Thiết kế bìa sách tạo ra hình thức đẹp cho cuốn sách, góp phần làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của cuốn sách. Thông qua ngôn ngữ tạo hình đồ họa, áp dụng những khả năng kỹ thuật từ thủ công cho đến hiện đại, đồng thời đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật in ấn, công việc thiết kế bìa sách nhằm đưa ra một tác phẩm bìa hấp dẫn, truyền tải được một phần nội dung tư tưởng, tình cảm của các tác giả và tác phẩm qua cuốn sách.
1.Sách - là di huấn về tinh thần của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Toàn bộ cuộc sống của loài người đều được phản ánh qua sách. Những bộ lạc, những con người, những quốc gia đã mất đi, nhưng sách vẫn tồn tại. Sách kết tinh tất cả những học thuyết làm rung động khối óc, kết tinh mọi khát vọng làm rung động trái tim, ghi lại lịch sử toàn thế giới…
Trong sách không chỉ có quá khứ, sách còn là phương tiện giúp ta làm chủ hiện tại, nắm lấy tất cả mọi chân lý và sức mạnh, mà sách còn là cương lĩnh của tương lai. Đi cùng với những cuốn sách, bìa sách cũng là câu chuyện không chỉ thuộc về lích sử, mà còn là câu chuyện của mỹ thuật…
Ở Việt Nam, việc vẽ bìa cho sách đã sớm nhận được sự quan tâm của các họa sĩ mà đến nay, tên tuổi của họ vẫn đươc nhắc đến. Đó là các họa sĩ Văn Cao, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị… Khi đó, các họa sĩ nhận lời làm bìa sách chủ yếu xuất phát từ những tình thân, làm giúp, làm tặng bạn văn. Khi thấy bạn bè chuẩn bị ra sách, thì sẵn sàng vẽ tặng bạn một cái bìa. Như một kỷ niệm. Dần dà, nhiều nhà xuất bản đã mời một số họa sĩ làm cộng tác viên vẽ bìa sách. Bây giờ, xem lại những cuốn sách được xuất bản hồi giữa thế kỷ 20, có thể nhận ra nhiều dấu ấn sáng tạo của các họa sĩ thế hệ đi trước.
Dấu vân tay, sự tài hoa của họ không chỉ để lại ở những tác phẩm mỹ thuật trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, bột màu… mà còn để lại trên những bìa sách. Với công nghệ in ấn hồi đó còn thô sơ, chưa hề có máy vi tính, nhưng những thiết kế bìa sách của nhiều họa sĩ cho thấy sự tìm tòi trong việc cắt chữ, tạo mẫu chữ bên cạnh những bức tiểu họa minh họa cho tác phẩm. Chính vì thế, người ta cảm thấy “cái tình” trong nhiều bìa sách thời đó.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, khi xưa bìa sách đơn sơ do công nghệ in ấn còn sơ sài buộc người họa sĩ phải “toan tính” sao cho “tối giản nhất” mà thể hiện được “tâm hồn” của cuốn sách nhanh nhất tới độc giả, do vậy mà việc sáng tạo phải “nghĩ nhiều” mà vẽ ít. Cũng giống như võ sĩ samurrai không được múa may quay cuồng nhiều mà phải nhanh nhất “hạ gục” đối thủ chỉ một lần vung kiếm vậy, vì điều đó mà người đọc cảm thấy nó “duyên hay tình” ở sự khúc triết, giản dị là vậy.
2.Trải qua thời gian, đến nay, nghệ thuật thiết kế bìa sách đã có nhiều sáng tạo, và có bước phát triển không ngừng. Vốn dĩ bị giới hạn bởi kích thước cũng như một loạt những yêu cầu khắt khe của ngành xuất bản, nhưng đội ngũ thiết kế bìa sách trên toàn thế giới đã vượt qua nhiều lối mòn, thậm chí còn mở ra nhiều hướng đi cho thấy sự tìm tòi và khả năng sáng tạo không giới hạn. Điều đó không chỉ khẳng định phong cách của họa sĩ, mà còn thể hiện tài năng.
Tại Việt Nam, trong Nam, ngoài Bắc đội ngũ thiết kế bìa sách đã góp phần tạo dựng hình ảnh sinh động cho ngành xuất bản. Nói cách khác, nếu các nhà văn, tác giả viết sách tạo nội dung sâu sắc để bạn đọc đắm chìm vào những câu chuyện, những tri thức đa dạng, hấp dẫn thì các họa sĩ thiết kế bìa sách đã có công rất lớn trong việc hấp dẫn độc giả “từ cái nhìn đầu tiên”.
Là một họa sĩ thiết kế khá nhiều bìa sách trong thời gian qua, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng, bìa sách là một tấm poster, một bộ thời trang thời thượng hay quê mùa, truyền thống hay hiện đại… cho cuốn sách. Nhìn vào ấn tượng đầu tiên là biết ngay. “Ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thể hiện một cách mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp của cuốn sách. Thậm chí, có cuốn sách với thiết kế bìa độc và lạ như “tiếng sét ái tình” hấp dẫn độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên”, họa sĩ Tiến Vượng chia sẻ.
Thế nhưng, không phải họa sĩ nào - ngay cả những người vẽ tranh đẹp, “đắt khách” trên thị trường mỹ thuật - cũng đều có khả năng làm bìa sách. Có thể nói, ngoài tài năng, còn cần cái duyên với bìa sách nữa.
Sinh thời, họa sĩ Tạ Lựu - người đã vẽ hàng ngàn minh họa thiếu nhi đẹp mê mẩn nhưng ông từng chia sẻ rằng rất sợ làm bìa sách. Nhiều lần NXB Kim Đồng đặt hàng, ông đành tìm lý do từ chối vì cảm thấy không tự tin khi sáng tạo bìa sách. Ông thổ lộ: “Vẽ minh họa thì phóng bút thoải mái, tung tẩy trên trang giấy, trang báo..., nhưng khi thiết kế bìa thì cần phải suy đi tính lại, đắn đo. Vì một trang bìa yêu cầu cao hơn nhiều lắm... Vẽ cho một trang sách hay trang báo chỉ cần quan tâm chi tiết câu chuyện trong trang báo, trang sách đó, còn làm trang bìa là phải cô đọng hóa, biểu tượng hóa cả một cuốn sách, điều này đôi khi quá sức với mình...”.
Đội ngũ thiết kế bìa sách của Việt Nam, bên cạnh những họa sĩ “vẽ chơi”, “cộng tác vui vui” với các đơn vị xuất bản đã dần dần định hình những họa sĩ thiết kế bìa sách chuyên nghiệp. Trong vài ba thập niên gần đây, những cái tên như Văn Sáng, Trần Đại Thắng, Ngô Xuân Khôi ở Hà Nội; hay Mai Quế Vũ, Bùi Nam ở TP HCM đã trở thành những “thương hiệu” ăn khách. Trẻ hơn, đương đại hơn, có thể nhắc tới: Tạ Huy Long, Kim Duẩn, Tạ Quốc Kỳ Nam…
3.Một bìa sách đẹp phải là một bìa sách hấp dẫn được nhiều độc giả ở các thời điểm khác nhau, để thiết kế một bìa sách hiệu quả thì phải đáp ứng các yếu tố cơ bản như: Tính định hướng, hướng vào từng nhóm đối tượng độc giả. Tính tập trung, chỉ giới hạn vào một vài thông tin chọn lọc. Tính hấp dẫn, lôi cuốn và sáng tạo. Đi đôi với chất liệu bìa sách đó là kết cấu bìa sách, kết cấu của bìa sách là sự tính toán về cách thức gập, mở của bìa sách khi sử dụng.
Hoặc cũng có thể nói đó là cách thức một quyển sách tiếp cận độc giả thông qua hình thức sử dụng. Một bìa sách được thiết kế với kết cấu sáng tạo sẽ để lại ấn tượng mạnh khi sử dụng và làm tăng giá trị của cuốn sách. Ví dụ có những cuốn sách mở từ phải sang trái, nhưng có những cuốn sách được thiết kế với hướng mở ngược lại, có những cuốn sách mở bằng cách mở nút cài, lại có những cuốn sách được mở như một hộp quà. Tất cả đều nằm trong sự sáng tạo và tính toán của công việc thiết kế.
Trong quá trình sáng tạo thiết kế bìa sách, họa sĩ có thể lựa chọn màu tương phản hoặc tương hỗ tuỳ theo tính chất và nội dung của tác phẩm. Việc sử dụng màu sắc cũng cần tuần tự theo sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, phản ánh được ý tưởng chủ quan của người sáng tác và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Hãy để cho mẫu thiết kế dẫn dắt việc lựa chọn màu sắc, một số màu này có thể phù hợp hơn màu khác tùy theo tính chất và nội dung của tác phẩm. Không có màu xấu, chỉ có sự phối hợp giữa các màu sắc có hài hòa hay không. Lựa chọn màu sắc cần xem xét đến mối tương quan của nó trong k hông gian. Những gam màu tối sẽ làm giảm độ lớn của hình và thu gần khoảng cách giữa mắt và hình, màu sáng, ngược lại, làm tăng độ lớn và lùi xa khoảng cách. Các màu ở gần nhau sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhau.
Chúng ta biết rằng tiêu chí đầu tiên của sách là phải rõ ràng, mạch lạc, ngoài chức năng truyền tải thông tin, chữ ở bìa còn mang yếu tố trang trí và tạo cảm xúc cho tác phẩm. Trong việc sử dụng kiểu chữ thì tuỳ từng không gian và hoàn cảnh cụ thể mà chọn kiểu chữ có đặc tính phù hợp với nội dung và ngữ cảnh, phát huy được tối đa tác dụng của ngôn ngữ, dáng chữ. Công việc thiết kế bìa sách là loại công việc có yêu cầu cao nhất về nghệ thuật chữ. Chữ là yếu tố quan trọng tạo nên sách, đóng vai trò chủ đạo ở bìa sách.
Và bao hàm tất cả những yếu tố chữ, màu sắc, tạo hình, đó là bố cục. Trong nghệ thuật thiết kế và trình bày sách, bố cục có một vai trò không thể thiếu, góp phần thể hiện rõ ý tưởng của người thiết kế, đồng thời tác động đến cảm nhận thị giác của độc giả. Bố cục trong thiết kế bìa sách bao gồm cấu trúc hình dạng, sự sắp xếp sao cho cân bằng về chữ, hình ảnh, mảng, hình khối, đường nét… Tùy vào nội dung trong cuốn sách, họa sĩ có thể đưa ra các dạng bố cục khác nhau.
Với việc xây dựng bố cục hoàn chỉnh, kết hợp chặt chẽ với màu sắc, chữ, nét và mảng trên mặt phẳng nhất định, cuốn sách có thể truyền đạt được không gian rộng và hẹp, hướng từ xa đến gần hay ngược lại, để phục vụ ý tưởng sáng tạo của nhà thiết kế.
Tạo dựng một trang sách đẹp tất nhiên do ý thức thẩm mỹ đồng thời do kinh nghiệm mà thành, họa sĩ trình bày sách nên rèn cho mắt nhìn không có sự do dự khi chọn các tỷ lệ của khối chữ, của hình nền để thể hiện một cách rõ ràng dứt khoát.
Vài năm trở lại đây, phong trào chơi và sưu tầm sách ngày càng sôi nổi, các đơn vị xuất bản đã tung ra những bản ấn phẩm đặc biệt để phục vụ nhu cầu của các độc giả. Trong đó, điểm nổi trội và được đầu tư nhất đó là bìa sách. Những chất liệu được ưa chuộng thường là da bò, da nhân tạo, ép nhũ…; hoặc làm bìa bằng giấy trúc chỉ. Ví dụ như Thái Hà Books đã thực hiện làm bìa sách cho 6 cuốn “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” bằng giấy trúc chỉ. Sáu ấn bản bìa sách này, mỗi ấn bản lại có một hoa văn và ý nghĩa khác nhau. Hay như Công ty sách Đông A cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng trong dòng sách đặc biệt, khi tạo ra những bản sách đặc biệt mà thoạt nhìn bìa người ta thấy không khác biệt với những cuốn bìa da được chế tác ở các nước phương Tây - nơi mà phong trào chơi sách, làm sách thủ công đã ở mức “thượng thừa”.