Kinh tế

Thị trường vật liệu xây dựng sau bão số 3: Nhu cầu tăng nóng từng ngày

Nhóm phóng viên 18/09/2024 07:43

Những ngày qua, nhu cầu đối với thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng tôn, thép, nhôm... gia tăng do những tác động rất lớn của bão số 3 (Yagi).

Anh cv
Sau bão số 3, nhu cầu mua thép ống, tôn lợp của người dân tăng cao (Trong ảnh: Một đại lý cung cấp thép ống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội xuất hàng đến công trình, ngày 17/9). Ảnh: Thanh Xuân.

Nhu cầu tôn, thép, nhôm kính tăng mạnh

Anh Bùi Văn Đoàn - chủ cơ sở cơ khí Đoàn Bùi (số 23B, ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây (kể từ sau thời điểm cơn bão số 3 hoành hành), cơ sở cơ khí Đoàn Bùi nhận được số đơn hàng tăng hơn 10% so với bình thường.

“Có hôm số khách đặt cơ sở tôi tăng trên 20%. Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều gia đình, nhà xưởng bị bay mất mái, vì chủ yếu các nhà xưởng hoặc các khu nhà trọ sử dụng mái tôn. Chính vì vậy, thời điểm này, nhu cầu về tôn, vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà, xưởng, cơ sở sản xuất... tăng lên rất cao” - anh Đoàn thông tin, đồng thời cho biết thêm, sau bão số 3, cơ sở cơ khí, vật liệu xây dựng của anh phải gác lại mọi yêu cầu thi công khác như làm cầu thang, cửa kính... để ưu tiên cho việc khắc phục sự cố về mái tôn cho khách hàng. Mặc dù nhu cầu tăng cao như vậy song theo anh Đoàn, giá cả các sản phẩm tôn, ống thép, khung nhôm, công thợ... vẫn duy trì như trước.

“Chúng tôi rất chia sẻ với tổn thất của khách hàng sau bão số 3 nên hoàn toàn không tăng giá bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, thậm chí có một số dịch vụ còn không tính công thợ để chia sẻ với khách hàng” - anh Đoàn nói.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh Đoàn chia sẻ, tôn là loại vật liệu xây dựng được ưa chuộng lâu nay vì có nhiều ưu điểm: Nhẹ, thi công nhanh, giá thành hợp lý, nhưng nhược điểm là tránh nóng, chống mưa bão kém. Trên thị trường, loại vật liệu này được lựa chọn để thay thế các vật liệu khác như gạch nung, ngói... vì đây là những vật liệu dễ vỡ. Song, cũng chính vì đặc tính nhẹ nên tôn rất dễ bị gió bão tốc, lật. “Chính vì vậy, mỗi lần có dự báo bão lớn là các gia đình sử dụng vật liệu tôn làm mái hết sức lo lắng. Tôi thường khuyến cáo khách hàng, mỗi lần có dự báo bão, cần vít chặt hệ thống mái vào khung nhà” - anh Đoàn thông tin đồng thời cho biết thêm, trong các cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua, vẫn còn tình trạng nhiều gia đình, nhà xưởng bị bay mái tôn cũng một phần do chủ quan, họ nghĩ mái tôn lắp đặt ổn rồi không đề phòng gì nữa, nhưng thực tế khi có gió mạnh, các mảnh vỡ đã đâm thủng tấm lợp, từ đó gây tốc, bật mái tôn.

Bởi vậy, mái tôn ở những khu vực gió lớn cần được gắn với khung nhà bằng loại đinh vít chắc chắn. Độ chống chịu mưa bão cũng còn tùy thuộc vào trình độ thi công của thợ. Sau cơn bão số 3, nhiều khách hàng yêu cầu dùng loại mái tôn dày hơn, có phương án phòng chống bị gió lốc thổi bay, bật.

Tương tự, nhiều cửa hàng, đại lý bán vật liệu xây dựng khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng có chung nhận định, sau bão số 3, nhu cầu về các sản phẩm tôn, thép, vật liệu xây dựng... tăng rất cao.

Chị Thùy Linh, chủ đại lý cấp 1 - cửa hàng Lam Sơn (ở địa chỉ 177 Đê La Thành, Hà Nội) cho biết, mặc dù vận chuyển thời điểm này gặp nhiều khó khăn nhưng đại lý của chị Linh không hề tăng giá vận chuyển nhằm hỗ trợ khách hàng. Cũng theo chị Linh, các đơn hàng tới tấp trong hơn 1 tuần qua, lượng đơn hàng tăng 50% so với ngày thường.

Chị Thanh Hương - chủ cơ sở kinh doanh sắt thép, tôn lợp Thanh Hương (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ảnh hưởng của cơ bão số 3 là rất lớn, nhiều nhà dân đã bị tốc mái, đổ hàng rào, lật cửa nhôm, kính nên nhu cầu của khách hàng về tôn lợp mái, nhôm kính và sắt ống mạ kẽm... mấy ngày qua tăng mạnh.

Dù nhu cầu tăng mạnh hơn nhiều so với ngày thường song cửa hàng của chị Phan Thanh Hương vẫn giữ nguyên giá cũ, không hề tăng giá ở bất kỳ một sản phẩm hay dịch vụ nào. “Sau đợt bão này, bà con bị thiệt hại rất nặng nề, nên chẳng có ai lợi dụng cầu tăng để mà tăng giá cả” - chị Hương nói và cho hay, hai ngày qua cửa hàng của chị Hương kín lịch lắp đặt và sửa chữa mái tôn, phải một vài hôm nữa cơ sở mới nhận thi công tiếp. Về giá cả, loại tôn thông thường tính cả công lắp đặt rơi vào khoảng 400.000 đồng/m2, không tính cột.

anh4.jpg
Tại các đại lý vật liệu xây dựng thời điểm này, đơn hàng tăng mạnh vì nhu cầu sửa chữa nhà tăng cao. Ảnh: Xuân Ngọc.

Không có tình trạng tăng giá bất thường

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, hiện tại, giá vật liệu xây dựng đều đang rất ổn định, cả giá nhôm và giá sắt đều chưa tăng. Các chủ đại lý cơ khí, vật liệu xây dựng đều đưa ra dự báo, sau đợt mưa bão này nếu giá vật liệu có tăng cũng chưa thể tăng ngay và mức tăng không đáng kể. Riêng về mái tôn, giá có tăng cũng chỉ tăng rất ít, khoảng vài phần trăm.

Hiện, giá tôn trên thị trường có nhiều mức, tùy thuộc vào độ dày, thương hiệu. Ví dụ như tôn Việt Nhật SSC xốp 3 lớp giá hoàn thiện thường trung bình rơi vào từ 480.000 - 500.000 đồng/m2. Giá lắp đặt hoàn thiện sẽ tùy thuộc vào diện tích mái, địa hình lắp đặt. Có những địa hình phức tạp có thể từ 520.000 - 550.000 đồng/m2.

Sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, thời điểm này, hầu hết tất cả các chủ cơ sở kinh doanh có tinh thần hỗ trợ khách hàng. Chủ cơ sở cơ khí Đoàn Bùi nhận giảm giá thi công một số dịch vụ như bắt vít, gia cố lại mái lợp, lắp đặt khung kính...

Trong khi đó, một số cơ sở ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội thông tin, sẽ giảm giá 30 - 40% cho cư dân phường phải sửa chữa lại mái và biển quảng cáo.

Nhu cầu tăng cao nên thời điểm này, không ít khách hàng phải chờ đợi mới đến phiên mình được sửa mái tôn.

Ông Trần Văn Vy - người quản lý xưởng sản xuất đồ nội thất tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) chia sẻ: “Bão số 3 tốc lật hết cả mái xưởng sản xuất của chúng tôi. Thế nhưng ngay hôm sau liên hệ với các cơ sở sửa chữa đều kín lịch, xưởng của chúng tôi phải chờ đến 5 ngày sau mới đến lượt được sửa chữa”.

anh3.jpg
Nguồn cung thép, tôn tại các đại lý vật liệu xây dựng khá dồi dào (Ảnh chụp tại cơ sở Thanh Hương, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: X.N.

Ông Trần Mạnh Hùng - chủ một đại lý tôn thép ở Hà Đông (Hà Nội) cũng cho biết tôn là một trong những vật liệu xây dựng rất phổ biến. Thời điểm này, dù cầu tăng mạnh nhưng cung vẫn đáp ứng đủ cầu. Do đó, giá cả các sản phẩm tôn, thép, vật liệu xây dựng trong hơn một tuần sau bão không biến động dù nhu cầu có tăng cao. Phần lớn các đại lý đều giữ giá và chia sẻ khó khăn với khách hàng, không ai tăng giá công thợ cũng như sản phẩm. “Từ sáng đến giờ chúng tôi nhận đơn hàng liên tục, gấp 4,5 lần bình thường. Nhưng vẫn đủ hàng để cung ứng cho khách” - ông Hùng thông tin.

Trao đổi với phóng viên, hầu hết các đại lý vật liệu xây dựng, cơ sở cơ khí đều khẳng định những ngày qua, dù cầu tăng rất mạnh nhưng phía nhà cung cấp vẫn báo giá ổn định. Hoàn toàn không có tình trạng lợi dụng nhu cầu tăng cao mà đẩy giá sản phẩm, giá nhân công, cho thấy các đại lý, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng dù khó khăn nhưng vẫn đang hết sức chia sẻ với khách hàng sau những tổn thất bởi cơn bão số 3.

Thông tin về thị trường vật liệu xây dựng nói chung, thị trường tôn, thép nói riêng, ông Nguyễn Văn Sưa - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, sau siêu bão Yagi (bão số 3) người dân bị tổn thất khá nhiều về nhà cửa, do đó nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, tín hiệu của thị trường những ngày qua cho thấy giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng, tôn thép vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng. Các cơ sở, đại lý cơ khí, vật liệu xây dựng vẫn đang chia sẻ với khách hàng, không hề lợi dụng tăng cầu mà tăng giá, nguồn cung vẫn ổn định. Dự báo về thị trường thời gian tới, ông Sưa cho rằng, khi 3 luật về thị trường bất động sản đi vào thực tiễn, thị trường sẽ hồi phục dần, từ đó sẽ kéo theo các lĩnh vực liên quan hồi phục, trong đó có lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh những tổn thất do mưa bão gây ra, người dân khi xây sửa nhà cửa cần lưu ý: Lựa chọn vật liệu tốt: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại tôn giả, tôn nhái kém chất lượng vì vậy việc sử dụng tôn chính hãng sẽ giảm được khả năng tốc mái khi gió bão gây ra. Nên lựa chọn những thương hiệu uy tín trên thị trường; Chặt tỉa cành cây xung quanh nơi có mái tôn: Đối với mái tôn việc chặt cành cây vô cùng quan trọng bởi những cành cây có khả năng gãy do gió bão, có thể gây thiệt hại rất nặng nề nếu rơi xuống mái tôn; Vít chặt hệ thống mái vào khung nhà: người dân cần cố định mái tôn trước khi bão đến bằng cách vít chặt hệ thống mái vào khung nhà. Bởi mái tôn nhẹ nên dễ bị gió bão tốc, lật, thổi bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường vật liệu xây dựng sau bão số 3: Nhu cầu tăng nóng từng ngày