Đó là kiến nghị của ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), diễn ra chiều ngày 25/3.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ phát biểu.
ĐB Vẻ (Thái Bình) đề nghị, Luật này thông qua tại kỳ họp này chứ không chờ sau khi ký kết toàn bộ xong TPP, vì hiện nước ta đã 10 hiệp định thương mại tự do nhiều thuế cắt giảm thị trường sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý cam kết của nước ta trong các hiệp định.
Theo ông Vẻ, đối tượng chịu thuế không áp với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ vì nó tiêu thụ ngay tại Việt Nam được các cơ quan chức năng điều tra. Nếu áp thì khó khăn cho doanh nghiệp khi ký kết với nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngay trên sân nhà.
Thuế tự vệ là mang tính đặc thù là biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước trước việc phá giá của nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ áp dụng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khi tiến hành điều tra. Cho nên thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước giao cho Bộ Công thương là hợp lý.
Về vấn đề miễn thuế, ông Vẻ đề nghị bổ sung tạo điều kiện thuận lợi là hàng hóa nhập khẩu là hàng mẫu, không nhằm mục đích thương mại. Vì hàng mẫu để thí điểm mà bị áp thuế thì coi như mục đích thương mại, bởi hàng mẫu là để nghiên cứu sản xuất, làm mẫu thí điểm sản xuất. Cho nên chỉ cần quy định các điều kiện trong Nghị định của Chính phủ để giám sát là hợp lý.
Cũng theo ông Vẻ, tàu cá đánh bắt xa bờ luôn phải nhập khẩu thiết bị, vì vậy cho bổ sung miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu linh kiện, thiết bị để đóng tàu biển đánh bắt xa bờ theo ưu đãi của pháp luật Việt Nam.
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), cần quy định cụ thể ai là người có thẩm quyền biên độ bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá và đưa ra yếu tố này?.
Các đại biểu trao đổi trong Hội trường.
“Thời hạn áp thuế chống bán phá giá theo dự thảo là không quá 5 năm kể từ trường hợp cần thiết sau đó được gia hạn, nhưng quy định như vậy là dài khi hàng hóa biến đổi liên tục theo thị trường. Năm nay thì thấp nhưng mai lại cao. Cho nên thời gian cần ngắn hơn, cần tiến hành rà soát hàng năm, hoặc 2 năm/lần là phù hợp”-ông Tiến bày tỏ.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, thuế tự vệ là biện pháp các nước cũng áp dụng, nhưng thực tế hiện nay nếu ta đưa ra quy định các mặt hàng cụ thể sẽ làm thiệt hại người tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Bởi làm gì cũng phải ưu tiên thị trường hiện nay.
“Ví dụ thép hay xăng dầu dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt hại. Khi thép thế giới giảm thì chúng ta lại cao hơn 2-3 nghìn đồng. Tự nhiên , có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá làm giá trị vật liệu tăng người tiêu dùng thiệt, làm thiệt hại nền kinh tế trong khi giá thép của ta đang cao hơn thế giới vì do công nghệ của ta cũ. Tương tự như xăng dầu cũng vậy” - ông Bảo phân tích.
“Có nên xây dựng để bảo vệ trong nước không?” - ông Bảo đặt câu hỏi và chính ông tự trả lời: “Tôi cho là không vì chúng ta không nên khai thác cạn kiệt tài nguyên, không thể bảo vệ khi giá nước ngoài rẻ hơn. Chúng ta phải bảo vệ người tiêu dùng, hướng đến mục đích cao nhất là người sử dụng. Không lý gì thị trường đang rẻ bỗng thành đắt”.
V.Thắng