Tối 7/11, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam đã ra thông cáo về vụ việc 39 người Việt thiệt mạng trong một container tại hạt Essex, đông bắc London (Anh). Buồn và xót xa - đó là cảm giác chung của mọi người Việt Nam về thảm kịch nhân đạo này.
Khép lại, các nạn nhân sẽ được Chính phủ đưa về trong lòng quê hương, gia đình, làng xóm, nhưng vụ việc này rồi đây sẽ còn để lại nhiều trĩu nặng trong lòng nhiều làng quê Việt, đồng thời khiến chúng ta không thể làm ngơ trước sự táng tận lương tâm của các đường dây vẫn đang len lỏi vào từng gia đình, từng thôn xóm tìm đối tượng đưa người di cư bất hợp pháp.
Làm thế nào để không tái diễn thảm kịch này? Bài học nào cho những người nông dân với ước mơ đến với “miền đất hứa” để đổi đời? Cũng vì thế, kể từ khi Quốc hội khóa XIV bắt đầu kỳ họp thứ 8 đến nay, vụ việc này luôn nhận được sự quan tâm của truyền thông.
PV Tinh hoa Việt đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - một trong những địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất trong vụ việc.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.
PV: Thưa ông, vừa qua Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt giữ 9 đối tượng liên quan trong các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép và đang tiếp tục điều tra làm rõ. Vậy đây có phải vụ việc đầu tiên mà Công an Nghệ An bắt được những đối tượng đưa người ra nước ngoài trái phép hay không? Qua đấu tranh, khai thác, các đối tượng đã nói những gì về cách thức, thủ đoạn đưa người đi trái phép, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu: Tôi có thể khẳng định: Đây không phải là lần đầu tiên. Liên quan đến việc đưa người khác ra nước ngoài, hoặc giúp người khác ở lại nước ngoài trái phép, Công an Nghệ An đã từng khởi tố đến 3 vụ, có những vụ có đến 400 người liên quan. Gần đây chúng tôi khởi tố 1 vụ 3 bị can, đón và bắt đối tượng tại sân bay. Công an Nghệ An khởi tố án này tương đối nhiều, không phải bây giờ mới làm. Cho nên nói là cơ quan chức năng “chạy theo vụ việc thì không phải”. Suy cho cùng, mọi sự kiện bất trắc xảy ra đều do thiên tai hoặc nhân tai. Thiên tai là do những bất cập của thiên nhiên gây ra cho con người, còn nhân tai là do con người tự tạo ra, cho nên nói khi xảy ra một việc thì phải chủ động điều tra, truy tố, xét xử. Vụ 39 thi thể trong một container xảy ra tại Anh, kết luận về tội danh thế nào, cơ quan chức năng nước này sẽ có kết luận. Nhưng rõ ràng ở Việt Nam, hành vi đưa người Việt ra nước ngoài xuất khẩu lao động khi không thông qua cơ quan Nhà nước là bất hợp pháp. Đó là tội tổ chức môi giới đưa người khác ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo điều 349 Luật hình sự 2015.
Trong số 9 đối tượng này chưa thể nói ai đưa bao nhiêu người di cư bất hợp pháp, nhưng rõ ràng họ có liên quan, ít nhất là liên quan tới 1 người hoặc có thể nhiều hơn. Cái này chúng tôi sẽ công bố sau, nhưng những người chúng tôi bắt giữ là có căn cứ và đúng pháp luật. Nếu gọi là “đường dây chuyên nghiệp” có lẽ là chưa phải. Trong số 9 người bị bắt là những người có con, em, người thân làm việc ở bên Anh. Họ đã đi qua bên Anh rất nhiều lần, làm ăn được, cho nên từ bên Anh họ móc nối với người thân của mình ở quê nhà để tổ chức cho những ai muốn sang Anh thì bên kia họ đón.
Để đi sang Anh, có người nộp đến 49.000 USD, tức gần 1 tỷ đồng. Tất cả những người thiệt mạng bên Anh đều đi qua cửa khẩu Nội Bài, bay sang nước thứ ba hợp pháp. Khi họ xuất cảnh, các giấy tờ đều chứng minh là xuất cảnh từ sân bay Nội Bài chứ không phải đi theo đường tiểu ngạch qua Lào hay Campuchia. Tôi nghĩ, đây không phải là đường dây chuyên nghiệp, nhưng có những người được đưa đi trót lọt rồi. Năm 2017 cũng có, năm 2018 cũng có. Số người trong vụ việc vừa qua chủ yếu đi từ tháng 4 đến tháng 8/2019.
Ông có thể nói rõ hơn về con đường di chuyển, thưa ông?
- Đưa qua đường Nội Bài, rồi từ đây móc nối với đối tượng xấu đưa qua nước thứ hai, thứ ba hay thứ tư - điều này thì chúng tôi đang xác minh xem họ bay những chuyến bay nào khi sang đến quốc gia khác. Cái này thì cần phải có thời gian. Với gia đình các nạn nhân, vừa rồi báo chí trong và ngoài nước, nhân dân đến thăm hỏi, người ta cũng thấy rất mệt mỏi. Riêng điều tra của Công an tỉnh, ở Nghệ An lập danh sách 24 người, nhưng đã có 3 người điện về cho gia đình, còn 21 người, như đã biết.
Việc tổ chức chuyên án, điều tra ra đường dây này đã được Công an Nghệ An thực hiện thế nào, thưa ông? Và, tới đây, Công an Nghệ
An liệu sẽ bắt thêm bao nhiêu nghi phạm nữa?
- Bây giờ bảo bao nhiêu nghi phạm thì không thể nói một cách chính xác được, nhưng tôi nghĩ vụ án phải được mở rộng đến tối đa nếu như còn có những người khác thực hiện hành vi phạm tội. Quan điểm của pháp luật là không một tội phạm nào không bị phát hiện ra. Để chúng ta xử lý triệt để vụ án, phải truy đến cùng: ai đã phạm tội? Chúng ta cũng biết, nhu cầu đưa người xuất khẩu lao động là tương đối lớn nên mở rộng đến đâu sẽ kết luận đến đó.
Còn quá trình điều tra, cho đến nay tôi có thể ngắn gọn thế này: Từ ngày 23/10 khi có thông tin về vụ 39 người tử vong trong container, thì ngay ngày 24/10, qua khai thác thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là mạng của bà con Việt kiều ở nước ngoài nghi vấn có người Việt Nam. Đến 27/10, chúng tôi lập chuyên án trinh sát đấu tranh. Trong quá trình đấu tranh đó, đến ngày 2/11, chúng tôi đánh giá lại tình hình và thấy rằng cần phải khởi tố vụ án để ngăn chặn những đối tượng này bỏ trốn, cho nên chúng tôi lập được danh sách từ 8 đến 9 đối tượng nằm trong diện nghi vấn đưa người đi trái phép. Những đối tượng này, chúng tôi đều soát xét xem đưa ai đi? Sau đó chúng tôi khởi tố vụ án. Trong quá trình điều tra, chúng tôi phân loại, có thể bây giờ bắt 9 người nhưng nếu vai trò của họ là thứ yếu thì có thể loại, nhưng sẽ mở rộng xem còn bao nhiêu người đứng sau họ nữa? Bởi quá trình phạm tội này là ở bên Anh và người ở Việt Nam chỉ là môi giới, còn người bên Anh mới trực tiếp cho họ ở lại nước ngoài trái phép. Cho nên nó sẽ còn phát sinh các đối tượng khác. Nhưng đó là những đối tượng nghi vấn nên chúng ta bắt. Quá trình điều tra sẽ mở rộng đối tượng liên quan ở Việt Nam và người Việt Nam ở Anh cũng sẽ bị xử lý về hành vi này nếu họ cấu thành tội tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép. Hiện các đối tượng chúng tôi bắt giữ về đều khai nhận tất cả hành vi về đưa người sang bên Anh trái phép.
Một vụ việc đau lòng với tất cả chúng ta. Một kết quả, dường như đã đoán trước được, nhưng mỗi chúng ta đều không mong muốn, đều đau xót. Gia đình các nạn nhân chắc chắn cũng có cảm giác ấy, họ là những người đau lòng hơn ai hết. Trong quá trình điều tra, truy xét tạm giữ các đối tượng, khi làm việc với các đối tượng liên quan và với người nhà các nạn nhân, cơ quan Công an Nghệ An có gặp khó khăn gì không?
- Thực ra cũng có mấy khó khăn. Khó khăn thứ nhất là về phía bị hại, mặc dù gia đình rất buồn, rất đau xót nhưng phía bị hại vẫn có một hy vọng con mình không phải trong số nạn nhân ấy. Thứ hai, trong tâm lý của một số người Việt bị hại họ nghĩ vẫn có thể cứu vãn được, thôi thì mất người còn của, một số người bên kia sẽ trả lại cho mình một số tiền chẳng hạn. Đây là 2 tâm lý chi phối. Sự chi phối này, tôi nghĩ, cũng là hết sức bình thường, vì đó là lợi ích của họ và nó có thể gây khó khăn bước đầu cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, vận động, giải thích nêu được sự thiệt - hơn thì hầu như các gia đình bị hại đều hợp tác cả. Thế còn trong quá trình điều tra các đối tượng nghi vấn thì thông tin là tuyệt mật, từ trước đến nay tôi không dám công bố vì đó là mã quan trọng nhất. Chúng ta chỉ cần lộ ra một chút, tất cả đánh động, thậm chí họ bỏ trốn khỏi địa phương hoặc đi nơi khác, chúng ta rất khó điều tra. Vì vậy, khi có đủ tài liệu chứng cứ chúng ta dứt khoát phải làm triệt để, còn nếu làm đơn lẻ sẽ rất khó khăn cho công tác điều tra.
Đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm, là Giám đốc Công an tỉnh, ông thấy bản thân mình và Công an Nghệ An có phải chịu nhiều áp lực?
- Áp lực thì lâu rồi. Chúng tôi quen với áp lực rồi. Thực ra áp lực càng lớn, anh em càng trưởng thành. Đúng là vất vả thật nhưng từ chỗ nhiều áp lực, mình xử lý các vụ việc sẽ có kinh nghiệm rất dày dặn. Đây là một trong những vấn đề mà Công an Nghệ An đã xử lý rất nhiều năm. Trước đây, chúng tôi đã từng có áp lực về đấu tranh với các đối tượng phản động, hay các vụ việc phức tạp do việc lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường mà một số đối tượng xấu trong các tổ chức tôn giáo gây ra. Nghệ An chịu áp lực vô cùng lớn. Bây giờ vụ 39 người thiệt mạng trong container tại Anh cũng lớn, nhưng chúng tôi quen rồi. Cho nên từ áp lực ấy, có một phương pháp, đó là: Tập trung chỉ đạo, đồng lòng, quyết tâm và làm việc có bài bản, có trách nhiệm, có quy trình rõ rang thì đỡ tốn thời gian, công sức. Cho nên toàn bộ cái gọi là “áp lực” chúng tôi sẽ vượt qua được.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn của phóng viên bên lề Quốc hội.
Khi sự việc xảy ra, trong quần chúng có hàng triệu tai mắt, họ biết là nhà ông bà này có ai đi. Cơ quan điều tra đến đó, thu thập, sàng lọc dần, rồi chúng tôi thống kê lại và xác minh xem họ đi bằng con đường thế nào, phương thức ra sao?
Trong vấn đề phối hợp tư pháp, do vụ việc xảy ra tại Anh, nên trách nhiệm cơ quan điều tra nước Anh phải làm. Đây không phải vấn đề buôn người, bởi có hai yếu tố để loại trừ nhận định này. Họ ra nước ngoài làm ăn, họ nộp tiền, không ai bỏ ra một tỷ đồng để cho người khác buôn mình cả, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép. Còn các đối tượng chúng tôi muốn nói là người Việt Nam sang Anh rồi từ Anh tạo điều kiện đưa người Việt Nam sang và ở lại đó trái pháp luật thì dứt khoát phải xử lý.
Từ vụ việc đau lòng này, với tư cách là một người cha như bao người cha khác, chắc hẳn ông rất đau lòng, rất chia sẻ với các nạn nhân và gia đình họ. Nhưng, là người đứng đầu cơ quan Công an ở một địa phương có nhiều người bị nạn nhất trong sự kiện này, ông có cảnh báo gì tới toàn xã hội, nhất là các gia đình đang có ý định cho con em đi nước ngoài với mơ ước được đổi đời nhưng biện pháp lại không đúng quy định của pháp luật?
- Chúng ta phải thấy, ở Anh có những công việc làm có thể có thu nhập như làm nail, phục vụ nhà hàng, khách sạn. Có người nói là sang để “trồng cỏ”, có chuyện đó chứ không phải là không. Còn thông tin thì gia đình bị hại không thông tin đầy đủ. Nếu biết sang Anh để “trồng cỏ” hoặc đi chui lủi thì chắc chắn gia đình không cho con mình đi, bởi đi như vậy là bỏ ra số tiền rất lớn và rủi ro rất lớn nên họ không bao giờ cho con mình làm chuyện đó. Cho dù người ta có khó khăn đến bao nhiêu nữa thì lượng tiền ấy vẫn khá đủ để con em mình làm ăn trong nước. Việt Nam là điểm đến an toàn, điểm đầu tư lý tưởng, người ta đến Nghệ An đầu tư rất nhiều chứ không phải cứ ra nước ngoài thì mới làm ăn được. Quan trọng là họ không có thông tin, họ bị lôi kéo; nhất là, thấy người ta đi về có tài sản cứ nghĩ con em mình có thể đổi đời bằng hình thức này.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để mọi người dân có thể lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình. Với số tiền gần 1 tỷ đồng bỏ ra để di cư trái phép sang nước ngoài làm công việc như “trồng cỏ” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông người dân cần nâng cao nhận thức và dùng số tiền này để lập nghiệp thay vì bỏ ra để lao động chui lủi?
- Mưu cầu hạnh phúc, làm giàu hợp pháp của mọi người dân là chính đáng và Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên làm giàu phải hợp pháp, có cơ sở và khi giàu rồi cần nghĩ đến làm gì cho những người xung quanh và xã hội. Đấy là ý nghĩa cao nhất của cuộc sống chứ không phải chỉ mình giàu thôi, còn người khác nghèo. Bên cạnh đó, để xác định thế nào là đạt mức độ giàu, cái đó ta cần giáo dục cho mọi người thấy được nhu cầu của mình, có được cuộc sống thanh đạm vừa phải. Nếu xác định nhu cầu quá cao mà bản thân không đáp ứng được thì lúc nào cũng cảm thấy khổ cả. Vì thế mỗi người hãy xác định cho mình cuộc sống vừa phải, thanh đạm và cảm thấy rằng: so với cuộc sống của nhiều người, như thế còn tốt đẹp và cần phấn đấu vươn lên.
Bên cạnh đó, xã hội và truyền thông phải đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người thấy rằng đất nước ta hiện đang phát triển rất tốt, môi trường đầu tư đã được cải thiện hơn lên, nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam để làm ăn, khởi nghiệp, nhiều thanh niên khởi nghiệp và làm giàu rất nhanh. Nếu trong tay có 1 tỷ đồng, có thể dùng để đầu tư trong nước, còn tham vọng làm giàu thật nhanh bằng cách ra nước ngoài, di cư trái phép và nghĩ rằng có thể làm giàu nhanh hơn, đó là suy nghĩ không đúng.
Sự kiện 39 người tử vong trong container đã để lại bài học sâu sắc cho mọi người. Các gia đình có lẽ sẽ rút ra kinh nghiệm nào đó. Về phía Nhà nước, tôi nghĩ, cần tạo ra nhiều công ăn việc làm có thu nhập ổn định trong nội địa, khuyến khích mọi người tự phát triển, tự làm giàu nuôi sống bản thân mình, đóng góp cho xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng phải cung cấp thông tin cho mọi người để họ hiểu không phải cứ ra nước ngoài có thể kiếm được nhiều tiền. Nói thật là rất vất vả, thậm chí vất vả hơn ở trong nước, chưa kể sống trong điều kiện ngôn ngữ, phong tục tập quán không biết gì, điều kiện làm việc hà khắc. Ra nước ngoài kiếm được 1 đồng cũng là mồ hôi nước mắt, lăn lộn chứ không phải như chúng ta nghĩ đâu. Không phải ai ra nước ngoài cũng giàu, có người ra đi xong lại phải trở về, không có tiền gia đình phải gửi tiền sang để về. Cho nên đây là thực tế cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người thêm hiểu biết.
Hiện tại nhiều vùng quê, thanh niên đang thiếu việc làm, vậy ông có nghĩ chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ dạy nghề, hay thậm chí là khởi nghiệp cho thanh niên tại vùng quê. Vì khi có nghề, nuôi sống bản thân họ sẽ gắn bó với quê hương thay vì ra nước ngoài để lao động chui lủi, bất hợp pháp?
- Chương trình dạy nghề hiện nay đang được xã hội đang quan tâm và hiện đã có nhiều chương trình tốt. Điều quan trọng là những ai có suy nghĩ ra nước ngoài làm giàu nên có suy nghĩ lại. Hãy sống theo năng lực thực tiễn của mình, đừng đưa ra cái gì đó quá cao xa, làm cho mình lúc nào cũng nghĩ rằng mình khổ hơn mọi người, để rồi dấn thân vào những con đường nguy hiểm và không đúng pháp luật như vậy là không nên.
Trân trọng cảm ơn ông!