Một người bỏ phí một, hai tiếng đồng hồ trên đường; một chiếc xe nổ máy không hiệu quả vài tiếng, thì với cả biển người, xe kẹt cứng trên đường kia, khó có thể tính được sự thiệt hại sẽ là bao nhiêu?
Mưa lớn gây ngập diện rộng tai TP Hồ Chí Minh
Thời gian qua, những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vùng rãnh áp thấp đã dội xuống khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Mưa lớn gây úng ngập cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Thiên tai đã như một phép thử với những gì gọi là nhân tai. Mưa lớn bất ngờ gây thiệt hại đơn, thiệt hại kép mà từ đây các nhà quản lý có trách nhiệm cần phải suy ngẫm, tìm kế “giải thoát”...
Chuyện thiệt hại mùa màng, nhà cửa, con người do bão lũ, bão gây ra là câu chuyện bình thường, khỏi phải bàn. Còn kiểu thiệt hại kép ở đây do nguyên nhân kép, không chỉ thiên tai- mưa lũ mà cả nhân tai- con người. Vấn đề đang xảy ra chủ yếu ở các thành phố lớn hiện nay, nơi sự phát triển đô thị ồ ạt, thiếu tầm nhìn, thiếu trách nhiệm vì chạy theo cái lợi trước mắt, thiếu đồng bộ.v.v..Những sự bất cập, hạn chế, tùy tiện đã phát lộ từ chính sự thử thách từ thiên tai, những đợt mưa dông này.
Vào chiều 15/9, cơn mưa lớn kéo dài đến hơn 3 tiếng đồng hồ tại TP Hồ Chí Minh đã làm cho nhiều nơi của thành phố lớn nhất nước ngập chìm trong biển nước.
Cơn mưa lớn tại thành phố Hải Phòng vào sáng 21/9 dù không dài cũng khiến nhiều tuyến đường như Cát Dài, Đình Đông, Tô Hiệu, Lê Lợi, Cầu Đất... nước cũng ngập từ 30-50 cm. Còn trận mưa lớn kéo dài từ đêm đến rạng sáng ngày 22/9 tại Hà Nội cũng đã khiến nhiều đường phố Thủ đô hóa thành sông...
Nắng mưa là việc của trời, nhưng với con người, nhất là ở các thành phố lớn, đây quả đã là một sự khốn khổ. Chưa kể những tác động trực tiếp như việc nước tràn vào các khu hầm để xe nhà chung cư gây ngập úng như ở một chung cư của TP Hồ Chí Minh làm thiệt hại hàng tỷ đồng; tác động gián tiếp làm sập nhà cổ, đổ cây đè bẹp xe ở Hà Nội ngày 22/9, mà việc gây ùn tắc, kẹt xe thật là những nỗi kinh hoàng.
Ngay cả những ngày bình thường, ngày nắng ráo, chuyện kẹt xe đã là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân các thành phố lớn. Còn khi úng lụt, nhất lại là vào những giờ tan tầm, giờ đi làm của người dân thì thật khổ. Hệ lụy từ những cơn mưa 15/9 ở TP HCM, hay sáng 21/9 ở TP Hải Phòng, sáng 22/9 ở TP Hà Nội đều đã khiến giao thông hỗn loạn, kẹt xe kéo dài, người người bất an, lo lắng.
Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh dầm mình trong mưa, trong làn nước ngập dưới chân từ một đến 2 tiếng đồng hồ, nhiều khi phải nhích đi từng cm mét một bạn mới thấy được nỗi khổ phố xá như thế nào.
Sau mỗi đợt bão lũ, mưa dông, người ta mới chỉ thống kê về thiệt hại của những việc hiển hiện trước mắt như người bị nạn, tài sản lớn, của công bị hư hại. Còn nếu như thống kê hết những thiệt hại từ mỗi cá nhân thì những con số sẽ lớn rất nhiều. Hay đi xa hơn, thiệt hại kiểu độ bền một con đường không bị ngập úng sẽ hơn rất nhiều một con đường thường xuyên bị ngập trong nước.
Đặc biệt, sự thiệt hại lớn nhất là về thời gian. Đã có không biết bao nhiêu cuộc họp, cuộc hẹn phải hoãn lại, hay bị chậm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đình trệ sản xuất. Một người bỏ phí một, hai tiếng đồng hồ trên đường; một chiếc xe nổ máy không hiệu quả vài tiếng, thì với cả biển người, xe kẹt cứng trên đường kia, khó có thể tính được sự thiệt hại sẽ là bao nhiêu?
Nguyên nhân của việc úng ngập, ùn tắc giao thông người ta cũng đã bàn nhiều, nói nhiều. Và rồi ai cũng phải thấy rằng chuyện ùn tắc, ngập úng, nhất là việc ngập úng cục bộ sẽ còn dài dài. Bởi không chỉ một vài cái cống thoát, không chỉ việc thi công, đào đường đang tiến hành ở các thành phố, mà đây còn là tầm nhìn, quy hoạch chung trong xây dựng, phát triển, nhiều khi vì quyền lợi riêng, cái lợi trước mắt...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng. Câu chuyện thường tình, ai cũng hiểu rõ, rằng nước chảy dồn về chỗ trũng. Nơi nào thấp nhất của khu vực, của thành phố thì nơi đó sẽ chịu hậu quả nhiều nhất. Đặc biệt, nếu với hệ thống thoát nước không đồng bộ, việc thoát nước bề mặt vẫn chiếm chủ yếu, thì những nơi trũng, hậu quả sẽ càng nặng nề hơn.
Không ít các khu phố, khu đô thị như TimeCity ở Thủ đô, dù có hạ tầng tốt nhưng cốt nền thấp nên khi gặp những trận mưa lớn như vừa rồi cũng đành bó tay nhìn nước ngập tràn lan. Nguyên nhân phát triển, mở rộng thành phố, lấp hồ, lấp sông làm dự án một cách tùy tiện, vì cái lợi trước mắt, cái lợi của một số đơn vị, cá nhân cũng đã rõ.
Những hồ, ao ở Hà Nội, TP HCM trước kia làm nhiệm vụ điều tiết nước, nay không ít đã bị san lấp làm dự án. Những con sông, kênh cũng bị thu hẹp. Từ dự án kè cho đến dự án biến sông kênh thành đường. Đó là chưa kể việc thi công ẩu, thiếu trách nhiệm. Chỉ một đoạn cống, đoạn kênh thu hẹp không theo thiết kế, bị chèn lấp, nhiều khi làm ngập úng cả khu vực. Một nắp cống để bụi, đất, rác rưởi chèn lấp cũng chẳng còn tác dụng thoát nước. Chuyện giống như có một tai nạn, hay một ai đó đi ẩu, quay ngang xe lập tức dẫn đến ách tắc cả một tuyến đường...
Để tìm giải pháp cho việc ngập úng ở các đô thị, rất cần sự quy hoạch tồng thể, tầm nhìn xa. Mọi khu đô thị, từ đường phố đến nhà dân cần phải được tính toán, quy định trên bình diện chung, từ cốt nền cho đến bề rộng, chiều sâu của hệ thống thoát nước. Những yêu cầu nói trên phải được thực hiện nghiêm ngặt, không vì kinh phí, diện tích đất, lợi nhuận trước mắt của đơn vị doanh nghiệp hay cá nhân mà làm ngơ. Việc “chữa cháy” trên hiện trạng ngày nay với các giải pháp khoa học cũng phải sớm thực hiện.
Ví như ở TP HCM đang triển khai dự án giải pháp chống ngập, từ dự kiến xây dựng đường vành đai 3 cho đến các công trình hỗ trợ như nhà nhà xây dựng hê thống chứa nước mưa...
Đầu tư, xây dựng, thực hiện với tầm nhìn xa, không vì lợi ích cá nhân, có thể ban đầu có tốn kém, nhưng cái được là được lâu dài, tránh được những thiệt hại, nhất là tình trạng thiệt hại kép hiện nay.