Nội dung quy định Tổ hợp tác trong dự thảo luật còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định nhằm bảo đảm hiệu lực và tính khả thi thực hiện trên thực tế.
Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo ông Dũng, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Dự thảo dự án luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, làm rõ nội dung 7 nguyên tắc của Liên minh Hợp tác xã quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động. Mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác.
Tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân; việc thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ hợp tác sẽ do Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở sửa đổi Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác.
Sửa đổi, bổ sung quy định rõ liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên hoạt động theo pháp luật về hội; quy định rõ các nhiệm vụ của tổ chức đại diện đối với các tổ chức kinh tế hợp tác thành viên.
Các nội dung này được cụ thể hóa tại các Chương về tổ hợp tác, về liên đoàn Hợp tác xã và về tổ chức đại diện, liên minh Hợp tác xã.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản các nội dung của 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được thể chế hóa tại dự thảo luật. Tuy nhiên, việc thể chế hóa một số chính sách còn chung chung, chưa cụ thể, vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo đúng chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết bổ sung điều chỉnh Tổ hợp tác trong dự thảo luật nhằm xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác. Tuy nhiên, nội dung quy định Tổ hợp tác trong dự thảo luật còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định nhằm bảo đảm hiệu lực và tính khả thi thực hiện trên thực tế, do đó đề nghị bổ sung làm rõ hơn các điều kiện khác ngoài số lượng thành viên để chuyển đổi Tổ hợp tác thành Hợp tác xã như các điều kiện về nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động; đề nghị nghiên cứu bổ sung về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác. Đồng thời, đề nghị làm rõ về sự phù hợp giữa quy định về việc hạn chế quyền tại điểm a khoản 1 Điều 104 dự thảo Luật với quy định tại khoản 4 Điều 21 của Bộ Luật Dân sự.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với nhiều cơ chế, chính sách Nhà nước hỗ trợ cho Hợp tác xã thì tại dự thảo luật hiện nay thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng tại dự thảo Luật các nội dung liên quan đến kiểm toán Hợp tác xã; cần làm rõ Cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Hợp tác xã; đề nghị cân nhắc nghiên cứu việc xem kiểm toán Hợp tác x là một loại dịch vụ công và nghiên cứu giao cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.