Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 11.000 tấn thịt lợn với kim ngạch nhập khẩu hơn 22 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ Mỹ, Pháp, Canada...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải nguyên nhân của việc nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh, một phần là để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong nước do dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Đáng chú ý, thịt lợn nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều so với thịt lợn tươi sống trong nước, thậm chí giá chỉ bằng một nửa. Đơn cử, giá thịt móng giò ngoại nhập 35.000 đồng/kg, xương sườn 60.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá 70.000 đồng/kg…
Số lượng thịt nhập khẩu lớn và giá thấp hơn nhiều so với thịt lợn tươi sống trong nước, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Tại sao giá thịt lợn nhập khẩu lại rẻ bất thường như vậy? Một số ý kiến cho rằng không loại trừ tình trạng gian lận thương mại, tức nhà nhập khẩu mua hàng gần hết “date” để tuồn vào tiêu thụ trong nước. Chưa kể, nguy cơ nguồn thịt lợn nhập từ Mỹ và Canada có thể còn dư lượng chất tạo nạc đã bị cấm tại các quốc gia này.
Trước tình hình này, giới chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn sáng suốt khi mua sản phẩm thịt lợn, không nên ham rẻ mà bỏ tiền mua các loại thịt nhập khẩu có giá chỉ bằng nửa giá thịt lợn tươi sống trong nước. Về phía nhà quản lý, cần tiến hành kiểm tra chất lượng thịt từ các nước nhập khẩu và có biện pháp quản lý sản phẩm này chặt chẽ hơn.
Được biết, tới đây nhà quản lý cũng sẽ xây dựng những hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế một số sản phẩm thịt chất lượng kém, cận hạn sử dụng, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người… để tránh những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ ngành chăn nuôi nước nhà.