Thơ là một huyền diệu bình thường

Việt Quỳnh 04/12/2021 09:00

Viết từ cảm giác, có thể nói về tiền kiếp hay câu chuyện tâm linh hết sức tự nhiên, Trần Lê Sơn Ý bộc lộ tài năng về sử dụng chữ nghĩa. Điều ấy, ít ai có thể chạm tới. Tuy nhiên, chị lại không viết nhiều, và cũng không thôi thúc việc buộc mình phải viết. Có thể là bắt đầu, nhưng sự kết thúc lại nằm ở ngẫu nhiên. Nhưng đến lúc này, Trần Lê Sơn Ý mới ngẫm nghĩ về việc ra mắt bạn đọc cuốn sách mới khi những sáng tác gần đây mang giọng điệu khác xưa.

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý.

Viết từ cảm giác, có thể nói về tiền kiếp hay câu chuyện tâm linh hết sức tự nhiên, Trần Lê Sơn Ý bộc lộ tài năng về sử dụng chữ nghĩa. Điều ấy, ít ai có thể chạm tới. Tuy nhiên, chị lại không viết nhiều, và cũng không thôi thúc việc buộc mình phải viết. Có thể là bắt đầu, nhưng sự kết thúc lại nằm ở ngẫu nhiên. Nhưng đến lúc này, Trần Lê Sơn Ý mới ngẫm nghĩ về việc ra mắt bạn đọc cuốn sách mới khi những sáng tác gần đây mang giọng điệu khác xưa.

“Tôi có một bình minh nằm mãi khi mặt trời trở dậy. Nhìn thấy lưỡi mình ngắn dần rồi mọc ngược vào trong. Không thể thè ra liếm láp một hạt sương, một hạt nắng, thậm chí là một hạt nước trong hốc mắt của người./ Tôi biết rồi sẽ đến. Ngày không còn ai giao tiếp với ai. Ngày không còn điều gì để giao tiếp. Ngày không còn giao tiếp. Lưỡi chỉ còn một đặc ân duy nhất, lau khô những giọt nước của chính mình. Bởi bàn tay cũng đã tiến hóa. Hay thoái hóa”. (Trích trong “Free Flow 4” viết năm 2020).

Với Trần Lê Sơn Ý, chị không nhìn thơ ca trong chiếc hộp, mà nhìn nó trong cuộc sống của mỗi người: “Một em bé đôi khi reo lên trước một điều gì đó hết sức tầm thường, xoàng xĩnh hay cười khanh khách trước cái gì mà mình cười không nổi… đó là thơ chứ còn gì, tôi nghĩ. Tôi thấy mình quá nghèo để có thể cảm nhận và mô tả được nhịp điệu âm vực cao đó cũng như có thể cười trước tất cả mọi điều như thể đó là điều quan trọng và huyền diệu nhất ngay lúc đó! Thơ cũng là một điều bình thường huyền diệu như vậy, với tôi”.

Bài thơ đầu tiên của Trần Lê Sơn Ý viết về hoa dủ dẻ, loài hoa dại, cánh cứng, vàng, hương thơm nồng nàn. Người xưa từng quan niệm rằng, hoa không dùng để hái mang về nhà chơi, vì sợ hồn bướm về theo. Thời đó, chị thường thích viết thơ tứ tuyệt, hoặc lục bát bốn câu. Những bài thơ bắt đầu nho nhỏ, như thế.

Tuổi thơ của Trần Lê Sơn Ý, trải dài miền ký ức của 18 năm, bắt đầu từ khi rời bụng mẹ với những đẹp đẽ và thơ mộng. Bởi trong ký ức chị, may mắn sao, chỉ lưu giữ những điều tích cực đẹp: “Tôi nhớ nhà tranh vách đất nằm giữa một khu vườn rộng, có gần như đầy đủ các thức rau. Những trưa không ngủ, toàn trốn ra cây mận, cây ổi vắt vẻo trên đó ăn rồi phun hạt xuống như sóc. Bữa không ổi, không mận không xoài thì xài đỡ dưa leo. Cứ thấy trái nào vừa mắt là xoắn, không rửa gì cả, chỉ chùi chùi vô áo cho bớt phấn rồi nhai rôm rốp - que kem mùa hè mát rượi của tôi. Rồi cũng đua theo chúng bạn, bắt ốc, mò cua, bẫy chim… cũng lêu lổng lắm. Tệ nhất là cái vụ đi học không bao giờ từ trường về thẳng nhà, lúc nào cũng quẹo vô một chỗ nào đó, khi thì đi đường ruộng để lội nước về, khi thì ghé vô chùa chơi, khi thì đi theo bạn ra đồng hái rau muống về cuốn bánh tráng nước mắm ăn trưa… xong đâu đó mới về nhà! Có hôm má sai ra đầu ngõ mua cho má cái gì đó, dầu ăn hay củ hành gì đại loại, má đang nấu dở bữa. Đi sao gặp bạn, bạn rủ ra đồng tát nước, thời tôi còn nhỏ vẫn còn tát nước bằng gàu, tát chút chơi cho biết rồi chui vô gốc cây chay trốn nắng, gió hiu hiu ngủ luôn ngoài cánh đồng đến khi má xách cái roi đứng sừng sững ở đó mới lồm cồm ngồi dậy mếu máo! Kể biết bao giờ cho hết chuyện ngày xưa…”.

Vào cái thời người lớn không quá vất vả chuyện kiếm ăn, cơm nước nhà cửa có con cái đỡ đần. Hẳn cách sống phóng khoáng lấy tinh thần làm trọng, đã ngấm dần vào trong Trần Lê Sơn Ý. Ba mẹ thường xuyên vắng nhà, nên chị cũng sớm biết đỡ đần ba mẹ, chăm sóc các em. Nhờ thế, mà học được tự lập, có trách nhiệm và tự do làm điều mình muốn. Bình Định là vùng đất trọng việc học. Câu nói cửa miệng của ba mỗi lần ông xỉn là… “trăng trối” với mẹ chị: “Tui chết, bà có đi ăn mày cũng phải cho các con học hành đến nơi đến chốn”.

Câu nói trong khung cảnh ấy ám ảnh tâm trí chị. Ba cũng là người trong những dịp lễ, hay đi đâu xa về quà của ông dành cho con là sách. Trong trí nhớ, chị thấy chữ ba mình đẹp nhất… thế giới, ba cũng thuộc hàng “soái ca” thời ông vì học giỏi, điển trai, chỉ số vượt khó cao: “Ông là người thầy đầu tiên trong đời tôi, người dạy tôi đọc sách, đọc thơ, nhất là “Truyện Kiều”. Từ lúc còn nhỏ tôi đã có “kệ sách” của riêng mình, góc kẹt phía sau cánh cửa. Rất tiện, vì tôi và các em đều mê ngồi ngay bậu cửa nhìn ra vườn đọc sách. Ngoài ra tôi còn sở hữu một mảnh vườn con con của riêng mình (là một mô đất nhỏ nhô lên hơi cao so với khu vườn). Đó là nơi tôi trồng các loài hoa yêu thích của mình: móng tay, cúc trấu, vạn thọ, cẩm chướng, cúc, thược dược, sao nhái (hồi đó ở quê tôi chúng được gọi là bươm bướm hoặc chuồn chuồn vì rập rờn như cánh bướm). Các con tôi sau này rất thèm thuồng tuổi thơ của mẹ, nhất là người bạn thiên nhiên mà tôi dù cố gắng thế nào cũng không thể tặng đủ cho con mình. Nhìn lại có vẻ tôi của hôm qua cũng không thay đổi nhiều”.

Cho đến giờ, Trần Lê Sơn Ý vẫn đang trả lời câu hỏi, liệu chị và văn chương có thuộc về nhau không? Vốn thích đọc, thích quan sát, yêu thiên nhiên và những điều bé nhỏ từ hồi xa xưa, bài viết ngắn đầu tiên mà Sơn Ý đăng báo “Tuổi hồng” là hè năm lớp 7 lên lớp 8. Ba mẹ đưa cả nhà đi Buôn Ma Thuột chơi. Tây Nguyên hè thường hay mưa bão. Đêm đó, Sơn Ý không ngủ được vì mưa gió dữ dội. Sáng thức dậy trời đất lại im ru. Khi mở cửa ra vườn, chị phát hiện ra trong cơn bão đêm qua, có một nụ tường vy mong manh vẫn nở trắng muốt không hề hư mẻ, dù bao nhiêu hoa lá rụng tơi bời bên cạnh. Câu chuyện bông hoa mong manh đó đã được ban biên tập “Tuổi hồng” chọn đăng, đó là cây cầu dẫn Sơn Ý đi vào miền văn chương đến giờ.

Lúc này, nhìn lại những tháng năm đã trôi qua trong cuộc đời, Trần Lê Sơn Ý giật mình nhận ra bản thân không đổi khác nhiều. Từ việc tự quan sát bản thân, khi càng nhiều việc, chị lại càng muốn làm thơ. Còn khi thong dong thì lại chỉ thèm chơi: “Khi còn trẻ, tôi có thể viết bất kì đâu, bất kì lúc nào, nhất là khi bị ép thời hạn công việc. Nhưng giờ già hơn chút, thì khác. Tôi có thể thong thả hỏi mình có muốn viết không? Nếu câu trả lời là không thì ổn thôi, không có gì bức bách hay thôi thúc. Ngược lại nếu có thì ngay lúc muốn là có thể viết rồi. Nhưng thường thì tôi thích kiểu để ngâm ngâm trong lòng một thời gian, có thể khi lên giường ngủ vẫn cho nó chút thời gian của mình. Và có lẽ một đêm khuya hay sáng sớm nào đó, khi thời gian thực sự là của mình, tôi có thể bắt đầu. Còn kết thúc là việc của các bạn ấy, không phải việc của tôi. Tất nhiên khi viết mình cũng con sóng xúc cảm cuốn đi, nhưng khi xong, có cảm giác như mọi thứ đã về đúng trật tự của nó, tôi nhẹ nhõm có thể trống rỗng, đôi khi có thể một con sóng mới thay vào. Khi bắt tay vào viết một cái gì đó, ta có sẵn một đề tài, hoặc ta sẽ lựa chọn viết cái gì. Cũng có khi bắt gặp một điều gì đó, tạm gọi là tứ thơ, cái tạo cảm hứng cho mình, tôi bắt lấy và thử viết, có khi chỉ nắm lại nuôi nó thêm một thời gian. Đôi khi mình cũng bị câu thơ dẫn đi về vùng đất của nó, có khi nó còn đẹp hơn cái mình dự định ban đầu”.

May mắn, Trần Lê Sơn Ý có được sự nhạy cảm, trực giác tốt và niềm yêu thích nghệ thuật, con người. Nhưng điều ấy làm chị ít nhiều khép kín, thích tĩnh lặng và không dành quá nhiều thời gian cho các mối quan hệ xã hội. Trong khi loài người phát triển nhờ sự giao tiếp. Sơn Ý tự hỏi, liệu chị có đang bị kẹt trong mâu thuẫn này không.

Ngoài các tập in chung với mọi người, đến thời điểm này “Cơn ngạt thở tình cờ” là tập thơ riêng duy nhất của Sơn Ý và dành được thương mến từ độc giả cũng như giải thưởng. Với Sơn Ý, chị là người nhận được may mắn: “Viết là việc của người cầm bút, in là chuyện người làm xuất bản. Vì vậy, trước giờ, tôi vẫn nghĩ in hay không là tùy duyên. Thời điểm này, nghĩ đến chuyện in một tập thơ có phải là điều xa xỉ? Dẫu vậy, cũng đã đến lúc giới thiệu một cuốn mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thơ là một huyền diệu bình thường