Thị xã vùng biên

Đơn Thương 19/02/2017 09:05

Giờ đã lên thành phố, nhưng cái tên “thị xã trong tầm pháo” mà cánh lính biên giới dạo nào đã dùng để gọi Hà Giang vẫn ám ảnh nhiều người. Hơn 30 năm có lẻ đi qua, hoa gạo đường biên rụng đỏ ối, người ta lại nhớ về những khoảnh khắc một thời khói lửa nơi đây.

Những người lính trẻ tham gia mặt trận Vị Xuyên năm 1984.

So với các tỉnh biên giới cận kề như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (chiến tranh xảy ra năm 1979) thì chiến trận đến với Hà Giang chậm hơn 5 năm, ấy là năm 1984. Ngày ấy và đến bây giờ vì Hà Giang và Tuyên Quang chưa tách tỉnh nên nói về cuộc chiến này người ta thường dùng tên “chiến trận Hà Tuyên” để gọi. Hai tỉnh giờ đã chia tách nên thiệt hại và những điều cần khắc ghi về cuộc chiến này ngày nay chủ yếu tập trung về cho tỉnh Hà Giang.

Thông tin ngày ấy hạn chế, người dân ở đây, từ già đến trẻ biết có chiến tranh bằng các cuộc triệu họp gấp đối với cán bộ công nhân và những người chủ chốt. Đang ăn cơm tối, có người đến báo, bố tôi bỏ bát đũa mà đi, 2 tiếng sau bố về, đeo thêm khẩu súng và nói vội với mẹ: Anh phải lên cơ quan còn em đưa các con theo dân mà di tản.

Bố đi, để lại mẹ con tôi cùng với láng giềng trong cảnh rối bời. Chả thu vén được gì, chỉ áo quần, không lương thực và thực phẩm, các hộ dân trong xóm chúng tôi đồng loạt nhằm khu vực núi đá suối Đồng mà chạy. Cây cầu treo Trung Thành võng xuống, đưa nhịp người già con trẻ qua sông đi náu pháo. Rồi nhanh như chớp, tiếng pháo nã sang. Lần đầu tiên chúng tôi và người dân nghe tiếng pháo rít, kinh hoàng, như chẻ trời.

Khu nhà tôi, nơi có nghĩa trang Vị Xuyên, với gần 2.000 ngôi mộ, trong đấy có vài trăm mộ chưa rõ danh tính chỉ cách biên giới, nơi “chảo lửa” với các địa danh khắc khoải chỉ hơn 30km đường bộ còn tính theo đường chim bay chỉ khoảng hơn 2km mà thôi. Cũng may cho thị xã Hà Giang cùng người dân quê tôi, nhờ sự bao bọc của các dãy núi mà được an toàn.

Lúc ấy đóng trụ tại Hà Giang chỉ có 3 sư đoàn. Nhưng lúc cuộc chiến vào kì căng thẳng, các sư đoàn của các quân đoàn khác được tăng cường lên, doanh trại không đủ, thế là lính vào ở cùng dân. Chả cần đặt vấn đề nhiều, dân biên giới trong đó có dân quê tôi mở cửa đồng loạt để đón các anh. Bộ đội kê phản, ở trong nhà, ngoài hiên, thậm chí cả ngoài vườn. Dân góp rau, củi, bộ đội góp gạo, cá khô, thịt hộp… rồi cùng nhau chụm lửa. Ngày 3 bữa, lính sống với dân, dân ăn cơm cùng lính, êm đềm và tình cảm lắm.

Đài tưởng niệm liệt sĩ tại ngã 3 Thanh Thủy, nơi yết hầu trọng điểm cuộc chiến một thời.

Ngày ấy đất nước nghèo, dân Vị Xuyên và dân Hà Giang cũng đói, thế mà dân thương bộ đội lắm. Lúc này, thuốc Tam Đảo hay Sa Pa là thuốc chính bán trên thị trường và khá đắt. Ấy thế mà chả hiểu sao, mẹ tôi cũng như nhiều phụ nữ khác trong xóm, vẫn tiết kiệm tiền, dành dụm và mỗi ngày đưa cho anh em tôi vài nghìn để mua thuốc cho bộ đội. Tôi không quên được hình ảnh tụi nhỏ xóm công nhân chúng tôi nhận tiền từ mẹ, ra quán mua thuốc rồi tụ tập bên Quốc lộ số 2 dẫn lên biên giới chờ xe bộ đội đi qua rồi chuyển cho họ.

Ngày ấy, các đỉnh cao như 1509, Bình độ 300, Đồi Đài, Đồi Cô Ích… về phía ta địa thế hết sức bất lợi. Bên kia thì núi tà thấp nhưng bên ta sườn lại hết sức hiểm hóc.

Để cố thủ được, ngày ấy các núi đá ở khu vực dưới như Bình Vàng, núi đá 18… đều được công binh nổ mìn lấy đá, xay nhỏ và trộn bê tông đúc kèo cột. Cứ tối đến, tận dụng những lúc ngừng tiếng pháo địch bắn sang là công binh và dân quân hỏa tuyến lại trần lưng vác lên, lắp hầm cho lính trụ lại. Thông thường lính lên nằm chốt, cứ 6 tháng được thay quân về dưới khám chữa bệnh hay dưỡng sức 1 lần. Sát cuộc chiến, đối diện với pháo hay hỏa tiễn, nhưng mỗi lần thay quân là lính lại khóc thương nhau. Người về thì thương người lên còn người lên thì thương người về.

Chiến tranh không ai muốn, nhưng khi đất nước có chiến sự thì ai cũng muốn cầm súng bảo vệ quê hương. Điều này không chỉ đúng với cánh lính mà còn đúng với người dân quê tôi. Sức lính có hạn, cần dân công hỏa tuyến, thanh niên đến độ tuổi ở quê tôi không nề hà, không đợi được gọi, thậm chí nhiều người còn xung phong để lên đường.

Vì tấc đất thiêng liêng tiền tiêu, biết bao người đã anh dũng hy sinh. Ngôi trường tôi học, chếch lên phía trái theo hướng đường biên là một quả đồi xanh cây. Để có chỗ yên nghỉ cho những người lính hy sinh vì nước, đồi ấy được khoanh vùng và trở thành nơi an táng, nay thành Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Huyệt nối huyệt, đỏ nhức mắt. Nhiều cánh lái xe thuộc C25 vận tải lớn nhất của Sư 356 ngày ấy bảo, cứ mỗi đợt chở quân lên, chạy qua nghĩa trang, nhìn thấy đồng đội mình nằm đấy là lòng lại nhức nhối.

Chiến tranh qua đi, vùng phên dậu bình yên, nhớ và lưu luyến, nhiều cánh lính đã tình nguyện ở lại miền đất này, lấy vợ sinh cơ lập nghiệp. Nhiều người trong số họ đã thành đạt, người trở thành doanh nhân, người thành điền chủ điền trại. “Súng gươm vứt bỏ”, họ lại lành, lại hiền và đang ngày đêm chung sức gây dựng và hàn gắn vết thương nơi đây.

33 năm, thế hệ thứ 3 của cuộc chiến đang trưởng thành trên miền đất phên dậu.

Hà Giang - thị xã trong tầm pháo nay đã lên thành phố đúng tầm nằm dưới chân núi Cấm và Mỏ Neo cùng dòng sông Lô thơ mộng. 33 năm trở lại, người ta hầu như khó hình dung được rằng: Đã có thời chiến tranh đến và tàn phá nơi đây. Hiện hữu lại của cuộc chiến, vẫn là Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nơi nằm đó của 2.000 con người khao khát hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị xã vùng biên