Dù chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã phê duyệt được 5 năm nhưng công tác chuẩn bị đội ngũ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thừa – thiếu cục bộ
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, năm học 2022-2023 chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ bắt đầu, tuy nhiên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương vẫn diễn ra trầm trọng.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở các cấp Tiểu học, THCS, THPT; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT.
Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, hiện nay tỷ lệ giáo viên/ lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học diễn ra ở nhiều địa phương; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp học THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023.
Nói về tình trạng thiếu giáo viên dạy môn học mới, lý do được Bộ GDĐT chỉ ra là một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở địa bàn khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập. Nhân viên y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Nhiều địa phương cho rằng, tình trạng thừa – thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong năm học này, nhất là với các lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Ở lớp 3, đây là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, có môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn: Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào là môn học tự chọn.
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, thiếu giáo viên các môn học mới là việc đáng lo khi chương trình mới đang được thực hiện.
Ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, trong đó có ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.
Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các trường sư phạm trên cả nước, đã mở một số ngành đào tạo phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngoài các ngành sư phạm truyền thống, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý.
Theo đó, sinh viên được đào tạo theo hướng tích hợp để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở trường phổ thông.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết thêm: "Sang năm sẽ có khóa sinh viên sư phạm môn tích hợp Khoa học tự nhiên đầu tiên ra trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Nhằm đáp ứng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lý cấp THPT theo chương trình mới, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, trường đang triển khai xây dựng đề án mở mã ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, dự kiến tuyển sinh từ năm 2023.
Cùng với việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo, theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nói chung và Khoa Lịch sử nói riêng rất chú ý đến việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá sinh viên theo phát triển năng lực.
TS Dũng nêu cụ thể từ môn Lịch sử, quan điểm của nhà trường là chú trọng phát triển năng lực chung và năng lực lực lịch sử, năng lực tự học, tự nghiên cứu, khám phá tri thức lịch sử,…không đặt nặng việc sinh viên phải học thuộc, ghi nhớ những sự kiện, hiện tượng lịch sử vụn vặt, mà đi vào bản chất và rút ra kinh nghiệm từ những sự kiện lịch sử tiêu biểu, bám sát chương trình giáo dục phổ thông.
“Qua đó, sinh viên thêm yêu nghề sư phạm, yêu môn Lịch sử. Như thế thì đội ngũ giáo viên được đào tạo mới có thể đáp ứng được yêu cầu dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay”, TS Nguyễn Văn Dũng nói.