Covid-19 đã để lại nhiều hệ lụy. Không ít những giải đấu thể thao lớn trên thế giới cũng như ở Việt Nam buộc phải dừng hoặc lùi thời gian tổ chức. Nhưng vaccine đã dần đưa thể thao trở lại.
Thiệt hại nặng nề
Mức độ lây lan của dịch bệnh khiến cho các giải đấu lớn không thể diễn ra, hoặc diễn ra nhỏ lẻ, không có hoặc hạn chế khán giả. Vô số giải đấu thể thao bị hoãn, thậm chí bị hủy bỏ vì Covid-19, làng thể thao thế giới đã phải gồng mình vượt qua với nhiều tổn thất không hề nhỏ. Rất nhiều VĐV phải tập luyện tại nhà, hoặc phải thi đấu trong điều kiện không có khán giả xem trực tiếp, các sân vận động, nhà thi đấu ở nhiều nơi trở thành “vườn không nhà trống”. Covid-19 đã làm đảo lộn lịch thi đấu thể thao, các giải đấu chuyên nghiệp ở khắp mọi nơi phải tạm dừng hoạt động để hạn chế sự lây lan của virus. EURO 2020, Copa America và Olympic Tokyo 2020 là những sự kiện lớn nhất của thể thao thế giới cũng đã bị đẩy lùi thời gian tổ chức lại một năm. Hàng loạt những giải đấu lớn, thu hút số đông người hâm mộ như đua xe công thức 1, quần vợt… cũng bị hoãn hủy hoặc diễn ra mà không có sự theo dõi, cổ vũ của khán giả. Bóng đá, môn thể thao thu hút số lượng lớn cổ động viên cũng bị tác động nặng nề khi hàng loạt giải đấu phải kết thúc sớm như Pháp, Hà Lan hay những giải đấu cố gắng duy trì nhưng thi đấu không khán giả để tìm ra nhà vô địch như Ngoại hạng Anh, Đức, Tây Ban Nha… trong năm 2020.
Tác động từ Covid-19 khiến kinh doanh thể thao, nhất là bóng đá, mảnh đất vốn rất màu mỡ trở nên khô hạn. Theo hãng kiểm toán danh tiếng Deloitte, doanh thu của bóng đá châu Âu sụt giảm tới 11% so với mùa bóng trước đó, tương đương 3,7 tỷ Euro. Đây mới là lần đầu bóng đá lục địa già sụt giảm về thu nhập kể từ mùa 2008-2009. Những giải đấu càng danh tiếng, càng giàu có thì càng sụt giảm nhiều về doanh thu. Theo đó, Premier League chịu thiệt hại rất nặng nề. Cụ thể, sân chơi béo bở nhất nước Anh đánh mất tới 13% nguồn thu ở mùa 2019-2020, cao hơn so với mặt bằng chung. Theo số liệu tài chính từ hãng Ramble (Thụy Sĩ) tiết lộ các CLB Ngoại hạng Anh thâm hụt khoản tiền rất lớn ở mùa giải 2019-2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, 20 đội bóng đang chơi ở hạng đấu cao nhất nước Anh thiệt hại tổng cộng 618 triệu Bảng, tương ứng 19.330 tỷ đồng. Manchester United là đội lỗ nặng nhất với con số 118 triệu Bảng (khoảng 3.690 tỷ đồng). Tottenham đứng thứ hai với khoản thâm hụt 69 triệu Bảng, tương đương 2.158 tỷ đồng. Manchester City, Arsenal, Liverpool và Chelsea là những đội xếp sau về khoản tiền thâm hụt do đại dịch.
Nếu sân vận động không thể lấp đầy khán giả, bóng đá sẽ không còn hấp dẫn đối với các công ty. Những khó khăn tài chính cũng buộc họ phải điều chỉnh ngân sách tiếp thị cho phù hợp. Tiến trình tác động tiêu cực của Covid-19 sẽ kéo dài cho tới năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, phần tồi tệ nhất sẽ kết thúc vào cuối năm 2022.
Thể thao Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính việc ảnh hưởng của Covid-19 khiến công tác chuẩn bị của các VĐV thể thao Việt Nam trước khi tham dự Olympic Tokyo gặp nhiều khó khăn. Các VĐV không được thi đấu, không được tập huấn nước ngoài… là một phần nguyên nhân khiến Đoàn thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic. Sau khi thể thao Việt Nam kết thúc Olympic Tokyo và không hoàn thành mục tiêu có huy chương, nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Trong đó, vấn đề nổi bật nhất mà Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh là do ảnh hưởng dịch Covid-19, điều đó khiến các vận động viên được kỳ vọng đã đánh rơi phong độ. Đặc biệt, khi các vận động viên phải tập chay, cách ly dài ngày và chấn thương đã khiến thành tích ở Olympic không tốt.
Các giải bóng đá trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như trong năm 2020, cho dù V-League phải tạm dừng 2 lần nhưng cuối cùng cũng đã kết thúc và là điểm sáng trên thế giới lúc bấy giờ khi nhiều sân vận động chật kín khán giả. Nhưng bước sang mùa giải năm nay, cũng sau 2 lần tạm hoãn nhưng trước diễn biến dịch bệnh bùng phát trên nhiều địa phương đã khiến lần đầu V-League buộc phải hủy giải khi đã thi đấu gần hết lượt đi. V-League buộc phải hủy sẽ khiến những nhà tổ chức, các CLB đau đầu với bài toán đàm phán với nhà tài trợ để giảm thiểu thiệt hại cũng như tìm những nguồn tài trợ mới. Trong khi đó, hàng nghìn cầu thủ đứng trước nguy cơ mất “cần câu cơm” trong ít nhất 6 tháng, bao gồm tiền thưởng, lót tay và mức lương có thể giảm sâu hơn. Nhiều cầu thủ có nguy cơ thất nghiệp khi bị thanh lý, bởi CLB có thể cắt hợp đồng để rũ bỏ gánh nặng tài chính, tránh phải “nuôi quân” 6 tháng mà không thu lại giá trị. Hiện một số đội đã chia tay ngoại binh nhằm tiết kiệm chi phí như HAGL, SLNA, Nam Định, CLB TPHCM…
Thích nghi và trở lại
Covid-19 đã khiến thể thao thế giới phải thay đổi về hình ảnh, cách thể hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử, những VĐV khi giành được huy chương tại Olympic sẽ phải tự tay lấy huy chương từ khay và đeo vào cổ. Các hình thức họp, trao thưởng cũng đã quá quen với hình thức trực tuyến. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử FIFA phải tổ chức Đại hội theo hình thức trực tuyến để kịp thời thông qua những quyết sách quan trọng đối với hoạt động của bóng đá thế giới. Kể từ khi bắt đầu, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, con người cũng cho thấy sự thích nghi nhanh chóng để ứng phó với đại dịch và vaccine chính là phương pháp phòng chống hiệu quả nhất lúc này.
Chính nhờ việc tiêm vaccine đại trà ở nhiều nước châu Âu đã giúp khán giả trở lại sân theo dõi VCK EURO 2020 vừa qua. Trận chung kết EURO trên sân Wembley với khoảng 67.000 khán giả được vào sân cổ vũ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho niềm vui sướng của người hâm mộ khi được hòa mình trở lại với các lễ hội thể thao.
Nhiều môn thi đấu khác cũng đã bắt đầu đón người hâm mộ quay lại cổ vũ. Chặng đua xe Công thức 1 ở Anh tại Silverstone vào tháng 7 đã thu hút khoảng 350.000 người tham dự, đông nhất ở Anh trong hơn 18 tháng. Giải quần vợt Wimbledon, với khoảng 300.000 người tham dự trong 2 tuần. Ở Premier League, Bundesliga, Ligue (Pháp)… mùa giải 2021-2022, các trận đấu đã bắt đầu chào đón khán giả trở lại trên các khán đài. Cho dù vẫn còn nhiều sân bóng do còn e ngại vấn đề dịch bệnh nên chỉ cho khán giả vào sân với số lượng nhất định, song vẫn đủ sức để tạo ra một bầu không khí cổ động cuồng nhiệt như chưa bao giờ có dịch Covid-19. Thật khó có thể diễn tả cảm xúc khi được nghe trở lại những âm thanh cổ vũ sôi động sau thời gian dài thi đấu phía sau các cánh cửa đóng kín sau gần 2 năm, cùng âm thanh phát từ loa và nghe rõ tiếng của những cú sút khô khốc, các cầu thủ lại được sống trong không khí quen thuộc. Người hâm mộ trở lại biến trận đấu thành những bữa tiệc bóng đá hấp dẫn. Sự cổ động cuồng nhiệt của hàng vạn khán giả trên các khán đài đã trên khán đài tạo ra đã mang đến liều thuốc tinh thần lớn cho các cầu thủ dưới sân.
Chìa khóa của thành công là vaccine. Bóng đá châu Âu từng trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nay trở lại đầy hào hứng. Hy vọng trong tương lai gần với việc được tiếp cận đại trà với vaccine cũng sẽ giúp thể thao Việt Nam làm được điều tương tự để phục vụ người hâm mộ.