Hơn 3 tuần qua mưa to trút xuống miền Trung, tại các tỉnh từ Nghệ An cho tới Quảng Nam. Nước ngập mênh mông. Đây là trận lũ lụt lịch sử với Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nhấn chìm và cuốn đi thành quả lao động của người dân và cũng đã làm cho hơn 120 con người thiệt mạng.
Trong những ngày gian nan và đau thương đó, người dân vùng lũ miền Trung đã gan góc vượt qua, cả nước hướng về miền Trung với tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia. Trong gian khó, nghĩa đồng bào càng sáng ngời, truyền thống đạo lý nhường cơm sẻ áo, thương người như thể thương thân của dân tộc ngời lên.
Khi lũ lụt đi qua, miền Trung xơ xác. Đây cũng chính là lúc người dân vùng lũ phải đứng dậy ổn định cuộc sống, xây dựng lại cuộc sống. Nhiều gia đình phải gầy dựng lại từ con số không. Không ít gia đình phải nén nỗi đau mất người thân để đi tiếp, vì cuộc sống không bao giờ ngừng lại.
Trong cơn lũ dữ, khi nước mênh mông, cô lập, chia cắt các khu dân cư thì việc cứu giúp người dân phải tức tốc, phải nhanh nhất để người dân không bị đói, bị rét, không rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Đó là lúc “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Còn giờ đây, khi nước rút, tổ chức lại cuộc sống thì cách giúp dân phải khác, thật thiết thực vừa trước mắt lại phải đảm bảo lâu dài.
Trận lũ lịch sử kéo dài đã cuốn đi tài sản của người dân. Bây giờ là lúc người dân cần những chiếc bếp ga để có lửa và nồi để nấu cơm.
Cần gạo, cần rau xanh, cần thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày khi mà ruộng đồng không còn gì và dự trữ lương thực, thực phẩm trong nhà đã bị dòng nước dữ cuốn đi.
Bệnh tật do lũ mang tới cũng là mối lo lớn, không chỉ bệnh ngoài da mà là cả bệnh bên trong có dịp phát tác. Vì thế, người dân cần nhiều loại thuốc.
Nguồn nước sinh hoạt cũng đã bị ô nhiễm, thì cũng cần phải được tẩy rửa, bảo đảm vệ sinh. Mà những việc đó tự từng gia đình cũng khó có thể lo được.
Trẻ em vùng lũ sẽ lại cắp sách đến trường nhưng vở viết, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đã bị nước lũ phá hỏng, các em rất cần được giúp đỡ. Mùa đông cũng đã cận kề, mà mùa đông năm nay lại được dự báo sẽ lạnh hơn những năm trước, các em rất cần áo ấm vì áo ấm của các em đã bị nước cuốn đi rồi.
Thêm nữa, để những đứa trẻ vững bước tới trường thì rất cần phải bỏ hết mọi quy định đóng góp vật chất cho nhà trường, ít ra là trong năm học này.
Vừa qua, nhiều trường đại học đã tuyên bố miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên miền Trung ở những vùng bị lũ lụt. Việc làm ấy được cả xã hội cảm phục vì các trường đại học đã chia sẻ khó khăn với người vùng lũ một cách rất thiết thực.
Vậy thì, với những em nhỏ ở tại địa phương, sau lũ trở lại trường học với đầy khó khăn thì chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm đưa ra một quyết định nhân văn để “tiếp sức cho em tới trường”. Đừng sợ trách nhiệm, đừng sợ sai mà không làm, vì rằng chia sẻ khó khăn với dân là điều luôn luôn đúng.
Về lâu về dài, cần có tầm nhìn xa hơn và cũng thực tế hơn để giúp dân, mà cụ thể ở đây là các tỉnh miền Trung.
Do biến đổi khí hậu, bão lũ cuối năm dồn về miền Trung. Hơn chục năm qua, không năm nào miền Trung thoát khỏi bão lũ, ngập lụt, nhà trôi người chết.
Không thể để điều đó lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, mà phải có phương cách thực sự giúp dân “chung sống” với mưa bão, lũ lụt. Trước hết, phải là một chính sách đất đai rõ ràng cho từng địa phương để di dời người dân đang sống ven các dòng sông, bờ suối mà mỗi khi nước lớn lại phải đối mặt với biết bao hiểm nguy.
Bà con cần có đất nơi cao ráo để dựng nhà, để định cư lâu dài. Những hộ dân sống ven sườn đồi, núi cũng cần có chỗ ở mới để tránh bị vùi lấp do sạt lở. Về đất đai, chính quyền địa phương không thể tự ý cấp cho dân, vậy thì cần chính sách nhất quán của Nhà nước.
Tại khu vực này, rất cần đến những ngôi nhà tránh lũ, những con thuyền vượt lũ. Đây cũng lại là việc tự từng người dân sẽ khó lo cho mình mà cần sự hỗ trợ của chính quyền. Tốt nhất là hãy vận dụng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước lo kinh phí, người dân đóng góp một phần và bỏ công ra dựng nhà tránh lũ. Những ngôi nhà tránh lũ ấy thực chất là ngôi nhà cộng đồng, khi không có lũ thì sử dụng vào các hoạt động chung, khi có lũ sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho người dân.
Với những con thuyền vượt lũ, phao cứu sinh cũng vậy, người dân rất cần được hỗ trợ vì đó là điều vô cùng cần kíp với từng người, từng nhà khi lũ lớn và nước ngập mênh mông.
Lo cho dân sau khi lũ rút dẫu sao vẫn là cái lo trước mắt, tiếp theo việc lo miếng cơm miếng nước trong lũ. Sâu xa hơn phải là mối lo lâu dài, căn cơ cho người vùng lũ.
Mối lo ấy phải thường trực, phải là sự dằn vặt day dứt của người làm cán bộ, nhất là cán bộ các cấp ở địa phương vì hơn ai hết họ thấu hiểu và có trách nhiệm trực tiếp với dân trong làng xóm của mình, quê hương của mình.