Thi vào lớp 10 THPT chuyên: Áp lực lớn, cạnh tranh cao

Minh Quang 29/05/2019 08:00

Trong vòng 4 ngày (từ 26-29/5), nhiều học sinh lớp 9 THCS ở các địa phương khu vực phía Bắc liên tiếp dự thi vào lớp 10 THPT chuyên tại các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐHQG Hà Nội) và trường THPT chuyên (ĐH Sư phạm Hà Nội).

Với các sĩ tử thi chuyên tại Hà Nội, các em phải trải qua một kỳ thi kéo dài từ ngày 26/5 đến hết ngày 4/6 cho cả nguyện vọng vào trường THPT công lập và THPT chuyên.

Thi vào lớp 10 THPT chuyên: Áp lực lớn, cạnh tranh cao

Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội.

Tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng

Tại Hà Nội, những trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH luôn có tỉ chọi cao hơn hẳn, một phần do có nhiều thí sinh ở các địa phương khác cũng đăng kí dự thi vào những trường này. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh và thí sinh đều có chung chia sẻ, mong muốn lớn nhất là các em được học ở hệ chuyên THPT của các trường ĐH lớn. Nếu không đỗ, đây cũng là một cơ hội để các em được cọ xát, được làm quen với các dạng bài thi, để từ đó có kinh nghiệm tốt hơn trong việc học thi sau này.

Cho dù việc thi vào các trường chuyên THPT tại Hà Nội những ngày qua được đánh giá là căng thẳng còn hơn thi ĐH, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến giao thông của Thủ đô, và ảnh hưởng đến sinh hoạt của không ít gia đình từ các địa phương về Hà Nội, nhưng nhìn quyết tâm của các sĩ tử, nhiều ý kiến cho rằng, tỉ chọi cao sẽ giúp cho các trường tìm ra được những nhân tài thực sự.

Trong buổi sáng ngày 28/5, hơn 5.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đến điểm thi để làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế. Đây cũng là trường ĐH có lịch thi vào lớp 10 THPT chuyên sau cùng. Sau buổi làm thủ tục, thí sinh đã thi môn đầu tiên là Toán không chuyên vào chiều 28/5. Ngày 29/5, các em làm bài thi Ngữ văn không chuyên buổi sáng và các môn chuyên vào buổi chiều. Thời gian làm bài của mỗi môn thi là 150 phút, riêng môn Hoá học và Tiếng Anh là 120 phút. Thời gian làm bài môn Toán, Ngữ văn, chuyên Hóa học và chuyên Tiếng Anh là 120 phút; các môn chuyên còn lại 150 phút. Nếu dự thi đủ ba bài, không vi phạm quy chế và có điểm các bài thi đều lớn hơn 2, các em sẽ được đưa vào danh sách xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm Toán, Ngữ văn (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2).

Năm 2018 - 2019, tại trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội lớp chuyên Ngữ văn lấy điểm chuẩn cao nhất: 28 điểm. Lớp chuyên Tin học có điểm đầu vào thấp nhất: 24,25 điểm. Ông Nguyễn Đức Hoàng- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm nay, tỉ lệ chọi vào trường là 1/9,6. Nếu tính riêng hệ chuyên, tỉ lệ này lên tới 1/14,5, tức là một thí sinh phải cạnh tranh với 14 em. Trường còn dành không quá 10% chỉ tiêu vào các lớp chuyên để tuyển thẳng học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập ở bậc THCS. Điều này khiến tỉ lệ chọi thực tế cao hơn.

Áp lực lớn

Ngoài áp lực về tỉ lệ chọi, áp lực về sức khỏe của học sinh cũng là điều đáng quan tâm trong những ngày diễn ra thi. Có những em dự thi gần như đầy đủ vào tất cả các trường chuyên nói trên. Do đề thi vào lớp 10 trường chuyên bao giờ cũng khó hơn so với vào các trường công lập, nên để đạt được kết quả cao nhất, nhiều học sinh phải chăm chỉ học tập, miệt mài ôn luyện ngày đêm. Điều này cũng khiến nhiều gia đình lo lắng, hao tổn tâm sức cùng con.

Theo đánh giá của các giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai.com, đề thi vào lớp 10 chuyên THPT 2019 của các trường ĐH có độ phân hóa rõ nét, phù hợp với việc thi tuyển học sinh giỏi, chất lượng cao.

Đơn cử như đề thi môn Vật lý vào lớp 10 THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có nội dung trải rộng từ chương trình lớp 8 đến chương trình lớp 9. Đề được đánh giá là dài và khó, kiểm tra toàn diện kiến thức vật lý thực nghiệm và kỹ năng thực hành vật lý của học sinh nhưng cũng nặng về tính toán.

Vì đề thi rất dài, học sinh khó có thể làm xong bài thi trong vòng 150 phút, với phạm vi kiến thức trải rộng trong chương trình vật lý từ lớp 8 đến lớp 9. Cùng với đó, các câu hỏi có độ khó cao, khối lượng tính toán lớn và phức tạp, đòi hỏi học sinh phải có khả năng xử lý số liệu và kiến thức Toán học tốt để áp dụng; ở các dạng toán: giải hệ phương trình, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, quang hình học, phần hàm số.

Đối với những em có học lực giỏi, đỗ vào một trường chuyên ở Hà Nội là niềm vui rất lớn. Tuy nhiên, kéo theo đó là áp lực học hành, ôn luyện và cả những lo lắng... Vì lẽ đó, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn, cần ráo riết thực hiện phân luồng từ bậc THCS. Theo đó, những học sinh nào thực sự có học lực tốt, có đam mê thì lựa chọn học lên THPT, rồi học tập theo hướng nghiên cứu; những học sinh có lực trung bình, học xong lớp 9 THCS có thể đi học nghề. Hiện nay, một phần do công tác hướng nghiệp phân luồng chưa hiệu quả, nên hầu hết học sinh THCS đều có hướng học lên THPT sau đó thi vào ĐH. Trong khi đó, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều, tạo áp lực cho xã hội.

Hà Nội: 87 trường tuyển sinh lớp 10 bằng xét học bạ

Sở GDĐT Hà Nội cho hay, năm học 2019- 2020 trong số 105 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố, có 87 trường tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét học bạ, chiếm 83%.

Nếu chỉ có nguyện vọng học lớp 10 tại các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập có tên trong danh sách 87 trường trên, học sinh không cần phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào ngày 2 và 3/6. Các trường này tuyển sinh bằng cách xét học bạ của học sinh ở cấp THCS.

Với 18 trường còn lại, có 15 trường sẽ tuyển sinh lớp 10 bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của học sinh; 3 trường THPT sẽ áp dụng cả phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và xét học bạ để tuyển sinh lớp 10 là: Trường Khoa học Giáo dục, Nguyễn Siêu, FPT.

Dung Hòa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 THPT chuyên: Áp lực lớn, cạnh tranh cao