Theo TS Nguyễn Viết Chức, việc bổ nhiệm cán bộ hay thi tuyển chức danh hiệu trưởng cần công bằng, thực chất, tránh tình trạng làm cho đúng quy trình.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết Online đã thông tin một số ý kiến giáo viên, hiệu trưởng các trường phổ thông về việc Sở GDĐT Hà Nội vừa thông báo về việc thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng 2 trường học gồm: THPT Bất Bạt và PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong năm 2022.
Đây là lần đầu tiên, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập.
Các ý kiến đều cho rằng, việc đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh hiệu trưởng của Sở GDĐT Hà Nội góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, tạo động lực và nhiệt huyết cho công chức khác tiếp tục cống hiến.
Tuy nhiên, làm sao để việc thi tuyển được thực chất, khách quan, tránh tình trạng hình thức là câu hỏi được đặt ra.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nay là Ủy băn Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Thủ đô Hà Nội phải là địa phương đi đầu cả nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Vì vậy, ông hoan nghênh tinh thần của Hà Nội về việc thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập.
Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, yêu cầu đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục là phải có năng lực thực sự, có tâm huyết.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Viết Chức lưu ý, vấn đề không phải là thi tuyển mà mấu chốt là lựa chọn cán bộ quản lý thế nào. Thi tuyển ở đây không phải giống như thi tốt nghiệp hay thi đại học mà thực chất là tăng cường tính dân chủ trong việc bổ nhiệm.
Hơn nữa, việc bổ nhiệm lãnh đạo, cán bộ quản lý phải đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, nếu như trước đây, đa phần, ai cũng có tâm lý muốn làm quan, muốn làm quản lý nhưng hiện nay không phải như vậy. Nhiều người có năng lực thật nhưng lại không thích tham gia quản lý, không thích làm lãnh đạo. Nói như vậy không phải họ không tiến bộ nhưng có thể họ không có cơ hội, điều kiện hay không đúng thời điểm để làm việc này.
Vì vậy, TS Chức cho rằng, cần có những cuộc thi tuyển công bằng, phù hợp với nguyện vọng thì công tác bổ nhiệm cán bộ sẽ đạt hiệu quả hơn.
Việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý các cấp không phải là mới. Trước đó, nhiều cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, các địa phương cũng đã thực hiện việc làm này. Qua công tác thi tuyển đã tạo được môi trường cạnh tranh, mở rộng phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển; thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham gia đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.
Bên cạnh tín hiệu tích cực, vẫn có nơi làm chưa hiệu quả. Nguyên nhân theo TS Chức là do địa phương, đơn vị đó làm chưa đến nơi đến chốn, gây phản tác dụng của việc thi tuyển.
TS Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã đặt ra thi tuyển thì phải thực chất chứ đừng đặt ra quy định kiểu hình thức, sắp xếp “quân xanh, quân đỏ”, làm cách này, cách khác để che mắt hay lẩn khuất một quy trình nào đó thì sẽ không ổn. Điều này dẫn tới biểu hiện bức xúc trong dư luận, nhiều người chán nản không muốn làm việc, cống hiến.
Nghĩa là chống sự giả dối, đặc biệt trong giáo dục. Công tác cán bộ là công tác có tính quyết định. Vậy phải làm sao cho thật trung thực, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm là vấn đề cần phải được lưu ý”.