Lũ rút, mặt đường quốc lộ 49B (đoạn qua địa phận xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị lật lên từng tảng nhựa bê tông trông rất đáng sợ. Dư luận thắc mắc, vì sao tuyến đường quốc lộ lại dễ hư hỏng vậy chỉ vì bị ngập nước?
Những ngày qua, cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu bằng cả tấm lòng cảm thông, chia sẻ sâu sắc với những đau thương, mất mát và đồng bào nơi đây phải gánh chịu bởi cơn lũ lịch sử. Thiệt hại về người và tài sản nơi “rốn lũ” của cả nước này là không thể cân đo đong đếm hết được. Đáng tiếc, những thiệt hại ấy lại không hoàn toàn do thiên tai mà còn có cả hệ lụy do nhân tai.
Những ngôi nhà, làng mạc ở nhiều xã, huyện bị ngập sâu trong nước, thậm chí có không ít nơi bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, hàng vạn người dân miền Trung khốn khổ là nỗi đau do thiên tai mang lại. Vẫn biết thiên tai có sức tàn phá ghê gớm mà sức người khó có thể chống đỡ, nhưng nếu không có sự “cộng hưởng” của nhân tai thì có lẽ thiệt hại về người và tài sản không lớn đến vậy.
Xuân thu nhị kỳ, hàng năm cứ đến thời gian này miền Trung luôn phải hứng chịu những cơn bão lũ triền miên mang theo sức tàn phá khủng khiếp. Điều đó mặc định là đã biết trước, lẽ ra các cơ quan chức năng phải lường được và có những biện pháp ứng phó từ sớm để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Song, năm này qua năm khác, những thiệt hại to lớn vẫn tiếp tục diễn ra không có cách nào ngăn được, thật hết sức đau lòng.
Có thể đơn cử thảm họa, thiệt hại có sự “cộng hưởng” giữa thiên tai và nhân tai, như tình trạng một số tuyến đường huyết mạch bị hỏng nghiêm trọng gây trở ngại cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Một số đồi núi bị sạt lở đất vùi lấp nhiều nhà cửa, hoa màu, làm chết và bị thương nhiều dân thường, thậm chí cả lực lượng cứu hộ cứu nạn. Một một góc độ nào đó có thể hiểu, thiên tai đang “tố” và “phanh phui” lỗi của nhân tai.
Con đường quốc lộ 49B là một ví dụ điển hình của việc nhân tai đã bị thiên tai làm “lộ mặt”. Tất nhiên, ai cũng biết nước có sức mạnh ghê gớm nhất trên đời, nó có sức phá hủy ghê gớm, đến đá cũng phải mòn. Song, điều đó cũng không thể lý giải cho việc cả một đoạn đường quốc lộ bị “trày vảy” đến thảm hại chỉ vì bị nước ngập trong vài ngày. Miền Trung vốn là nơi hứng chịu nhiều lũ lụt, lẽ nào mọi con đường đều hỏng do ngập nước?
Xét về khía cạnh chuyên môn, nhiều ý kiến cho rằng, việc quốc lộ 49B bị “lột” từng mảng nhựa bê tông lên chứng tỏ sự cẩu thả trong thi công, nếu không muốn nói rằng đã “có vấn đề” về nguyên vật liệu và chất lượng khi thi công. Thông thường, nếu gặp lũ quét, lũ ống, một số tuyến đường chỉ có thể bị cuốn trôi, sạt lở cả một khúc, chứ không thể chỉ bị bong tróc lớp nhựa thảm mặt như đã xảy ra ở quốc lộ 49B.
Dĩ nhiên, lớp nhựa thảm trên mặt quốc lộ 49B bị bong tróc chỉ cần dọn dẹp là vẫn có thể lưu thông được (dù khó khăn), không đến nỗi chia cắt các vùng của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Song, từ sự cố này các cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công con đường này. Nếu cứ bị ngập nước mà con đường nào cũng hỏng thì “rốn lũ” miền Trung sẽ phát triển kinh tế - xã hội ra sao?
May mắn là dù bị “tróc vảy”, nhưng quốc lộ 49B vẫn có thể lưu thông được, vẫn có thể phục vụ cuộc sống thường nhật của người dân, vẫn đảm bảo cho công tác cứu hộ, cứu nạn, xa hơn là phát triển kinh tế - xã hội khi hết bão lũ. Song, nói dại mồm, nếu quốc lộ 49B, hay một con đường huyết mạch khác lại bị “bay mất” cả một đoạn do chất lượng kém, khiến một số vùng bị cô lập, không thể tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn thì sẽ ra sao?
Vậy mới nói, thiên tai là bất khả kháng, nhưng nhân tai là “họa trong nhà” cần phải bị loại bỏ, dẹp trừ, để tránh những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Muốn phòng chống thiên tai hiệu quả, không có cách gì khác hơn là giảm thiểu hoặc triệt tiêu mối họa nhân tai. Khi không có mối nguy từ nhân tai, không những thiên tai sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự tàn phá của nó, mà còn có thể chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.
Nỗi đau xót, sự mất mát của đồng bào miền Trung những ngày qua do thiên tai đã đành, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự chủ quan, thờ ơ, thậm chí tiêu cực của con người. Vậy nên, để những năm tới không còn phải chứng kiến những người dân vô tội, nhưng cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì bão lũ, sạt lở đất, ngay từ lúc này các cơ quan chức năng cần có “ngay và luôn” những biện pháp phòng ngừa cả thiên tai và nhân tai.