vàng có xu hướng tăng giá trong môi trường lãi suất thấp, trong khi một số nhà đầu tư cũng coi vàng như một hàng rào chống lại đà tăng của lạm phát. Các nhà phân tích tài chính còn đưa ra nhận định rằng, những lo ngại về lạm phát đã giúp vàng tiếp tục tăng, vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Giá vàng có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce (gần 60 triệu đồng/lượng).
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế ngày càng tăng ở Mỹ có nghĩa là lãi suất thực tế sẽ bắt đầu tăng cao hơn, điều đó sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với mặt hàng vàng. Chính vì thế, trong môi trường hiện tại, vàng có khả năng ở trạng thái phòng ngự.