Thiếu công khai dẫn đến nhiễu loạn thông tin, sốt đất ảo

M.Loan-H.Vũ 31/05/2022 07:12

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Các đại biểu Quốc hội đều chung nhận định việc chọn chuyên đề giám sát là đúng và trúng; đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, ngày 30/5. Ảnh: Quang Vinh.

Lãng phí

Thay mặt đoàn giám sát, báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, quy hoạch chung đô thị được lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch có những nội dung trùng lặp, chồng chéo khiến các thành phố trực thuộc Trung ương gặp nhiều khó khăn khi phải lập đồng thời cả 2 loại quy hoạch, gây lãng phí.

Đáng chú ý, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập như: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam bộ; 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối…

Quy hoạch phải đi trước một bước

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quy hoạch vốn là vấn đề rất khó, đòi hỏi chuyên môn cao và sâu. Việc Quốc hội đã có giám sát tối cao cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ với mục tiêu đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, để quy hoạch phải đi trước một bước.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Luật Quy hoạch 2017 ra đời được đánh giá là có sự tiến bộ, được quan tâm, làm công phu và bài bản. Tuy nhiên, Luật cũng có những hạn chế. Điều này đã được Đoàn giám sát chỉ rõ những vướng mắc từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện; không ít quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng ngay trong Luật Quy hoạch.

Qua Báo cáo sáng 30/5, ông Trần Ngọc Chính nhận thấy, hiện nay, các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai quy hoạch. Tuy nhiên, các địa phương lại phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn trong khi các đơn vị có kinh nghiệm trên cả nước không nhiều.

Cho rằng tính liên kết, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa rõ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, giữa các quy hoạch, tính liên kết và đồng bộ chưa được thể hiện rõ.

Cụ thể là các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Việc đảm bảo kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chi cũng như thẩm quyền thực hiện thu, chi kinh phí thẩm định”.

Theo đại biểu Hà Phước Thắng (TP Hồ Chí Minh), hiện nay trong công tác quy hoạch, bên cạnh việc áp dụng Luật Quy hoạch còn phải tuân thủ các quy định của luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, giữa các luật này còn có các quy định chưa đồng bộ. Cho nên Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến công tác quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.

Ông Thắng kiến nghị, cần có quy định đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

Cho rằng công tác quy hoạch phải đi trước một bước, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) đề nghị, cần làm tốt việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch và cần quan tâm đặc biệt trong công tác giám sát của các cơ quan quyền lực. Công tác giám sát của Quốc hội, HĐND phải tiếp tục được chú trọng và đề cao hơn nữa để kịp thời phát hiện những sai phạm, tồn tại, hạn chế và sớm có giải pháp khắc phục.

Còn nhiều vướng mắc

Qua giám sát, các địa phương thực hiện Luật Quy hoạch còn cho thấy nhiều vướng mắc, tình trạng quy hoạch treo vẫn tồn tại. Cùng với đó, việc thực hiện quy hoạch nhưng các địa phương không công bố cũng vẫn còn. Ví dụ như: xây dựng chung cư, nhà ở trên đất chưa được quy hoạch hoặc xây dựng khu đô thị trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi sang đất ở nông thôn, đô thị…

Đặc biệt, thời gian qua người dân còn phàn nàn nhiều đến công tác quy hoạch. Tôi cảm thấy, việc quy hoạch ở các địa phương còn chưa được rốt ráo, chưa được đến nơi đến chốn; đặc biệt, từ quy hoạch quốc gia, vùng, cấp tỉnh hoặc quy hoạch ngành.

Do đó, nảy sinh ra vấn đề quy hoạch nào trước, quy hoạch tỉnh có trước mà chưa quy hoạch quốc gia, vùng thì điều chỉnh làm sao? Có điều chỉnh quy hoạch vùng mà chưa có điều chỉnh quy hoạch tỉnh thì sẽ phải quy hoạch thế nào? Quy hoạch nào làm trước và quy hoạch nào làm sau?

Cần xử lý việc chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch

Tán thành với kết quả của báo cáo giám sát, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện một số giải pháp cụ thể khác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng thì chưa được báo cáo rõ với Quốc hội là công tác công bố công khai thông tin quy hoạch đô thị, nông thôn.

Ông Hoàn cho rằng, việc công bố công khai thông tin quy hoạch tại một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

“Đề nghị Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế”- ông Hoàn kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị:

Chưa có sự đồng bộ, thống nhất

Từ khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch cơ bản ổn định, không có vướng mắc. Đến nay đã hoàn thành quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, và quy hoạch nông thôn.

Về quy hoạch xây dựng, các khu chức năng, du lịch, công nghệ cao và vùng ven biển đều được phê duyệt theo quy định. Vì thế sau khi có luật thì các quy hoạch xây dựng vẫn là cơ sở đầu tiên để các địa phương xây dựng quy hoạch.

Về ý kiến của đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch đô thị có một số mâu thuẫn, đó là do quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ, chưa được sửa đổi. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập thường 10 năm, còn quy hoạch đô thị từ 15-20 năm, lại được lập ở thời điểm khác nhau nên có sự chưa đồng bộ, thống nhất do thời gian lập khác nhau.

Vì các quy định chưa thống nhất nên Bộ Xây dựng sẽ cùng các bộ, ngành khác có liên quan rà soát, sửa đổi về vấn đề đô thị, đất đai, nông thôn để đồng bộ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu công khai dẫn đến nhiễu loạn thông tin, sốt đất ảo