“Thằng Thiện nó chưa lập gia đình nên 4 mùa Tết gần đây nó đều xung phong trực Tết để những người có gia đình được về nhà với vợ con. Cuối tháng 9 vừa rồi, Thiện nó gọi nói năm nay sẽ có người khác trực, nó sẽ được về ăn Tết với chúng tôi, vậy mà sao con nói con không giữ lời con ơi”, bà Trần Thị Tươi khóc nghẹn.
6 tháng ròng chưa nhìn mặt con
Thanh Hoá những ngày cuối tháng 10, từng cơn gió xen lẫn làn mưa phùn khẽ rít qua từng con đường, ngõ phố báo hiệu tiết trời đang chuyển lạnh.
Tại xóm nhỏ ở thôn Thạch Đài, xã Định Tăng, huyện Yên Định, có một ngôi nhà không cảm thấy lạnh bởi gió, mưa mà cảm thấy lạnh ở trong lòng khi đứa con trai cả, niềm tự hào của gia đình bị hàng ngàn m3 đất đá đè lên do sạt lở núi rạng sáng 18/10.
Đó là gia đình Thượng úy Lê Đức Thiện (40 tuổi). Anh Thiện là một trong 22 người thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (đóng tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) gặp nạn.
Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà cấp 4, nơi người thân, xóm giềng, chính quyền địa phương đang có mặt để động viên gia đình sớm vượt qua nỗi đau, chờ ngày đón anh về đất mẹ.
Nép mình trong một góc nhà, bà Trần Thị Tươi, 64 tuổi, mẹ thượng úy Thiện bồi hồi nhớ lại giây phút khi nhận được tin dữ: “Trưa 18/10, xã đội cùng ông chủ tịch đến thăm, hỏi han gia đình nhưng tôi thấy có sự bất thường nên cố gặng hỏi. Phải hỏi mãi thì họ mới trả lời rằng thằng Thiện có thể là một trong 22 người mất tích khi bị lở núi ở Quảng Trị. Sau khi nghe tin, đầu óc tôi choáng váng, không thể nhớ thêm được gì nữa”.
Bị điếc lại mang bệnh trong người, bởi vậy sau khi nghe tin dữ, bà Tươi phải nén đau thương, cố viết ra giấy những thông tin vừa được báo lại để ông Lê Xuân Năm (65 tuổi), bố của Thượng úy Thiện được biết. Sau khi thấy những dòng chữ trên giấy, ông Năm chết lặng, chiếc chén cầm trên tay cũng bất thần rơi xuống đất.
Theo ông Lê Xuân Côi (60 tuổi) bác của Thượng úy Thiện chia sẻ thì anh Thiện là đứa cháu ngoan, chịu khó nhất nhà.
“Để có tiền nuôi các em ăn học, Thiện nó không đi đại học mà lên đường nhập ngũ vào năm 1998 với ước mơ trở thành bộ đội chuyên nghiệp. Sau 2 năm cố gắng, nó đạt được mong muốn. Có tiền lương từ bộ đội, nó dành hết để nuôi 3 đứa em trai, lần lượt từng đứa đều được học đại học, số còn dư thì nó gửi về cho gia đình, nhờ vậy mà ông bà ở quê xây tạm được ngôi nhà cấp 4”, ông Côi nhớ lại.
Sau khi trực Tết nguyên đán 2020, Thượng úy Thiện được đơn vị cho về thăm nhà. Và bi đát thay, đó cũng là lần cuối cùng ông Năm, bà Tươi được nhìn thấy đứa con trai bằng da, bằng thịt của mình.
“Lần gần nhất nó gọi nó bảo là tháng 9 âm này sẽ về, Tết này sẽ ăn Tết ở nhà, rồi sẽ tìm cho mẹ một nàng dâu. Tủ áo, khung giường, kệ ti vi, nhà cửa chuẩn bị cho nó cưới vợ tươm tất cả rồi vậy mà cuối cùng nó chỉ hứa rồi nằm lại ở nơi lạnh lẽo đó. Giờ nó đi rồi thì ông bà già biết bám víu vào đâu hả giời…”, nói đến đây, bà Tươi bật khóc.
Theo chia sẻ từ phía người thân gia đình, dù còn 3 người con trai phía sau thượng úy Thiện nhưng cả 3 đều đã lập gia đình, 2 anh chọn theo con đường giáo viên, 1 anh làm việc tự do, tuy cuộc sống không dư dả nhưng cũng đang dần ổn định.
Ban đầu dự tính là khi anh Thiện lập gia đình sẽ ở cùng bố mẹ, nhưng nay anh gặp nạn nên đang phải bàn tính lại, vì trong 3 anh chưa có người nào đề xuất muốn quay về để sống cùng bố mẹ cả.
“Con chào bố”
Rời ngôi nhà của thượng úy Lê Đức Thiện, chúng tôi tìm về thôn 1, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nơi Thượng tá Lê Văn Quế (49 tuổi) sinh ra và lớn lên. Thượng tá Quế là một trong 22 cán bộ, chiến sỹ gặp nạn trong vụ sạt lở núi rạng sáng 18/10.
Từ khi nhận được tin dữ, ông Lê Văn Thế, 75 tuổi, bố Thượng tá Quế đã ngã gục và ốm nặng. Căn bệnh cao huyết áp và nhiều triệu chứng tuổi già vốn đã làm sức khỏe của ông suy kém, nay tin dữ báo về từ đơn vị của con trai càng khiến ông suy sụp.
Thấy chúng tôi tới thăm, dù đang nằm bẹp nơi góc giường nhưng ông Thế vẫn cố gắng ra hiệu cho con trai út tới đỡ mình dậy để đáp chuyện. Với ông Thế, khoảnh khắc lúc 7h15’ tối 17/10 (trước khoảng 8 tiếng khi anh Quế gặp nạn) là thời khắc không thể nào quên.
Giọng nghèn nghẹn, ông nói: “Khoảng 7h12’, tôi có gọi hỏi thăm thằng Quế coi gia đình 3 mẹ con ở Quảng Trị nước ngập lên như thế nào rồi thì nó trả lời rằng hai đứa con không ở nhà, chỉ còn mẹ nó thôi. Nó thì đang ở đơn vị cố gắng về nhưng đường xá thì bị sạt lở nên rất khó đi. Vả lại chỗ nó đang giúp dân sơ tán nên nó ở lại. Khi nó chuẩn bị cúp máy thì nó dặn dò tôi và thằng út ở nhà cẩn thận gió bão xong nói “con chào bố” rồi cúp máy.
Đến khoảng 5h sáng hôm sau, nhận được tin dữ báo về, tôi không tin, trong đầu thì vẫn nhớ như in câu chào của nó. Tưởng là nó chào như mọi khi gọi điện chứ ai ngờ đâu đó là câu chào cuối cùng của con, con ơi…”.
Cô Hoàng Thị Hồng, dì ruột Thượng tá Quế cho biết: Quế là con trai đầu trong gia đình có 5 anh em, là một người anh mẫu mực và hiền lành. Khi Quế theo con đường binh nghiệp và con trai anh cũng nối tiếp điều đó, gia đình rất dỗi tự hào.
Theo chia sẻ từ anh Lê Chí Thành, em ruột Thượng tá Quế thì trong tháng 7 âm vừa rồi là giỗ mẹ, nhưng vì đang làm nhiệm vụ nên anh Quế không thể về làm giỗ và thắp nhang. Trong năm thì anh Quế cũng có rất ít thời gian về thăm bố, khi nào nhớ thì anh chỉ có thể gọi qua điện thoại để hỏi thăm.
“Anh Quế dự định sau khi về hưu sẽ cất lại căn nhà nhỏ ở gần bố để tiện chăm sóc, vậy mà nay anh gặp nạn, dự định đó cũng không thành”, anh Thành nghẹn ngào.
Sau khi biết tin Thượng tá Quế gặp nạn, trong nhiều ngày nay, bà con hàng xóm cùng chính quyền địa phương đã thường xuyên đến động viên, chia sẻ cùng các thành viên trong gia đình.