Trong khi cơ quan quản lý giáo dục cho rằng việc không cố định môn thi thứ 3 vào lớp 10 được xem là cách để học sinh không học lệch, học tủ nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng cách làm này không cần thiết, bắt học sinh phải giỏi toàn diện là phi thực tế.
Học sinh phải giỏi toàn diện?
Những ngày qua, quy định về môn thi thứ 3 vào lớp 10 theo dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GDĐT khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Bộ GDĐT cho biết, việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Quy định này được xem là cách để hướng học sinh không học lệch, học tủ.
Tuy nhiên, về phía học sinh, phụ huynh cho rằng, việc không cố định môn thi thứ 3 vào lớp 10 khiến các trường và học sinh bị động, tăng áp lực học tập ở nhiều môn.
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh sẽ phải học giỏi tất cả các môn, như vậy là phi thực tế. Trên một số diễn đàn mạng xã hội về giáo dục, hàng nghìn phụ huynh tham gia đóng góp ý kiến về quy định tại dự thảo và bày tỏ quan điểm về học lệch.
Trong đó, nhiều phụ huynh cũng đưa ra giải pháp chống học lệch không chỉ dựa vào 3 môn thi.
Một phụ huynh có tên Hương Phạm cho hay: “Để các con thi 3 môn đạt kết quả tốt, rất nhiều trường bỏ qua các môn còn lại không dạy. Học lệch cũng từ đây. Bộ GDĐT nên đưa ra giải pháp để tránh học lệch, dạy lệch chứ không nên lấy môn thi vào lớp 10 để điều chỉnh việc học của các con”.
Còn theo phụ huynh Hòa An: “Con tôi cứ môn học nào thầy cô dạy hay, cuốn hút là con thích học và nhớ lâu, dù môn học đó không phải là môn thi. Vậy vấn đề cần giải quyết làm nâng cao chất lượng dạy học”.
Kiến thức nào cũng biết sẽ là lợi thế
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, nếu thi 3 môn cố định như trước đây, có trường quản lý tốt thì học sinh sẽ không học lệch nhưng phần lớn tâm lý các em đều dẫn tới việc "thi thế nào thì học như thế". Hệ lụy là sẽ có trường, thậm chí nhiều trường, từ đầu năm học sẽ chỉ dạy và học trọng tâm 3 môn thi, tuy nhiên những môn khác rất cần kiến thức nên cần quản lý nghiêm việc này.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ đã thực hiện việc kiểm tra, quản lý việc dạy và học và nhận thấy qua thực tiễn kiểm tra có hiện tượng nói trên, vì vậy cần chấn chỉnh cả về quá trình dạy học và điểm số. Phẩm chất và năng lực phải đến từ các môn học chứ không chỉ từ Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, không nên thay đổi môn thứ 3 vào lớp 10 hàng năm. Việc làm này sẽ reo tâm lý không ổn định, chờ đợi, tăng áp lực cho học sinh.
Thay vào đó, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, môn thứ 3 nên cố định là môn tổ hợp kiến thức cơ bản của các môn tự nhiên và xã hội theo hình thức thi trắc nghiệm. Như vậy sẽ bảo đảm học sinh nắm được kiến thức tất cả các môn học. Cách học này sẽ giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cần phải có ở bậc THCS.
Trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến cho rằng, với dự kiến phương án thi vào lớp 10 của Bộ GDĐT, học sinh sẽ phải giỏi toàn diện tất cả các môn.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, lâu nay, cả thầy cô và học sinh vẫn giữ thói quen có thi thì mới dạy và học, bỏ các các môn còn lại. Phương pháp dạy và học này đã lạc hậu. Học sinh không học, giáo viên cũng không có phương pháp để cuốn hút học sinh học môn học đó.
“Tôi cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng học sinh phải học nhiều các môn mà hãy tạo động lực học tập cho các con. Kiến thức nào cũng biết sẽ là lợi thế sau này khi các con trưởng thành và phát triển bản thân”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.