Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội đang đến gần và định sẵn sẽ có cả nước mắt và nụ cười, bởi chỉ khoảng hơn 60% học sinh sẽ đỗ vào trường THPT công lập. Động viên con dốc sức để ôn tập nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và những hướng đi khác nếu con thi trượt là những gì phụ huynh nên cân nhắc ở thời điểm này.
Không phải học lực yếu mới đi học nghề
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (đồng thời là chuyên gia dự báo nguồn nhân lực), trong nhiều năm đi hướng nghiệp và dự các ngày hội phân luồng định hướng việc làm cùng những khảo sát phân luồng cho thấy, thực tế, có khoảng 20-30 % các em học xong THCS và có nguyện vọng không tiếp tục theo học bậc THPT, kể cả các em đã đỗ vào trường công lập. “Học nghề là một xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay” - ông Tuấn đánh giá.
Bắt đầu từ năm 2020-2021, học sinh (HS) sau THCS cùng với hệ trung cấp có thể tiếp tục học liên thông lên hệ cao đẳng (CĐ). Mất từ 3-4 năm, các em sẽ hoàn thành 2 giai đoạn: Học trung cấp với 4 môn học phổ thông trong khoảng 1,5-2 năm, sau đó học lên bậc CĐ khoảng 1 năm nữa. Lúc này, các em khoảng 18-19 tuổi có thể tham gia ngay vào thị trường lao động việc làm hoặc học tiếp, liên thông lên đại học. Như vậy, thời gian học nhanh, gọn, theo hướng mở, linh hoạt trong nghề nghiệp.
Đây là một hướng đi các bậc phụ huynh và thí sinh có thể cân nhắc trong định hướng sau khi tốt nghiệp THCS tới đây, nhất là khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội và nhiều địa phương luôn được xem là khốc liệt còn hơn thi đại học. Anh Nguyễn Mạnh Cường (thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhớ lại cách đây 4 năm, khi con trai anh trượt cấp 3 công lập, không khí gia đình buồn bã do những năm học phổ thông, con luôn là cán bộ lớp, năm nào cũng là HS tiên tiến. Cũng vì không có sự chuẩn bị trước nên con sốc, không tiếp xúc với ai trong mấy ngày đầu sau khi biết tin. Rất may là thầy giáo chủ nhiệm lớp đã gọi điện động viên và gợi ý con tìm hiểu về cơ hội học trung cấp nghề. Gia đình sau đó đã đưa con lên tận trường trung cấp nghề ở Gia Lâm để tìm hiểu và quyết định để con theo học ngành điện công nghiệp và dân dụng tại đây.
“Cháu tự chọn theo học chương trình giáo dục thường xuyên để vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa được học nghề. Nhà trường cũng tạo điều kiện để cháu học song song nên sau 3 năm, cháu đã hoàn thành mục tiêu của mình đề ra và đang làm hồ sơ để chuẩn bị học liên thông lên bậc CĐ. Trong thời gian này, cháu vẫn nhận thêm các công việc sửa chữa, lắp mới ở các công trình xây dựng quanh nhà để có thêm thu nhập trang trải học phí những năm học sắp tới” - anh Cường cho biết.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dù quy mô HS trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 tăng, song thành phố sẽ bảo đảm 100% HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đều được tuyển vào lớp 10 ở các loại hình trường phù hợp. Trong đó, hệ thống giáo dục trung học trên địa bàn thành phố rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của HS theo hướng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp. HS có nhiều hướng lựa chọn cho giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Việc học tiếp lớp 10 THPT công lập chỉ là một trong nhiều hướng lựa chọn cho HS sau THCS.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 522) cho thấy 2/6 tiêu chí chưa hoàn thành mục tiêu là “HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp” và “HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ CĐ”. Do nhiều nguyên nhân khiến hoạt động phân luồng, hướng nghiệp cho HS vẫn gặp nhiều hạn chế, Bộ đang phối hợp tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS phổ thông, phụ huynh HS; làm tốt việc bố trí, bồi dưỡng giáo viên để đảm đương nhiệm vụ này.
Gỡ vướng trường nghề để hút thí sinh
Nhu cầu xã hội là rất lớn với các lao động đã qua đào tạo bậc trung cấp, CĐ. Việc khuyến khích HS chủ động lựa chọn theo học nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân là hướng đi cần được đẩy mạnh. Nhà trường, giáo viên cần tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS và gia đình theo hướng đánh giá đúng khả năng của HS để tự các em quyết định con đường đi và tương lai của mình, trên cơ sở nhìn thấy hết khả năng của các em. Tuyệt đối không hướng nghiệp để HS làm theo ý của nhà trường nhằm bảo vệ thành tích cho giáo viên và nhà trường theo kiểu o ép HS phải viết đơn tình nguyện chuyển trường hoặc không tham gia thi vào lớp 10 THPT công lập…
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, những năm gần đây phụ huynh và HS đã có sự thay đổi trong tư duy. Họ không coi ĐH là con đường duy nhất mà thấy rằng có thể lựa chọn học nghề, tu nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ theo trường nghề ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tương tự, trong nhiều lối đi sau khi tốt nghiệp THCS, phụ huynh và thí sinh có thể tìm hiểu về cơ hội khi theo học tại các trường trung cấp, CĐ nghề. Không chỉ được miễn học phí theo chính sách cấp bù học phí của Nghị định 81, HS vẫn có thể chọn học văn hóa song song với học nghề để sau này, nếu muốn tiếp tục học lên bậc cao hơn cũng không khó khăn gì về chứng chỉ, bằng cấp.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong việc đào tạo văn hóa trong trường nghề cần sớm được tháo gỡ để phụ huynh, HS yên tâm chọn hướng đi này. Cụ thể, Bộ GDĐT cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn, xác định khối lượng kiến thức văn hóa dạy trong các trường nghề như thế nào cho phù hợp. Bởi thống kê từ các trường cho thấy, nhu cầu vừa học nghề vừa học văn hóa tăng cao trong những năm gần đây, chiếm trên 90% HS học tại các trường trung cấp nghề. Thứ hai, với chính sách ưu đãi về học phí cho HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề theo Nghị định 81 cần sớm có hướng dẫn để các địa phương triển khai trong thực tế, tránh để HS chưa kịp mừng vì được miễn học phí lại phải lo đi vay tiền đóng học mà chưa biết khi nào được địa phương giải ngân, xét duyệt số tiền ứng trước này…
TS Nguyễn Chí Hiếu - Nhà đồng sáng lập và CEO của Tổ chức Giáo dục IEG Global:
Không phải cứ học trường nổi tiếng mới thành công
Không ai mong muốn con mình thi trượt, nhưng cần chuẩn bị cả tinh thần cho những trường hợp xấu, nằm ngoài dự định. Trong đó, chính các bậc phụ huynh phải gỡ "nút thắt" của mình trước. Nhiều người đề ra điều kiện là con phải vào được trường A, trường B mới tốt; không vào được là coi như thất bại, là hết cơ hội thành công. Trong khi trên thực tế, không phải cứ học trường nổi tiếng mới thành công. Vẫn có rất nhiều HS, sinh viên học ở trường không nổi tiếng nhưng vẫn thành công. Các phụ huynh nên trò chuyện với con, rằng con đã nỗ lực hết sức rồi, không nên so sánh con mình với "con nhà người ta", không để trẻ chìm đắm trong sự buồn chán và tuyệt vọng mà hãy vực trẻ dậy bằng những trải nghiệm tích cực, bằng sự định hướng để có thái độ đúng đắn với sự thất bại, với con đường học tập ở phía trước.
Những năm tháng học phổ thông của tôi cũng có nhiều lúc kết quả không như mong đợi nhưng ba mẹ, thầy cô giáo của tôi không bao giờ mắng mỏ. Sau những lần ấy, ba mẹ tôi thường nói rằng: "nỗ lực tiếp thôi".
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội:
Không có điểm dừng trong học tập
Tôi cho rằng hiện nay có nhiều hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS cho HS lựa chọn. Một là, HS tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để vào các trường công lập. Hai là, nộp hồ sơ vào các trường dân lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề. Ba là lựa chọn học nghề tại các trường trung cấp và các trường CĐ.
Hướng đi nào cũng cần dựa trên phù hợp với năng lực, sở trường của các em, điều kiện hoàn cảnh gia đình. Không có điểm dừng trong học tập nên đừng bao giờ nghĩ rằng trượt lớp 10 công lập là dấu chấm hết hay đại học là con đường thành công duy nhất… Dù học cấp, bậc nào, tất cả các em đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao học thật giỏi trong lĩnh vực của mình để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công trong xu thế hội nhập hiện nay.
Hàn Minh(ghi)