Học chuyên ban A, làm thơ từ năm 13 tuổi, là thành viên Bút nhóm Vòm Me Xanh nổi tiếng một thời từ 18 tuổi, học ngành Công nghệ thông tin, rồi lại dành cuộc đời cho thơ ca, để rồi các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Phong Viêt trở thành hiện tượng xuất bản. Tuy nhiên ít ai biết rằng tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ” của anh từng bị 4 nhà xuất bản từ chối.
PV:“Mình sẽ đi cuối đất cùng trời” là tập thơ mới nhất anh vừa ra mắt, như lời hứa trước, vào mỗi dịp Noel. Nhớ lại từ năm 1998 khi là thành viên của Bút nhóm Vòm me xanh, anh có thể chia sẻ về những ngày thơ ngây ấy, khi vừa tròn 18 tuổi?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Thật ra tôi chính thức bắt đầu viết thơ vào những năm 13 tuổi khoảng năm 1993, thời điểm ấy chỉ đơn giản là mong muốn kiếm một số tiền từ các khoản nhuận bút đăng báo. Và thật may các tờ báo ngày ấy như Mực Tím, Áo Trắng… cho tôi thêm nhiều cơ hội để tự tin dần với trang viết của mình. Còn những câu chuyện ngày ấy kể bằng thơ chỉ đơn giản là kiểu giận hờn tuổi học trò, ghế đá, sân trường… và hầu hết cũng chỉ là dựa vào sự tưởng tượng là chính. Ngay cả năm 18 tuổi khi gia nhập bút nhóm Vòm Me Xanh và vào Sài Gòn học đại học, tôi cũng không hề có chút ý niệm nào về việc đi theo nghề viết lách dài hơi. Đơn giản, nó chỉ là một sở thích và mang lại được một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Học về ngoại ngữ, tin học, nhưng vì sao anh chọn cuộc đời mình gắn bó với thơ ca?
- Vì tôi học chuyên ban A - Toán, Lý, Hóa - nên vào thời điểm năm 1998 quyết định theo đuổi ngành Công nghệ thông tin cũng là lẽ tất yếu. Ngoài ra, năm 1997 khi Internet xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam thì đó là một nghề cực hot, tôi cũng không thoát khỏi quy luật đi theo xu hướng ấy. Chỉ là năm 2002 khi tốt nghiệp ra trường, tôi nhận ra mình không thể làm một công việc mà gần như mỗi ngày đều ở trong phòng máy lạnh, đối diện với bốn bức tường. Tôi muốn bước ra ngoài kia, nhìn ngắm thế giới, tiếp xúc với mọi người và phát triển bản thân mình hơn trong giao tiếp. Đó là lý do tôi không làm bất cứ ngày nào với nghề IT, rồi quyết định theo hẳn nghiệp báo và viết lách…
Vì sao đến năm 2012, anh mới quyết định ra tập thơ đầu tay?
- Tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ” chính xác là được viết những bài thơ đầu tiên vào năm 2007 khi tôi trải qua một biến cố về tình cảm. Và không như nhiều người khác, tôi chọn cách giải tỏa cảm xúc của mình bằng cách viết nó xuống. Và cũng chỉ vì muốn viết cho mình, không muốn để mình đau đớn mãi trong cảm xúc ấy nên tôi cũng không quan tâm đến việc mọi người có thích hay không, có xuất bản sách hay không. Thật tình cờ một người bạn của tôi là nhà báo - nhà văn Dương Bình Nguyên đọc và post những bài thơ ấy trên mạng xã hội của anh. Cứ thế như một duyên may, những bài thơ ra đời và mọi người đọc, chia sẻ, đồng cảm… Mãi cho đến năm 2012, khi các độc giả của tôi trên mạng xã hội thật sự mong muốn cầm được một tập sách trên tay chứ không phải mỗi lần đọc phải dùng đến internet. Đó là lý do tôi quyết định tập hợp lại những bài thơ ấy để xuất bản. Dù rằng cũng có đến ít nhất 4 nhà xuất bản từ chối bản thảo của tôi, mãi cuối cùng đến đơn vị thứ năm thì may mắn mới mỉm cười.
Với sự thành công từ tập thơ đầu tiên, lý do nào anh quyết định mỗi năm (kể từ năm 2012 đến nay) ra mắt đều đặn một cuốn sách vào dịp Noel?
- Vì tôi thích không khí Giáng sinh, tôi thích cái thời khắc cuối năm lúc mà mọi người hay có cảm giác hoài niệm lại một năm dài đã đi qua, nhìn lại mình để biết đã được gì mất gì và rồi vững tin bước tiếp. Mỗi tập thơ của tôi ra mắt vào dịp Giáng sinh, theo cách nào đó, là một món quà được trao cho khoảnh khắc được nhìn lại ấy.
Với anh trở thành hiện tượng xuất bản với số lượng đầu sách bán ra cho mỗi cuốn, hay tập trung vào nội dung sáng tạo chuyển đạt được những rung động cảm xúc sâu lắng mà riêng tư qua thơ, điều gì cần hơn?
- Thật sự tôi không kiếm tiền bằng việc bán sách, mà ở Việt Nam nếu có muốn cũng không thể ngoại trừ những trường hợp hiếm hoi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đang sống tốt với công việc của một freelancer với rất nhiều công việc liên quan đến mảng media, tôi cũng kinh doanh về mảng spa cùng với một người bạn… Thế nên một cuốn sách với tôi dù như thế nào thì nội dung vẫn phải mang lại một giá trị nhất định cho người đọc. Nhất là khi người đọc chịu bỏ ra một số tiền để mua cuốn sách của mình, lại là một cuốn thơ thì mới hiểu tình cảm ấy của độc giả dành cho tôi trân trọng đến mức nào. Tôi đã và vẫn luôn tin rằng những trang thơ mình viết ra đều là những trải nghiệm quý giá mà mình may mắn có được.
Trên thực tế, chàng trai đang sát đến gần tuổi 40, mà tâm hồn qua thơ vẫn thanh tân như tuổi 18 xưa?
- Không đâu, tôi đã là một tôi rất khác rồi. Tuổi 40 không còn nhìn cuộc đời như ngày 18. Nhưng không hiểu sao, vào những ngày tháng này, tôi cảm nhận đây mới là tuổi đẹp nhất của tôi với tất cả sự tự tin, trưởng thành về nhận thức và thấu hiểu được phần lớn nội tâm của mình. Tập thơ “Mình sẽ đi cuối đất cùng trời” mà tôi vừa phát hành, khi mọi người đọc, sẽ nhìn thấu được nhiều hơn về phần nội tâm này, điều mà trước đó tôi viết rất ít về nó.
Cảm giác anh đã định hướng rõ ràng với mục tiêu xác định khi thơ của mình sẽ dành cho độc giả trẻ?
- Độc giả của tôi không trẻ đâu, phần lớn họ đều là những người đã đi qua rất nhiều những trải nghiệm cuộc sống, đã va vấp và chịu đựng nhiều tổn thương. Chính những điều đó mới giúp tôi và họ có cùng tần số về cảm xúc. Chúng tôi theo cách nào đó đã cùng nhau trưởng thành qua năm tháng mà cầu nối chính là những trang thơ…
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt.
Thơ của anh ít tìm kiếm kỹ thuật biểu hiện ngôn từ mới?
- Tôi không chủ trương đi tìm sự mới mẻ, độc đáo, thú vị trong thơ. Tôi chỉ tha thiết với những gì mình viết ra phải có cảm xúc. Thế nên những gì mọi người cho rằng là phong cách của Nguyễn Phong Việt sẽ không bao giờ thay đổi, thứ duy nhất thay đổi là cách tôi kể một câu chuyện với một tâm thế của một người trưởng thành theo thời gian.
Sử dụng những câu chữ giản dị, nói về những điều quen thuộc, để nảy sinh một tư duy tích cực hơn với cuộc sống, có phải cách anh chọn để thơ của anh có thể đến với sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc?
- Là như vậy. Vì bản chất tôi cũng đang sống một cuộc sống đơn giản, nhiều lạc quan, yêu thương bản thân và học cách chấp nhận những khác biệt trong đời sống như nó vốn dĩ phải thơ. Càng sống tôi càng nghĩ nhiều về sự tích cực, và tôi muốn chia sẻ điều đó với độc giả của mình.
Đọc thơ anh, có nói về những cô đơn, chia ly, những xa cách của lòng người, nhưng không có nét buồn gì trong ấy cả, vì với anh, nó là sự dĩ nhiên của một mặt sống, chỉ có con người là cần tìm cách để đi qua?
- Thật ra thơ tôi luôn lẩn khuất đâu đó những nỗi buồn, chỉ là nỗi buồn ấy không còn bi lụy nữa mà kiểu mình nhìn thấy để hiểu và học cách bước qua nó. Đã từ lâu, tôi chấp nhận sự cô độc trong con người mình là lẽ tất yếu. Ông trời luôn công bằng, cho bạn điều này thì bạn sẽ mất mát đi một hay vài điều gì đó khác. Tôi chấp nhận và vui sống cùng nó. Thế nên khi nói về nỗi buồn, tôi cũng đang nói theo cách để độc giả biết rằng dù có muốn chúng ta cũng không thể từ chối sự xuất hiện những mất mát trong đời mình. Cách tốt nhất và duy nhất là đối diện và đi qua nó, hoặc là đồng hành cùng nó.
Dòng chảy xuyên suốt qua các tập thơ của anh từ năm 2012 tới nay, đó là một nhịp giữ cho cân bằng của con người trước những biến động tâm lý cuộc đời?
- Tôi không chủ định với dòng chảy cảm xúc ấy, những rõ ràng tôi có những may mắn để có cơ hội đi cùng với nó như một nhịp điệu cân bằng mình qua rất nhiều năm tháng. Thơ giữ tôi lại với đời sống này như thể đó là một niềm vui hiếm hoi…
Anh là người sống có quan điểm riêng biệt và rõ ràng, điều đó cũng thể hiện qua tư tưởng trong thơ anh?
- Trong tôi có ít nhất hai con người, một rất thực tế và kỷ luật, một thì lãng mạn và đôi khi hơi bề bộn. Thật may tôi luôn biết cách tách biệt hai con người ấy để không bao giờ phải nhập nhằng với nhau. Càng về sau tôi càng muốn rõ ràng mọi thứ trong đời sống của mình, vì để cho người khác đoán mình, cho rằng mình nguy hiểm thì đã là một thất bại của một người mong muốn lớn nhất là sống bình an.
Một Phong Việt ngoài đời đang có cuộc sống ra sao?
- Tôi thật sự thoải mái với cuộc sống của mình, mỗi ngày tôi đều hướng đến sự bình an nhiều hơn một chút dù các công việc tôi đang làm chưa bao giờ ít đi. Tôi đã và đang bước đi trên con đường trưởng thành về nhận thức.
Anh có nghĩ, bản thân sẽ mãi là nhà thơ của lứa tuổi thanh tân?
- Tôi mong muốn sẽ còn gặp lại độc giả yêu thơ của mình trong 2 mùa Giáng sinh nữa với 2 tập thơ mà tôi cũng đã có tựa là “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa”, vào mùa Giáng sinh 2021 và “Đi qua thương nhớ” - version 2 vào mùa Giáng sinh 2022. Đó cũng là thời điểm tôi muốn khép lại hành trình 10 năm với 10 tập thơ và 10 mùa Giáng sinh. Dừng khi mọi thứ vẫn đang là niềm vui luôn là một ký ức đẹp.
Đến tuổi 40, anh có dự định gì tiếp cho mình?
- Bây giờ thì tôi đang sống tuổi 40 rồi. Và dự định lớn nhất của tôi là mong muốn mình khỏe mạnh và bình an mỗi ngày. Còn kế hoạch mới nhất trong năm 2020 là vào khoảng tháng 3.2020 lần đầu tiên tôi sẽ xuất bản một cuốn tản văn có chủ đề “Chúng ta sống có vui không”, với một cách tiếp cận về trải nghiệm rất khác biệt. Còn trong mùa hè 2020 tôi sẽ phát hành tập thơ thiếu nhi song ngữ thứ 2 của mình sau tập “Xin chào những buổi sáng”.
Xin cảm ơn anh, chúc tập thơ mới của anh tiếp tục được đông đảo bạn đọc đón nhận.