Ngày 25/4, trong buổi xin lỗi công khai của TAND Cấp cao tại Hà Nội đối với ông Hàn Đức Long (tại trụ sở UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang) vì bị tuyên án tử hình oan, nhiều người đã kéo đến quấy rối và hành hung người thi hành công vụ. Ai cũng hiểu và thông cảm với nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân, song dư luận cho rằng, lực lượng chức năng đã không làm tròn nhiệm vụ của mình khiến buổi xin lỗi công khai trở nên bát nháo, mất sự tôn nghiêm, trang trọng cần có.
Bất cứ ai chứng kiến sự việc cũng không khỏi ngán ngẩm, lắc đầu vì một buổi lễ hết sức có ý nghĩa, lẽ ra phải trang nghiêm thì lại trở thành một đám đông hỗn loạn không thể kiểm soát. Hàng chục người thân của nạn nhân Yến (cháu bé 5 tuổi bị hiếp dâm và giết chết 11 năm trước) mang theo di ảnh, gây náo loạn hội trường. Một số người còn lao lên giật tấm biển của buổi lễ xuống. Nhiều người còn lao vào lực lượng chức năng, xô đẩy và kéo đổ bục phát biểu tại hội trường, trèo lên bàn ghế. Sự việc tưởng như không thể vãn hồi nếu lực lượng công an không có thêm tăng viện.
Buồn hơn ở chỗ, khi Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Trần Văn Tuân đọc lời xin lỗi công khai đã bị nhiều người quá khích dùng dép, chai nước, mũ bảo hiểm ném thẳng vào người. Đến nước này thì BTC buộc phải cử 2 người “đứng kè” 2 bên ông Tuân để che chắn những dị vật, giúp vị Phó Chánh án đọc xong lời xin lỗi công khai tại hội trường. Tất nhiên sau khoảng 5 phút, khi đã đọc xong lời xin lỗi công khai, Phó Chánh án TAND Cấp cao phải ra về.
Kể từ khi Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban TVQH có hiệu lực thi hành, tới nay là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thay thế, thì đã có nhiều trường hợp bị kết án oan, sai đã được các cơ quan tố tụng xin lỗi công khai tại địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tâm mà nói thì không phải tất cả những buổi xin lỗi người bị oan, sai của các cơ quan tố tụng đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, đậm đà tình cảm. Cũng không ít những buổi xin lỗi công khai làm chiếu lệ cho gọi là có, nhạt nhẽo, hình thức. Song, chưa từng có một buổi xin lỗi công khai nào lại mất trật tự như buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long.
Việc các cơ quan tố tụng thực hiện nghĩa vụ công khai xin lỗi vô cùng có ý nghĩa đối với những người bị hàm oan. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, vậy mà có người bị giam oan hàng chục năm. Những người bị kết án oan, sai mong được minh oan, mong được các cơ quan tố tụng thừa nhận sai lầm, công khai xin lỗi không chỉ đơn giản là việc được ra khỏi tù, mà họ còn mong trút đi được gánh nặng tâm lý bởi sự tủi hổ, đau đớn đã phải gánh chịu. Họ hy vọng buổi xin lỗi công khai như một sự “nói lại cho rõ” của Nhà nước giúp họ gột rửa được nỗi ô nhục đối với người thân, bà con chòm xóm.
Ấy vậy mà sau khi được Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội xin lỗi công khai, ông Hàn Đức Long và gia đình lại không hề cảm thấy vui hơn, thoải mái hơn. Vui sao được khi lúc đến dự lễ cũng phải “nhờ” lực lượng công an bảo vệ đưa tới hội trường bằng ô tô, rồi khi Phó Chánh án TAND Cấp cao đọc lời xin lỗi thì ông Long cũng đã phải rời đi một cách lặng lẽ.
Có lẽ ông Hàn Đức Long và gia đình sẽ không trách người nhà nạn nhân vì những hành vi quá khích của họ tại buổi xin lỗi công khai. Dư luận cũng hiểu được nỗi đau của sự mất mát, nên hiểu vì sao gia đình nạn nhân lại có những hành vi chưa được văn minh nói trên. Song, chúng ta đang sống trong một xã hội mà vấn đề thượng tôn pháp luật phải được đưa lên hàng đầu, dù đó là ai, giữ chức vụ gì, nỗi đau lớn đến đâu. Không phải cứ có nỗi đau là có thể bất chấp pháp luật, làm càn, làm ẩu. Thử hỏi khi ông Long bị các cơ quan tố tụng bắt giam oan tới hàng chục năm trời, rồi tuyên án tử hình oan thì gia đình và người thân của ông có đau không? Giả sử như hành trình kêu oan của gia đình ông Long thất bại, ông Long đã bị thi hành án tử hình? Và nếu vậy thì cái chết của ông cũng là oan uổng, không lẽ gia đình ông Long cũng sẽ kêu gào, hay thậm chí đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang phá phách, đến TAND Tối cao (nơi trước đây xử phúc thẩm) để hay lăng mạ?
Đương nhiên là gia đình ông Hàn Đức Long hay bất cứ gia đình những người bị các cơ quan tố tụng gây oan, sai cũng sẽ không làm điều đó rồi. Ngay cả khi họ có muốn cũng không dám làm, vì họ sẽ phải trả giá trước pháp luật về hành vi gây rối, cố ý gây thương tích, hủy hoại tại sản, hay chống đối, hành hung người thi hành công vụ. Bất cứ ai, ở đâu, thuộc tầng lớp nào trong xã hội đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Không thể buộc người khác phải hiểu, phải thông cảm vì mình có những khó khăn, đau khổ, để có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật.
Từ trường hợp đáng buồn này, dư luận hy vọng các cơ quan tư pháp có thể rút ra được một bài học kinh nghiệm đắt giá để trong những lần xin lỗi công khai sau không còn tái diễn tình trạng bát nháo, lộn xộn như trên nữa. Có như vậy thì buổi lễ xin lỗi công khai mới thực sự có ý nghĩa, những người bị hàm oan mới trút bỏ được gánh nặng tâm lý trong lòng. Và cũng chỉ có vậy mới đảm bảo được sự tôn nghiêm của Tòa án - cơ quan nhân danh Nhà nước, cơ quan thực hiện quyền tư pháp như Hiến định.