Hôm nay (10/6), hơn 100.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội thi 2 môn Ngữ văn và Ngoại ngữ. Công tác chuẩn bị cho tất cả các khâu của kỳ thi đã được hoàn tất, 100% các điểm thi cam kết bảo đảm mọi điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định, hướng tới một kỳ thi thành công.
Đề phòng gian lận
Theo lịch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, sáng nay (10/6), học sinh sẽ thi môn Ngữ văn trong thời gian làm bài 120 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Chiều cùng ngày, thí sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, hệ số 1. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh chọn một trong các thứ tiếng như: Tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Thí sinh được đăng ký thi tiếng ngoại ngữ khác với tiếng học tại trường THCS.
Trước đó, sáng 9/6, các thí sinh đã đến điểm thi được thông báo để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi. Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận thông tin, trên địa bàn quận có 7 điểm thi với 160 phòng thi. Các điểm thi đặt tại 4 trường THCS gồm: Phan Chu Trinh, Nguyễn Tri Phương, Thăng Long, Thành Công và 3 trường THPT gồm: Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là gần 3.700 em. Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh của quận đã thành lập tổ công tác hỗ trợ tại từng điểm thi nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân chính (Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Phương Lan - Trưởng điểm thi của Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tổng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tại Trường THPT Ngọc Hồi năm nay là 537 thí sinh. Có 23 phòng thi, trong đó 22 phòng thi có 24 thí sinh và 1 phòng thi có 9 thí sinh. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các công tác đã được tiến hành từ ngày 8/6. Trước và trong khi tiến hành buổi thi đầu tiên, lãnh đạo điểm thi cùng với thanh tra và các bộ phận nghiệp vụ đã chuẩn bị, rà soát để làm sao hoàn thành tốt nhất việc chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kỳ thi. Về cơ bản, công tác chuẩn bị đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất và đảm bảo tổ chức thi tại trường” - bà Lan cho biết.
Số cán bộ coi thi cũng như các bộ phận thanh tra, phục vụ tại trường là 80 người và đã có rà soát cẩn thận, chi tiết về việc không có cán bộ nào có con, em ruột, là người bảo hộ của thí sinh tham gia kỳ thi. Tổ trưởng tổ thanh tra Trường THPT Ngọc Hồi Lê Minh Hải cho biết, năm nay Sở GDĐT Hà Nội đã quán triệt về việc ngăn chặn, ngăn ngừa thí sinh sử dụng công nghệ cao nhằm gian lận trong kỳ thi. Tại điểm thi Trường THPT Ngọc Hồi, tất cả các cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát… đều được quán triệt rõ nội dung này. Đồng thời, cung cấp những hình ảnh cụ thể về các thiết bị tinh vi có thể được thí sinh sử dụng và các thầy cô đều đã nắm bắt được. Các đồ dùng của thí sinh được bố trí cách điểm thi tối thiểu 25m.
Bà Nguyễn Phương Lan khẳng định việc tuyên truyền, quán triệt trước tới thí sinh rất quan trọng. Làm sao để ngay từ trong ý tưởng các thí sinh cũng không có sai phạm thì sẽ hạn chế cao nhất nguy cơ xảy ra gian lận. Đồng thời nâng cao cảnh giác, không chủ quan và tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ coi thi có kỹ năng phát hiện gian lận (nếu có).
Hỗ trợ thí sinh ở mức cao nhất
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin: Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 lớn nhất cả nước với hơn 116.000 lượt học sinh đăng ký. Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với gần 5.000 phòng thi tại 30 quận, huyện, thị xã để phục vụ thí sinh dự thi.
Toàn thành phố có khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi. Ngoài ra, còn có 590 cán bộ giám sát tại các điểm thi và hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực thi. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các điểm thi đều tăng cường tối đa các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho thí sinh. Trong thời gian diễn ra kỳ thi (từ ngày 9/6 đến 12/6), Điện lực Hà Nội đã cam kết có phương án đảm bảo cung cấp điện thông suốt. Tất cả các điểm thi đều có máy phát điện dự phòng.
Tại các điểm thi, từ ngày 9/6 đã bố trí lực lượng tình nguyện hỗ trợ thí sinh. Nhiều điểm thi phát nước uống, quạt giấy miễn phí cho thí sinh. Các điểm thi cũng được lưu ý chuẩn bị thuốc men, vật dụng y tế sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi có vấn đề về sức khỏe.
Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp rà soát những điểm dễ xảy ra ngập úng để sẵn sàng giải tỏa, hỗ trợ thí sinh đến điểm thi khi có mưa lớn.
Khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ thí sinh ở mức cao nhất, bà Nguyễn Phương Lan - Trưởng điểm thi của Trường THPT Ngọc Hồi nhấn mạnh: “Trong tập huấn nghiệp vụ, chúng tôi luôn nhắc nhở các giám thị cần tăng cường sự quan sát và hỗ trợ cho thí sinh nếu có vấn đề về sức khỏe,… Ở đây, không chỉ là trách nhiệm của người giám thị mà còn là trách nhiệm của một người thầy, cả người cha, người mẹ, quan tâm đến các thí sinh, nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng quy chế đồng thời sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Chẳng hạn, trước khi kết thúc thời gian làm bài 15 phút, giám thị luôn nhắc thí sinh về việc rà soát lại bài thi, ghi tên, ghi số tờ giấy thi… để đảm bảo không xảy ra sai sót”.
Không tạo thêm áp lực
Dự kiến năm học 2023-2024, sẽ có 69.805 em học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT công lập (55,7%) - tỷ lệ chọi trung bình 1 chọi 1,85. Năm 2022, tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập trung bình 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Như vậy, tỷ lệ chọi vào lớp 10 năm nay dự kiến cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Trường THPT Khương Hạ có tỷ lệ chọi cao nhất TP Hà Nội với 1/3,55, tiếp đến THPT Kim Liên tỷ lệ 1 chọi 2,64, THPT Nguyễn Văn Cừ tỷ lệ 1 chọi 2,51. Năm nay, 2 trường THPT Khương Hạ và THPT Trung Văn bất ngờ có tỷ lệ chọi cao, lọt vào top 10.
Đây là một kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt, thậm chí được ví là áp lực hơn cả kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, nhất là khi Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn nhất cả nước. Theo các chuyên gia, áp lực của các thí sinh một phần do đăng ký nguyện vọng và mong muốn của thí sinh và gia đình. Ai cũng mong muốn thi đỗ vào trường tốt, nằm trong top và là trường công lập để giảm chi phí học tập. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần căn cứ vào năng lực, sở thích của con để hướng nghiệp cho con càng sớm càng tốt. Bởi sự chuẩn bị càng lâu thì thành công trong tương lai của con càng rạng rỡ.
“Có rất nhiều phương án như không đỗ nguyện vọng 1, các em có thể đỗ nguyện vọng 2, 3, phụ thuộc vào việc đăng ký, sắp xếp nguyện vọng hợp lý. Ngoài ra thí sinh cũng có thể trực tiếp đăng ký tại các trường ngoài công lập, hay hệ thống giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp… Các em đồng thời vừa tốt nghiệp cấp 3 vừa có bằng nghề, cha mẹ có thể cân nhắc, đồng hành cùng con” - bà Nguyễn Phương Lan chia sẻ.
Sáng 11/6, thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập sẽ thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Ngày 12/6 thi các môn chuyên.
Sở GDĐT Hà Nội chỉ xét tuyển đối với những thí sinh đáp ứng đủ 3 yêu cầu: Làm đủ số bài thi quy định (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0.
Các vật dụng được mang vào phòng thi
Theo quy chế thi, những vật dụng được mang vào phòng thi bao gồm: Giấy báo dự thi, căn cước công dân, đồ dùng học tập là bút, bút chì để tô trắc nghiệm, thước, compa, tẩy, máy tính không có thẻ nhớ và chức năng soạn thảo văn bản, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.