Giao thông

Thiếu cát đắp, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng bị ảnh hưởng đến tiến độ

Lê Khánh 12/12/2024 14:48

Do nguồn cát đắp nền đường bị thiếu hụt và công suất khai thác chưa đủ theo nhu cầu, Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có mốc hoàn thành vào năm 2026 đang bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Công suất khai thác cát chưa đạt yêu cầu

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có tổng chiều dài 188,2 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án được khởi công từ tháng 6/2023, đến nay, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành; chỉ chậm tiến độ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và do xác định nguồn gốc đất, có khiếu kiện, hiện nay địa phương đang nỗ lực giải quyết.

Về nguồn cát, tổng nhu cầu cho dự án khoảng 29 triệu m3, trong đó tỉnh An Giang nhu cầu 9,3 triệu m3, đã xác định 5,9 triệu m3; còn lại khoảng 3,4 triệu m3 sẽ hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ của địa phương.

07-3087.jpg
Dự án thành phần 4 thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Thành phố Cần Thơ nhu cầu 7 triệu m3 thì tỉnh An Giang đã hỗ trợ 2,6 triệu m3; phần còn thiếu (4,4 triệu m3) đã được Tiền Giang đồng ý hỗ trợ, tuy nhiên thực tế khảo sát trữ lượng tại Tiền Giang chỉ khoảng 3/4,4 triệu m3.

Tỉnh Hậu Giang nhu cầu 6 triệu m3, tỉnh An Giang đã hỗ trợ 2,6 triệu m3; phần còn thiếu (3,4 triệu m3) đã được Bến Tre đồng ý hỗ trợ.

Tỉnh Sóc Trăng đã giao 6 mỏ cát sông cho nhà thầu khai thác nhưng đến nay mới chỉ có 4 mỏ cung cấp cát cho dự án với khối lượng tối đa đến tháng 6/2025 là 2,03/6,6 triệu m3 cát (thiếu 4,57 triệu m3).

Dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang, nhu cầu công suất khai thác khoảng 77.500 m3/ngày nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 8.732 m3/ngày (còn thiếu 68.777m3/ngày) do tạm dừng hoạt động khai thác tại các khu mỏ.

Dự án thành phần 2 (thành phố Cần Thơ), do phải điều chuyển nguồn cát nên công suất cung cấp hàng ngày bị giảm hơn 50% không đảm bảo nhu cầu cho tiến độ thi công các gói thầu xây lắp. Do đó, địa phương đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục xem xét rà soát các mỏ còn lại trên địa bản tỉnh để hỗ trợ đủ nguồn cát cho dự án.

Do mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ Dự án thành phần 3 đã điều chuyển cho Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (700.000 m3), để không bị gián đoạn trong quá trình khai thác trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT phối hợp tỉnh An Giang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập thủ tục điều chuyển một phần ngược lại khối lượng cát đã điều chuyển từ Dự án thành phần 3 cho Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau để đảm bảo tiến độ dự án.

Với Dự án thành phần 4, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị sử dụng cát biển qua rửa mặn đối với các vùng khác để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; điều chỉnh khung giờ khai thác cát biển từ 7-17h thành 5-19h hàng ngày, nhằm đảm bảo công suất khai thác, đáp ứng yêu cầu về tiến độ các dự án

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 22,16% giá trị hợp đồng.

Trong đó, Dự án thành phần 1 đạt khoảng 33,17% giá trị hợp đồng; Dự án thành phần 2 đạt khoảng 14,83%; Dự án thành phần 3 đạt 24,35%, chậm 9% so với kế hoạch; Dự án thành phần 4 đạt 13,9%.

Đánh giá tiến độ dự án chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch, nguyên nhân chậm chủ yếu do thiếu hụt nguồn cát giai đoạn đầu, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để có phương án thi công các công việc phù hợp trong thời gian chờ vật liệu cát (như đẩy nhanh thi công các công trình cầu, các cấu kiện...)

Dùng cát biển đắp nền đường đẩy nhanh tiến độ

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, ngoài nguồn cát sông, Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần nghiên cứu sử dụng cát biển đắp nền đường để đáp ứng tiến độ thi công và bù phần công suất thiếu hụt.

Bộ GTVT yêu cầu các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần, các cơ quan liên quan rà soát các mỏ vật liệu đã có trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu được phê duyệt, các mỏ dự kiến bổ sung để khai thác phục vụ dự án.

Trên cơ sở đó, thực hiện thủ tục điều tra, khảo sát, bổ sung vào hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng theo đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc toàn bộ các mỏ cung cấp vật liệu để thực hiện dự án phải nằm trong hồ sơ mỏ vật liệu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt.

Ảnh màn hình 2024-12-12 lúc 12.14.42
Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần nghiên cứu sử dụng cát biển đắp nền đường để đáp ứng tiến độ thi công và bù phần công suất thiếu hụt.

Địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư các dự án thành phần kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát (khai thác theo cơ chế đặc thù hoặc mua thương mại), không để phát sinh tình trạng đầu cơ, nâng giá, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí.

Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm; trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu cát đắp, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng bị ảnh hưởng đến tiến độ