Sức đề kháng của doanh nghiệp (DN) ngày càng yếu hơn khi đối diện với các cú sốc lớn như đại dịch Covid-19. Các DN trở thành đối tượng cần được hỗ trợ, họ khát vốn và phụ thuộc vào nhiều hệ thống vốn cung ứng từ ngân hàng. Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tú Anh -Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương về vấn đề phát triển thị trường vốn ngân hàng trong bối cảnh kinh tế mới.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động tín dụng năm 2020 - thời điểm Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19?
Ông Nguyễn Anh Tú: Hoạt động tín dụng năm 2020 bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, đặc biệt là những tháng đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bị chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp. Bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ như: Nới lỏng tiền tệ, liên tục hạ các lãi suất điều hành, tăng mua ngoại tệ,... giúp thanh khoản hệ thống luôn dồi dào; Ban hành các chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại, DN và người dân như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ,.... Các chính sách này góp phần giảm áp lực chi phí cho DN trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn.
Đến 7/12/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 270 nghìn khách hàng, với dư nợ gần 348,5 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 585,3 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1.037,7 nghìn tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến cuối năm 2020 đạt trên 2.235,2 nghìn tỷ đồng cho 386.365 khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 167.554 khách hàng, với dư nợ 4.179 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.968.039 khách hàng với số tiền 71.370 tỷ đồng. Sau hai lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7, qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí đã miễn, giảm đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Nhờ các yếu tố trên, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng trở lại và tốc độ có giảm nhẹ vào tháng 7, nhưng sau đó tăng trưởng ngày càng cao đến cuối năm. Cụ thể, đến cuối quý 1/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý 2/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý 3/2020 tăng 6,08% đến cuối năm 2020 thì tăng lên 12,13%.
Mức tăng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (4,2% theo GDP danh nghĩa) một phần là do các khoản cho vay trong năm được phép gia hạn, giãn nợ theo các chương trình hỗ trợ của NHNN do đó các khoản này chưa quay lại hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần 8 điểm phần trăm cho thấy dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang xấu đi (trong những năm gần đây tốc độ tăng tín dụng chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khoảng 3%).
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các hoạt động thông qua nền tảng internet và kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Sự nhận biết của người dân đối với thị trường vốn tăng nhanh. Điều mà doanh nghiệp cũng như người dân phản ánh là lãi suất tiền vay mà doanh nghiệp cũng như người dân tiếp cận được vẫn cao?
-Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan,…) do đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam đồng thời tạo rào cản phát triển cho các thị trường vốn khác. Hiện nay Việt Nam có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng nhanh,…) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác.
Phát triển thị trường vốn, nói riêng ở kênh tín dụng ngân hàng cần những giải pháp gì, thưa ông?
-Duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu DN, các hoạt động khởi nghiệp trong môi trường vốn rẻ là điều mong muốn không phải ở cả DN mà cả cơ quan làm chính sách.
Theo tôi NHNN một mặt cần duy trì môi trường lãi suất thấp, mặt khác cũng cần phải củng cố uy tín, độ tin cậy của NHNN trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ. Việc duy trì lãi suất thấp và tăng khả năng tiếp cận vốn của DN cho phép DN giảm chi phí sản xuất qua đó cũng sẽ giảm áp lực lên lạm phát khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp có thể giúp các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn có điều kiện thuận lợi tăng vốn đáp ứng các yêu cầu đủ vốn theo nguyên tắc Basel II. Khi các ngân hàng thương mại đều áp dụng chung chuẩn mực quản lý rủi ro thì mặc dù thanh khoản dư thừa nhưng tín dụng không thể ra ồ ạt (do các khoản cấp tín dụng phải đáp ứng đủ các chuẩn mực mới có thể thực hiện), do đó áp lực lên lạm phát là thấp.
Trong những năm gần đây chúng ta chứng kiến hàng loạt ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất tiệm cận 0 (không) nhưng lạm phát hầu như không tăng và thậm chí còn nằm dưỡi ngưỡng mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp cũng khuyến khích các hoạt động đầu cơ vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và có thể tạo ra các bong bóng tài sản, tiềm ẩn bất ổn trong tương lai. Do đó, cùng với các chính sách duy trì lãi suất thấp, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường bất động sản, tránh để thị trường phát triển quá nóng.
Thời gian tới, cùng với sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, sự chuyển dịch của chuỗi giá trị sản xuất vào Việt Nam, cán cân vãng lai vẫn tiếp tục xu hướng thặng dư, thậm chí thặng dư lớn. Do đó áp lực lên giá đồng VND là rất lớn đòi hỏi NHNN phải tiếp tục mua dự trữ ngoại hối để ổn định đồng tiền. Cân bằng được hai áp lực này là thách thức lớn đối với NHNN?
-Đúng vậy! Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, chấp nhận một biên độ lên giá nhất định của đồng VND. Việc đồng VND lên giá giúp giảm nợ nước ngoài, và giảm áp lực lạm phát nhưng có tác động tiêu cực nhất định đối với hàng xuất khẩu và hàng trong nước cạnh tranh hàng nhập khẩu. Để trung hòa tác động tiêu cực này, thì việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết. Đồng thời, do VND có xu hướng lên giá, nên vấn đề đô-la hóa tự được giải quyết và không cần thiết duy trì lãi suất VND cao hơn quá nhiều so với lãi suất USD.
Thưa ông, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn là yêu cầu then chốt đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững. Khi mà các biện pháp giám sát chặt chẽ tình trạng vay, trả nợ thì nợ xấu tăng vọt?
-Mỗi khi dịch bệnh được kiểm soát cần tăng cường các biện pháp nâng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng, đẩy nhanh lộ trình áp dụng quy tắc Basel II trong toàn hệ thống vì đây là công cụ then chốt nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng chống chịu thua lỗ.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính giúp phát hiện rủi ro tiềm ẩn từ các ngân hàng, từ các thị trường tài chính. Từ đó, xây dựng các phương án điều hành cụ thể về cách thức phản ứng với diễn biến mới; sớm xử lý triệt để nợ xấu, tránh nợ xấu tồn đọng kéo dài; có cơ chế rõ ràng nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém và có vấn đề. Tăng cường áp dụng các công cụ an toàn vĩ mô như vốn đệm chống chu kỳ, vốn đệm dự trữ, đặt các trần giới hạn cho vay…
Trân trọng cảm ơn ông!