Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hôm đầu tuần đã tuyên bố chiến thắng trong một cuộc trưng cầu dân ý nhằm trao cho ông quyền lực gần như tuyệt đối, tuy nhiên lại đối mặt với tình trạng đất nước bị chia rẽ khi các phe phái đối lập tuyên bố thách thức kết quả này.
Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan ăn mừng
trước kết quả trưng cầu dân ý. (Nguồn: NBC).
Theo kết quả trưng cầu công bố hôm 17/4, các khu vực Đông Bắc nước này vốn tập trung đông người Kurd cùng 3 thành phố chính, bao gồm cả thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất là Istanbul, đã bỏ phiếu phản đối sửa đổi Hiến pháp. Tổng thống Erdogan cho hay có 25 triệu người dân ủng hộ đề xuất này, trong đó thay thế hệ thống Quốc hội bằng quyền Tổng thống toàn quyền và hủy văn phòng Thủ tướng, giúp ông đạt được 51,5% số phiếu ủng hộ.
Tuy chỉ giành chiến thắng hết sức sít sao chứ không phải tuyệt đối như ông Erdogan và đảng cầm quyền AKP của ông đã tuyên bố, nhưng hàng nghìn người ủng hộ đã lập tức đổ ra các tuyến đường ở Ankara và Istanbul để vẫy cờ ăn mừng.
“Lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta đang thay đổi hệ thống cầm quyền thông qua chính trị dân sự” - Tổng thống Erdogan nói, nhắc tới hàng loạt cuộc đảo chính quân sự đã ám ảnh Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều thập kỷ qua - “Đó là lý do vì sao điều này rất có ý nghĩa”.
Theo các sửa đổi Hiến pháp, dự kiến sẽ có hiệu lực sau kỳ bầu cử diễn ra năm 2019, Tổng thống sẽ được quyền chỉ định các thành viên Nội các và một số lượng không xác định các Phó Tổng thống, cùng khả năng lựa chọn và cách chức đội ngũ công chức mà không cần Quốc hội thông qua.
Có nhiều đồn đoán cho rằng ông Erdogan sẽ kêu gọi bầu cử sớm để quyền lực mới của ông có thể có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Mehmet Simsek đã nói với hãng tin Reuters rằng không hề có kế hoạch nào như vậy, và kỳ bầu cử vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức trong năm 2019.
Bản thân Tổng thống Erdogan cũng từng kinh qua một âm mưu đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái, và phản ứng bằng cách thực hiện cuộc thanh trừng mở rộng khiến 47.000 người bị bắt giữ, 120.000 người bị sa thải.
Ở thủ đô Ankara, Thủ tướng Binali Yildirim cũng có bài phát biểu mừng chiến thắng trước những người ủng hộ. Tuy nhiên, những người phản đối sửa đổi Hiến pháp đã đặt ra câu hỏi về tính hợp lệ của cuộc bỏ phiếu này, kêu gọi kiểm lại số phiếu và thách thức một quyết định được ủy ban bầu cử đưa ra vào phút chót trong đó cho phép đếm cả các lá phiếu chưa được đóng dấu.
Người đứng đầu đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP), ông Kemal Kilicdaroglu, còn đặt ra câu hỏi về tính hợp lệ của cuộc trưng cầu dân ý này. Đảng của ông nói rằng họ sẽ yêu cầu một cuộc tái kiểm phiếu đối với 60% số phiếu.
Người đứng đầu ủy ban bầu cử thì cho rằng quyết định cho phép đếm các lá phiếu chưa được đóng dấu không phải không có tiền lệ, bởi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng cho phép điều này trước đây. Trong khi đó, ông Kilicdaroglu cáo buộc chính quyền ông Erdogan đang tìm cách thiết lập “chế độ một người” và nói rằng các thay đổi sẽ đặt đất nước vào chỗ nguy hiểm.
Tại một số khu vực đông dân ở thành phố Istanbul, nhiều người dân đổ ra các tuyến đường để phản đối kết quả trưng cầu. Tại quận Besiktas, hơn 300 người biểu tình đã khiến giao thông ngưng trệ, theo Reuter. Ở Ankara, một số vụ đụng độ giữa người ủng hộ đảng AKP và những người ủng hộ phe đối lập đã nổ ra ngay bên ngoài trụ sở của đảng CHP.
Châu Âu phản ứng thận trọng
Sau khi nhận được kết quả trưng cầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng kết quả trên cho thấy “xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ sâu sắc” đồng thời kêu gọi chính phủ nước này cam kết “đối thoại trên tinh thần tôn trọng” với tất cả các thể chế chính trị. Trong một tuyên bố chung với Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, bà Merkel kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “giải quyết các quan ngại” liên quan tới tiến trình bỏ phiếu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng một cách thận trọng.
“Chúng tôi đang đợi đánh giá của OSCE/ODIHR, đồng thời cũng lưu ý tới các vấn đề không theo nguyên tắc” - một tuyên bố được đưa ra bởi Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker cùng nhiều quan chức khác cho hay - “Các sửa đổi Hiến pháp, và đặc biệt là việc thực thi chúng, sẽ được đánh giá dựa trên các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một ứng viên gia nhập EU”.
Hội đồng châu Âu, một tổ chức nhân quyền thúc đẩy các giá trị của châu Âu mà trong đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên, nói rằng kết quả quá sít sao cho thấy đất nước này cần phải tiến tới sửa đổi Hiến pháp một cách thận trọng.
“Xét về kết quả quá sít sao, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nên cân nhắc các bước đi tiếp theo một cách thận trọng” - Tuyên bố từ Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland, nêu rõ.